16/05/2022 - 14:06

Cùng Tân viết tiếp ước mơ 

“Em đã cố gắng rất nhiều cho đến hiện tại, nếu dừng lại thì rất uổng phí bao công lao, niềm tin của mẹ em. Em không biết phải làm gì đây ngoài cố gắng học và đi làm thêm trang trải cuộc sống. Em cầu mong có một tia sáng dẫn dắt em vượt qua khó khăn này…”.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Thiên Tân.

Sinh viên Nguyễn Hoàng Thiên Tân.

Qua TS Nguyễn Phục Hưng, giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tôi đọc được những dòng thư chất chứa bao tâm sự và nỗi lo toan của em Nguyễn Hoàng Thiên Tân, sinh viên năm thứ 4, ngành Y Đa khoa.

Hẹn gặp Tân ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều vào một buổi chiều mưa, hình ảnh cậu sinh viên 22 tuổi có dáng hình gầy nhỏ, ăn mặc xuềnh xoàng, đạp xe đạp cọc cạch giữa dòng người tấp nập, khiến chúng tôi xúc động. Có lẽ vì mặc cảm cái khổ, cái nghèo và những bất hạnh tuổi thơ, Tân rụt rè, đôi tay đan chặt, bấu mạnh trong sự hồi hộp, ái ngại. Phải rất lâu cho lần đầu gặp mặt, cùng với sự động viên của thầy Nguyễn Phục Hưng, Tân mới chầm chậm trải lòng.

Quê Thiên Tân ở xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Cha Tân dứt áo ra đi khi em mới vào lớp 1, em trai nhỏ vừa thôi nôi. Từ đó, 3 mẹ con Tân nương nhau mà sống, vượt qua những tháng ngày lo toan, cơ cực. Nguồn thu nhập chính của gia đình ít ỏi từ nghề may của mẹ Tân.

“Có lẽ, những hoàn cảnh khó khăn hay những đứa trẻ không may mắn lại càng biết thật trân quý cuộc sống này. Bởi, mỗi thứ đều chưa bao giờ là dễ dàng, dù là những điều nhỏ nhặt nhất”, Tân viết. Và rồi, Tân xác định bản thân chỉ có một con đường duy nhất giúp gia đình mình vượt qua khó khăn chính là học. Học thật tốt, học thật giỏi! Em còn cáng đáng việc nhà giúp mẹ từ nấu ăn, giặt giũ, trông em… Tranh thủ việc học, Tân theo anh chị trạc tuổi cùng xóm đi cạo hạt điều, hạt sen, kết cườm, đan lục bình, đãi hến đi bán, bán vé số để phụ mẹ trang trải cuộc sống. Em cố gắng tiết kiệm hết sức có thể để không làm nặng thêm gánh nặng của mẹ.

Khó nhọc là vậy nhưng thành tích học tập của Tân lúc nào cũng khiến mẹ và em trai tự hào. Từ năm lớp 1 tới lớp 12, Tân đều là học sinh giỏi, đứng đầu khối và đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi. Có thể đó cũng chẳng là một thành tích quá xuất sắc với nhiều người, nhưng đối với em là cả một quá trình nỗ lực không ngừng, là một tuổi thơ chưa bao giờ ngừng cố gắng vượt lên số phận. Và rồi em đậu ngành Y Đa khoa Trường Đại học Y Dược Cần Thơ - câu chuyện làm rộn ràng cả vùng quê vì chưa một cậu học trò nào ở đó có thành tích học tập đáng tự hào đến vậy.

Tân kể: “Em vui mừng khi hay tin mình đậu nhưng không dám báo cho mẹ biết vì sợ mẹ lo không nổi, mẹ không cho học. Em không dám mừng hay khoe với ai”. Nhưng rồi mẹ Tân đã vui mừng trước tin con đậu đại học, bà động viên con viết tiếp ước mơ trở thành bác sĩ cứu người…

Qua Cần Thơ học, Tân cố gắng tiết kiệm hết sức có thể, từ chọn nhà trọ rẻ nhất tới tự nấu ăn những món đơn giản, không mua sắm hay đi chơi và cố gắng đi làm thêm, bên cạnh việc học. 4 năm qua, Tân đều đảm bảo học lực Khá, Giỏi. Tiền chi phí sinh hoạt thì Tân làm thêm, cộng thêm chu cấp của mẹ, em có thể trang trải được. Riêng học phí, đến nay, mẹ em đã vay từ chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên, lên đến 77 triệu đồng và sẽ còn tiếp tục vay cho hành trình 2 năm cuối.

Nhưng rồi mới đây, hành trình chinh phục ước mơ bác sĩ của Tân lại thêm một lần thử thách khi mẹ em vì quá lao lực nên bị tai biến mạch máu não. Rất may là mẹ em qua khỏi, di chứng không nặng nề nhưng sức khỏe thì giảm sút nhiều. Tân rưng rưng: “Mẹ em sức khỏe yếu nhiều. Em của em sắp lên lớp 10. Liệu em có nên học tiếp hay dừng lại đi làm nuôi mẹ và em. Em đã cố gắng rất nhiều cho đến hiện tại, nếu dừng lại thì rất uổng phí bao công lao, niềm tin của mẹ em”.

Câu chuyện vượt khó của Tân được nhiều người biết đến. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng rất quan tâm, hỗ trợ em tiếp tục đến trường. Hằng năm, Tân đều được nhận học bổng AHAC dành cho sinh viên Y khoa, trị giá khoảng 4 triệu đồng/năm. San sẻ cùng Tân, bạn em cho em ở chung nhà trọ mà không lấy tiền, nên em cũng đỡ chi phí. Bây giờ, em vẫn duy trì việc giữ xe cho một quán trà sữa. Nhưng bấy nhiêu đó dường như cũng chưa làm em an tâm giữa những khó khăn chồng chất: sức khỏe của mẹ, chuyện học của em trai, 2 năm cuối đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí giáo trình… và còn số tiền vay ngân hàng để đóng học phí…

Tân nói với chúng tôi rằng, em sẽ cố gắng, cố gắng hết sức có thể, vì mẹ, vì em, vì bản thân và vì tình thương thầy cô, bạn bè dành cho em. Ước mơ trở thành một bác sĩ Nhi khoa giỏi, trị bệnh cứu người vẫn cháy bỏng trong lòng nam sinh 22 tuổi.

Xin hãy cùng Tân viết tiếp ước mơ!

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết