12/02/2009 - 08:52

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Công tác thi đua - khen thưởng phải bám sát các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trọng tâm

* Vinashin cần tập trung đầu tư vào ngành nghề chính là đóng tàu và công nghiệp phụ trợ

Ngày 11-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (HĐ TĐ-KT TƯ) đã chủ trì phiên họp thứ 27 của Hội đồng nhằm triển khai các nhiệm vụ công tác năm 2009, góp ý kiến vào kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp lần thứ 27 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ngày 11-2-2009. Ảnh: Website Chinhphu.vn. 

Đề cập tới các nhiệm vụ của công tác thi đua - khen thưởng năm 2009, Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát các nhiệm vụ kinh tế, xã hội trọng tâm, đó là thực hiện quyết liệt, đồng bộ 5 nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Thủ tướng cũng lưu ý phong trào thi đua cần đi vào cụ thể hơn, theo đó các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ của mình để xây dựng phong trào với mục tiêu rõ ràng, thiết thực; gắn phong trào thi đua với công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Trong công tác khen thưởng cần thực hiện chặt chẽ hơn, theo đúng các quy định hiện hành, khen thưởng cho xứng đáng với hình thức trang trọng mà thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả. Cơ bản nhất trí với kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho HĐ TĐ-KT TƯ để tiến hành cho hợp lý, tránh chồng chéo, kéo dài.

Theo HĐ TĐ- KT TƯ, năm 2009, tư tưởng xuyên suốt của phong trào thi đua yêu nước là “Cả nước chung sức đồng lòng, chia sẻ trách nhiệm và thi đua giành thắng lợi”. Về tổ chức Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vào quý 4-2010, HĐ TĐ-KT TƯ xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng cấp độ. Trong các quý 1, 2 và 3-2010, tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở và Đại hội thi đua của các Bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

* Ngày 11-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ làm việc với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư, tài chính của Tập đoàn.

Tại buổi làm việc, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, sự phát triển của Vinashin đã khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp tàu thủy của nước ta. Từ chỗ chỉ đóng được tàu 2-3 nghìn tấn, đến nay đã đóng được tàu 53 nghìn tấn và kho nổi chứa dầu trọng tải 150.000 DWT. Kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, giải quyết việc làm cho nhiều lao động… Tập đoàn đã có những điều chỉnh về mô hình công ty mẹ, công ty con , trong đó ngành nghề chính chiếm trên 70% phù hợp với yêu cầu. Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư của Tập đoàn còn dàn trải, nhất là việc sử dụng các nguồn vốn để đầu tư ngoài lĩnh vực chính chưa mang lại hiệu quả cao. Tỷ lệ nợ cao, cơ chế tài chính chưa rõ ràng…

Đồng tình các ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện nhiệm vụ này thì ngành cơ khí chế tạo là then chốt, trong đó công nghiệp đóng tàu là ưu tiên. Qua thực tiễn cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu là quyết định đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại yếu kém của Tập đoàn là tình hình tài chính chưa bền vững, chưa lành mạnh (khả năng tài chính ít nhưng phải vay nhiều để đầu tư dẫn đến tài chính chưa lành mạnh), đầu tư dàn trải, cơ chế vận hành và mô hình tổ chức chưa hoàn thiện…

Về phương hướng hoạt động của Tập đoàn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Vinashin trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với chức năng chính là đóng tàu, vận tải biển và công nghiệp phụ trợ là nòng cốt chủ lực ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam hội nhập, cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước và quốc tế. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại chiến lược qui hoạch ngắn và dài hạn của Tập đoàn để tính toán đầu tư cho xuất khẩu và nội địa; không mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác, nhất là những lĩnh vực đầu tư dàn trải như bia, xi măng… để dồn vốn cho các công trình trọng điểm.

THU HƯƠNG - THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết