05/11/2023 - 08:03

Công Thần miếu - nơi tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân 

Trần Kiều Quang

Công Thần miếu (ảnh) tọa lạc tại phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, là ngôi cổ miếu tồn tại trên 100 năm, gắn với nhiều huyền thoại trong dân gian. Tiền thân của Công Thần miếu là Miếu Hội đồng, sau do những thăng trầm của lịch sử, ngôi miếu thờ 85 đạo sắc do triều Nguyễn ban tặng ghi công lao của những bậc tiền hiền có công với quê hương, đất nước này được đổi tên thành Công Thần miếu.

Theo “Ðại Nam nhất thống chí”, Miếu Hội đồng Vĩnh Long xây dựng năm Minh Mạng thứ 17 (1837) tại thôn Thanh Mỹ Ðông, huyện Vĩnh Bình. Dân gian thường gọi ngôi miếu này là Ðình Khao do tương truyền các quan thường chọn nơi này để yến ẩm khao thưởng. Các vị thần được thờ tại Miếu Hội đồng được triều đình nhìn nhận bằng sắc phong. Hằng năm, các quan đầu tỉnh thay mặt triều đình đến tế lễ.

Thời cực thịnh của Miếu Hội đồng Vĩnh Long chỉ được 30 năm thì thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta. Khi bình định lấn chiếm, chúng lấy cớ thiếu gỗ xây dựng dinh Tham Biện nên đã phá hủy ngôi miếu này. Rất may là những đồ thờ tự, đặc biệt là 85 đạo sắc phong của Miếu Hội đồng đã được đem về gửi tại đình làng Thiềng Ðức.

Khoảng năm 1918, nhờ sự vận động của bà Trương Thị Loan và bà Lê Thị Danh, chính quyền đô hộ thời bấy giờ đã cho phép khôi phục lại Miếu Hội đồng. Ông Nguyễn Văn Kỷ đã hiến một mẫu đất, bà Trương Thị Loan đã hiến 3.000 đồng - số tiền khổng lồ thời bấy giờ, để xây dựng ngôi miếu mới, cách vị trí cũ khoảng một cây số nhưng gần thị xã hơn.

Ðể chính quyền đô hộ chấp nhận, giới thân hào nhân sĩ thời bấy giờ đã thờ thêm danh sách những thanh niên ở Vĩnh Long bị bắt đi lính tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và mất bên trời Tây. Ðồng thời Bà Trương Thị Loan cũng đã gửi thờ cha chồng bà là ông Nguyễn Văn Phong, người Vĩnh Long, nguyên là Tổng đốc Thuận Khánh thời vua Thành Thái. Ngôi miếu mới này được gọi là Công Thần miếu. Từ khi tái thiết, Công Thần miếu trở thành nơi thờ phượng dân gian không còn mang tính chính thống của nhà Nguyễn nữa(1).

Công Thần miếu ở Vĩnh Long thờ các vị Nhiên thần và Nhân thần. Những vị thần do những người đi khai hoang, mở cõi đem từ cố hương miền Bắc, miền Trung và những vị thần xuất hiện từ huyền thoại của người Việt cổ, những vị thần ở duyên hải miền Bắc, miền Trung; những vị thần biểu tượng của núi sông, sơn hà xã tắc... gọi chung là Nhiên thần. Những vị thần lúc sinh tiền có công khai phá miền Trung, miền Nam hay gắn liền với quá trình chinh phục vùng Long Hồ dinh, gọi chung là Nhân thần. Các vị thần linh này được nhân dân thờ tự và triều đình nhà Nguyễn sắc phong(2). “Dân gian xưa nay vẫn xem Công thần miếu là nơi linh thiêng huyền bí với nhiều huyền thoại lưu truyền. Phần lớn các truyền thuyết nhằm tôn vinh công lao và sự hiển linh của các vị thần. Các vị thần luôn đứng về phía người hiền đức, nhân hậu, thẳng tay trừng trị kẻ làm điều ác”(3).

