29/11/2008 - 09:09

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở các tỉnh thành khu vực Tây Nam bộ

Công tác cán bộ đóng vai trò then chốt

Với chủ đề “Hệ thống chính trị cấp cơ sở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp”, hội thảo do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức vào ngày 25-11-2008, đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nghiên cứu và nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng tại khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ tham gia. Các ý kiến và 25 tham luận được gởi đến và trình bày tại hội thảo đã giúp người đọc, người nghe có cái nhìn khá xác thực về bức tranh tổng quan của hệ thống chính trị cấp cơ sở (HTCTCCS) các tỉnh thành khu vực Tây Nam bộ và những giải pháp khả thi, thiết thực để nâng cao chất lượng của HTCTCCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

THỰC TRẠNG

Hầu hết ý kiến và tham luận tại hội thảo có chung nhận định: Mặc dù là cấp thấp nhất trong hệ thống bốn cấp của bộ máy Đảng và bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ta hiện nay, nhưng cấp cơ sở và HTCTCCS là một mắt khâu rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội và của cả hệ thống chính trị. Hiệu quả hoạt động của HTCTCCS ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm, thái độ và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đội ngũ cán bộ cơ sở và HTCTCCS có vững mạnh, trong sạch thì mới tạo động lực thúc đẩy nhân dân hành động vì mục đích chung. Báo cáo đề dẫn hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Trong những năm qua, việc xây dựng và củng cố HTCTCCS đã đạt được một số thành quả nhất định, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở và hiệu quả hoạt động của HTCTCCS đã được nâng lên. Tuy nhiên, trước nhu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, HTCTCCS nói chung, bao gồm HTCTCCS vùng Tây Nam Bộ, còn bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng hoạt động còn bất cập trước đòi hỏi của thực tiễn.

Cán bộ Hội Nông dân phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng rau sạch. 

Phân tích thực trạng này, các đại biểu cho rằng hạn chế của HTCTCCS bắt nguồn từ việc mỗi yếu tố cấu thành như tổ chức Đảng, HĐND, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể... cấp cơ sở vẫn còn hạn chế trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc tập hợp quần chúng thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này thể hiện cụ thể qua việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở còn chậm; khả năng xử lý những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở còn rất hạn chế, một số nơi gần như bất lực trước mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân và các tệ nạn xã hội. Tình trạng quan liêu, tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân nhiều lúc, nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ... Theo nhiều đại biểu, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn quá thấp là một trong những nguyên nhân chậm chuyển biến của HTCTCCS. Cụ thể: tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ có từ 20% đến trên dưới 30% cán bộ cấp cơ sở chỉ có trình độ cấp 2, có nơi còn gần 5% cán bộ chỉ mới đạt trình độ tiểu học. Trình độ chuyên môn của cán bộ có nơi chỉ đạt trên 30%; trình độ lý luận chính trị (chủ yếu là trung cấp), chỉ đạt từ trên 60% đến trên dưới 80%. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, là những người giữ vai trò nòng cốt ở cơ sở, nhiều nơi trình độ rất thấp. Theo bà Trần Kim Mai, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Tiền Giang: “Điều này vừa không đảm bảo năng lực lãnh đạo, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa dễ dẫn đến tình trạng bất mãn, không phục... của đội ngũ cán bộ chuyên môn dưới quyền có trình độ cao hơn”.

