31/05/2014 - 21:19

Cung cấp dưỡng chất hợp lý cho trẻ 0-5 tuổi

Giai đoạn từ 0-5 tuổi là thời kỳ phát triển quan trọng của đời người, nhiều cơ quan trong cơ thể đang được hoàn chỉnh. Đây cũng là giai đoạn trẻ tăng trưởng thể chất mạnh mẽ, hệ thần kinh và não bộ phát triển cực nhanh. Do vậy, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển trong giai đoạn này là hết sức quan trọng…

* Nuôi hoài không thấy lớn...

Đó là câu than vãn cửa miệng của những bà mẹ có con bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Điển hình trường hợp chị N.T.H.T. (ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), đưa con đến khám và tư vấn dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Bé K.V.Th. (con chị T.) đã 4 tuổi nhưng chỉ cân nặng gần 13kg. Theo chị T, bé Th. được sinh thường, cân nặng 3kg, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, Th. không được bú sữa mẹ mà phải bú sữa bột từ lúc mới sinh. Chị T. giải thích: “Lúc mới sinh, tôi không có sữa nên cho con bú sữa bột. Từ nhỏ cháu hay mắc bệnh vặt, nhất là tiêu chảy. Cháu ăn uống rất ít, không ăn trái cây hay rau củ. Tôi thay đổi nhiều loại sữa cho cháu nhưng nuôi hoài không thấy lớn, không tăng cân. Cứ mỗi lần bệnh, cháu lại sụt cân”.

Trẻ được cân, kiểm tra sức khỏe tại Phòng Khám - Tư vấn dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. 

ThS.BS.Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu - Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: “Bé Th. là một trong nhiều trường hợp khá phổ biến trong nhóm trẻ suy dinh dưỡng. Dù hiện nay Bộ Y tế đã khuyến cáo các bà mẹ cần nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Nhưng trên thực tế, nhiều trẻ không được bú mẹ hoàn toàn và ăn bổ sung hợp lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ em phải đối mặt với các bệnh nhiễm khuẩn. Khi trẻ mắc bệnh, thường ăn kém trong khi cơ thể đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Sự suy giảm dinh dưỡng trong quá trình mắc bệnh sẽ dẫn đến giảm khả năng hệ miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Và những trường hợp như bé Th. thường rơi vào vòng luẩn quẩn này”.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất ở trẻ em từ 0-5 tuổi luôn ở mức báo động. Năm 2013, ở nước ta, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi: 15,3%, suy dinh dưỡng thấp còi: 25,9%, suy dinh dưỡng gầy còm: 6,6%. Tại TP Cần Thơ, năm 2013, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi: 11,7%, suy dinh dưỡng thấp còi: 22,7%, suy dinh dưỡng gầy còm: 6,5%.

* Để nuôi con khỏe mạnh

Bác sĩ Nhất Phương cho biết thêm: “Trẻ em không chỉ cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo phát triển thể chất, trí tuệ mà còn đòi hỏi phát triển hoàn hảo hệ thống miễn dịch. Các nhóm dưỡng chất cần thiết cho trẻ phát triển gồm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Vitamin gồm: vitamin tan trong nước (nhóm B, C) và vitamin tan trong dầu là A, D, E, K. Các khoáng chất gồm: canxi, phosphor, magnesium, sắt, kẽm, I-ốt, đồng... Các vitamin và khoáng chất tuy không cung cấp năng lượng như nhóm chất bột đường, đạm, béo nhưng không thể thiếu trong quá trình phát triển bình thường của trẻ”. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, để phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý ngay từ giai đoạn bào thai đến từng giai đoạn phát triển những năm đầu đời. Các khuyến cáo việc cung cấp dưỡng chất cần thiết cho trẻ theo từng giai đoạn như sau:

- Thời kỳ bào thai: Người mẹ mang thai cần ăn uống đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng nhóm bột, đường, đạm, béo, các vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, thai phụ cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung vitamin A, I-ốt và canxi nếu bị thiếu hụt. Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, thai phụ cần ăn uống nhiều hơn sao cho nguồn năng lượng tăng 360kg calo/ngày so với mức bình thường trước đó và tăng lên 475kg calo/ngày vào 3 tháng cuối thai kỳ, đồng thời nên ăn đa dạng các loại thức ăn từ động vật, rau củ, quả.

- Giai đoạn trẻ 0-6 tháng tuổi: Bà mẹ nên cho con bú ngay sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngoài ra, người mẹ cần được nghỉ ngơi, thoải mái tinh thần và tiếp tục tăng cường ăn uống nhiều, đầy đủ dưỡng chất, tránh kiêng khem để trẻ được cung cấp nguồn sữa mẹ đủ cả lượng và chất.

- Giai đoạn trẻ 6-24 tháng tuổi: Khi trẻ bước vào tháng tuổi thứ 7 thì cho ăn giặm, bắt đầu bằng bột loãng, vẫn duy trì bú mẹ là chính; đến tháng thứ 8 có thể chuyển sang ăn cháo nát, bú mẹ và uống thêm nước ép trái cây. Giai đoạn này, nhiều bà mẹ thường cai sữa khi con chỉ mới 12 tháng tuổi và cho trẻ ăn cơm với suy nghĩ để trẻ mau cứng cáp. Đó là một quan niệm sai lầm, trẻ cần được cho bú mẹ đến 24 tháng tuổi và chỉ nên cho trẻ ăn cơm khi có đủ 20 cây răng.

- Giai đoạn trên 24 tháng tuổi: Trẻ có thể ăn 3 bữa chính với cháo đặc hoặc cơm khi đã đủ răng và ăn thêm 2-3 bữa phụ bằng sữa hoặc chế phẩm của sữa, bánh, trái cây... Vào độ tuổi này, cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn vặt những thức ăn kém dưỡng chất như: kẹo, snak, nước uống có gas, nhất là trước bữa ăn chính.

Ngoài ra, cha mẹ nên lưu ý: chế biến thức ăn cho trẻ từ rất mềm, nhuyễn mịn giai đoạn đầu đến mềm, vừa và to dần, tăng lượng từ ít đến nhiều để hệ tiêu hóa trẻ quen dần, hấp thu tốt và giúp răng, lợi phát triển. Thịt cá, rau củ nên băm nhỏ để trẻ ăn cả nước lẫn xác, vì xác thịt cá, rau củ có nhiều dưỡng chất cần thiết cho trẻ và thêm dầu thực vật vào cháo hoặc súp để giúp trẻ hấp thụ được vi chất dinh dưỡng. Các bà mẹ nên nên chú trọng cho trẻ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, khỏe mạnh, tránh nhồi nhét quá nhiều dễ dẫn đến việc trẻ bị béo phì. Khi trẻ có dấu hiệu nhẹ cân, thừa cân, béo phì, cha mẹ nên sớm đưa con đến bác sĩ dinh dưỡng để được khám, tư vấn.

Bài, ảnh: Lê Yên

Chia sẻ bài viết