Công Thần miếu có kiến trúc theo kiểu tứ trụ, “gồm bốn nóc, chính tẩm, võ quy, võ ca và nhà khách.[…] Bộ giàn trò bằng danh mộc, kiên cố nhưng đơn giản, ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương”(4). Miếu có cổng dạng tam quan. Cả cổng chính và hai cổng phụ đều có lợp ngói. Riêng cổng chính có hai tầng mái. Trên đỉnh nóc có tượng đôi rồng tranh lấy quả châu. Phía sau cổng nằm về bên phải (từ ngoài nhìn vào) là Ðài Công Thần - biểu tượng của ngôi miếu - được xây cao lớn, chắc chắn, uy nghi.

Bên trong chính điện bài trí nhiều trang thờ khác nhau, đặc biệt đây cũng là nơi thờ 85 đạo sắc do các vua nhà Nguyễn sắc phong. Gian chính điện được bài trí trang nghiêm, với nhiều màu sắc rực rỡ, võng, lọng, cờ xí được sắp xếp đăng đối làm tăng thêm vẻ linh thiêng của ngôi miếu. Trang thờ chính giữa được đặt sát vách là gian thờ chính, bên trong có bài vị chữ Thần. Ðây là nơi thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, bên trái gian thờ này (từ trong nhìn ra) là bàn thờ của Tả Ban và bên phải là bàn thờ Hữu Ban - hai vị tả hữu của Thành Hoàng. Bên trái trong chánh tẩm (nhìn từ ngoài vào) là trang thờ Phúc Ðức Chính Thần và Ðông Trù Tư Mệnh, bên phải là bàn thờ của Bạch Mã Thái Giám và Ngũ Hành Nương Nương.

Phía trước bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là Long đình - nơi thờ 85 đạo sắc do triều Nguyễn phong tặng. Nội điện công thần miếu tuy nhỏ nhưng được sắp xếp gọn gàng, trang nghiêm. Mỗi trang thờ đều được chạm trổ tinh vi, khéo léo, trướng phủ, rèm che đầy vẻ uy nghi. Hoành phi, câu đối ở đây được chạm khắc tinh xảo càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm cho gian thờ. Ðối diện trang thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là sân khấu - nơi dùng để trình diễn hát bội mỗi khi có lễ hội diễn ra. Khoảng cách giữa chính điện và sân khấu là võ quy - nơi các thành viên trong Ban tế tự tề tựu trước khi cúng tế.

Hằng năm, Công Thần miếu có các lễ hội: Lễ Xuân tế cầu an diễn ra vào rằm tháng 2 âm lịch, Lễ Hạ điền diễn ra vào rằm tháng 5 âm lịch, Lễ Thu tế diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch, Lễ Thượng điền diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch. Trong các kỳ lễ trên, Lễ Xuân tế hằng năm là lễ trọng đại nhất. Lễ hội kéo dài 4 ngày đêm, thu hút hàng ngàn khách hành hương trong và ngoài tỉnh về đây chiêm bái. Nhiều nghi thức truyền thống vẫn được duy trì, nhiều sinh hoạt dân gian thu hút đông đảo khách đến tham quan, giao lưu, giải trí.

Công Thần miếu không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn là nơi để hậu thế ghi ơn đối với những vị công thần có công với đất nước, quê hương. Ðây chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ lâu đời của dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa còn bảo lưu, Công thần miếu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 1811 QÐ/BT ngày 31- 8-1998 công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.

-----------------------

(1) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.257-258.

(2) Bùi Xuân Đức (Chủ biên) - Nguyễn Văn Thoa (dịch) (2013), “85 sắc phong ở miếu Công thần tại Vĩnh Long”, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.7.

(3) Bùi Xuân Đức (Chủ biên) - Nguyễn Văn Thoa (dịch), Sđd, tr.9.

(4) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), Sđd, tr.260.

Chia sẻ bài viết