20/02/2012 - 10:17

Cuộc chiến bản quyền truyền hình vẫn còn tiếp tục...

Bầu Kiên quyết theo đuổi vụ làm sáng tỏ tính hợp pháp của bản quyền truyền hình.

Ngày 16-2, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Vũ Xuân Thành đã công bố kết luận thanh tra khẳng định việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và AVG thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, được pháp luật thừa nhận. Ngay lập tức, các ông bầu trong HĐQT VPF có những phản ứng.

Ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Phó Chủ tịch HĐQT VPF, cho rằng Thanh tra Bộ VH-TT&DL “không công bằng” và VPF sẽ tiếp tục kiến nghị phúc tra lên các cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi chính đáng cho các CLB. Theo bầu Kiên, việc VFF ký hợp đồng với AVG mà chưa thông qua tất cả CLB là trái với quy định, các CLB phải là đồng sở hữu bản quyền truyền hình với tư cách tạo ra sản phẩm. Thế nhưng kết luận thanh tra của Bộ VH-TT&DL khẳng định VFF có quyền sở hữu đối với thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp do mình tổ chức và cũng đã thực hiện đầy đủ các trình tự luật định khi tiến hành ký kết hợp đồng với AVG: xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL, thông qua Ban chấp hành VFF và tổ chức lấy ý kiến tại Đại hội thường niên VFF mà lờ đi các CLB.

Bầu Kiên chỉ ra rằng VFF sau mùa giải 2011 mới chỉ trả tiền bản quyền truyền hình cho mỗi CLB NaviBank Sài Gòn, còn lại tất cả các đội khác đều chưa nhận.

Các ông bầu của VPF còn chưa cảm thấy thỏa mãn về kết luận của thanh tra khi kết luận này viện dẫn các quy định của pháp luật Việt Nam. Vì họ cho rằng thỏa thuận thời hạn 20 năm về chuyển nhượng thương quyền bóng đá giữa VFF với AVG là không trái pháp luật. Ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), Chủ tịch HĐQT VPF, nhấn mạnh VPF luôn tuân thủ pháp luật và tôn trọng ý kiến thanh tra nhưng ông lo lắng quyền lợi của các CLB bị thiệt thòi. Ông dẫn chứng mỗi năm VFF chỉ có 6 tỉ đồng từ việc bán bản quyền (mỗi mùa lũy tiến 10%) chia ra 50% cho 28 CLB thì mỗi đội chỉ nhận vài trăm triệu. Con số này là quá thấp đối với các CLB bình quân mỗi năm đầu tư hàng chục tỉ đồng và đặt trường hợp trong tương lai có nhiều hơn 28 CLB thì số tiền này càng teo đi.

Bầu Kiên còn cho rằng VFF làm trái quy định của Luật Đấu thầu khi chỉ bàn thảo hợp đồng với mỗi AVG mà không kêu gọi, tham khảo, mời thầu các đài lớn của quốc gia như VTV hay VTC. Trong khi kết luận thanh tra cho rằng việc ký kết hợp đồng của VFF là hợp pháp vì nó không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Các ông bầu VPF cho biết sẽ theo đuổi vụ việc này đến cùng theo trình tự kiến nghị phúc tra lên Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, đưa ra tòa án hoặc đề nghị tổ chức Đại hội VFF bất thường xem xét lại tính hợp pháp của bản quyền truyền hình.

Chưa biết ai có lý, nhưng cuộc chiến này còn tiếp tục khiến dư luận ngán ngẫm và tự hỏi: đây là “cuộc chiến” giành quyền lợi hay vì sự tốt hơn của bóng đá Việt Nam?

SONG HUY

Chia sẻ bài viết