Ông Nguyễn Trung Thứ, Tỉnh ủy viên, Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang, nhận xét: “Thời gian qua, Trung ương đến các địa phương đều đề ra các kế hoạch để thu hút nguồn trí thức trẻ về bổ sung cho cơ sở. Thế nhưng, thực trạng “việc nhiều- lương thấp- tương lai không rõ ràng” là một trong những nguyên nhân khiến cơ sở luôn thiếu vắng cán bộ giỏi, tâm huyết với công việc”. Tiến sĩ Nguyễn Khánh Mậu, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, nêu ví dụ: “Tại các tỉnh như Long An, An Giang... nhiều xã giáp biên giới, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, như: việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH kết hợp an ninh quốc phòng, quy hoạch dân cư, phòng, chống buôn lậu. Bên cạnh đó, nhân dân ở các xã biên giới đa số còn nghèo, thường xuyên bị lũ lụt, điều kiện giao thông, kết cấu hạ tầng kém, dân cư phân tán... nên cán bộ cơ sở rất nhiều việc. Với khối lượng công việc như thế, nhưng trình độ thấp, lại phải kiêm nhiệm nhiều, nên hiệu quả công tác không cao”. Thừa nhận thực trạng này, nhưng đại diện nhiều tỉnh thành tham dự hội thảo cho rằng đây là nguyên nhân của việc phân bổ công việc không hợp lý, đồng thời do cán bộ cơ sở thiếu tâm huyết, năng lực sở trường nên hiệu quả công việc thấp. Một nghịch lý được nhiều đại biểu nhắc đến trong hội thảo là tình trạng “chức lên- thu nhập xuống”, đang là một cản ngại trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Ông Võ Thành Hạo, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bến Tre, nêu bức xúc: “Để được bầu vào cấp ủy, phụ trách các chức danh “tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra”, đa số cán bộ phải trải qua quá trình công tác lâu năm, được tập thể tín nhiệm, nhưng chế độ lại thấp hơn các cán bộ làm công tác chuyên môn. Sự trưởng thành về mặt chính trị đi ngược lại quyền lợi kinh tế dẫn đến tâm lý không muốn phấn đấu trong đội ngũ cán bộ cơ sở”. Ông Bùi Quang Bền, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, phản ánh: “Nhiều cán bộ cơ sở ở Kiên Giang khẳng định: Nếu gom cả 3 chức danh “tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra” ở cơ sở cho một người làm, thì họ vẫn đảm bảo làm tốt. Nhưng với điều kiện là chế độ làm việc phải “ngon”, làm cho người cán bộ an tâm công tác. Chứ xẻ công việc ra 3 người, mà người nào tâm trạng cũng lo “chân trong chân ngoài” thì cũng không làm hết việc”.

Khu vực Tây Nam Bộ là nơi tập hợp nhiều dân tộc, tôn giáo. Có những địa phương đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30% dân số, như Trà Vinh, Sóc Trăng... nên đặc điểm về dân tộc, tôn giáo cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HTCTCCS. Theo thống kê của Vụ Xây dựng hệ thống chính trị - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng bào người dân tộc Khmer hiện khoảng 1,3 triệu người, chiếm 7,43% dân số trong khu vực. Tuy nhiên, số cán bộ công chức người Khmer chỉ chiếm 2,33% tổng số cán bộ công chức cấp xã và chiếm 2,64% so với tổng số đảng viên trong khu vực. Đáng lưu ý là có đến 85,13% cán bộ người dân tộc Khmer chưa rành tiếng dân tộc... đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của HTCTCCS những nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống.

GIẢI PHÁP NÀO?

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTCTCCS, nhiều đại biểu cho rằng, phải đổi mới căn bản về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và chế độ chính sách đối với cán bộ trong HTCTCCS. Về tổ chức bộ máy, các đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế tương ứng, hợp lý của từng tổ chức; trách nhiệm thẩm quyền của người đứng đầu, mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống để đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của tổ chức Đảng, phát huy tính tích cực, chủ động của chính quyền, các đoàn thể, đồng thời xác lập rõ ràng chế độ trách nhiệm đối với cán bộ. Các đại biểu đề nghị Trung ương nên nghiên cứu, mạnh dạn tinh giản biên chế của các cấp cao hơn để “dồn sức” cho cơ sở, bên cạnh đó, cần tăng thẩm quyền cho cơ sở ở những lĩnh vực mà cấp cơ sở có khả năng xử lý tốt hơn, như: công tác bảo vệ trị an, xử phạt vi phạm lộ giới, xây dựng trái phép... Tiến sĩ Nguyễn Khánh Mậu - Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực II, nêu: “Việc áp dụng cơ chế dân bầu trực tiếp chức danh Chủ tịch UBND cấp cơ sở hoàn toàn phù hợp với quá trình vận hành của nền hành chính công, bởi vừa tạo cơ hội để người dân trực tiếp lựa chọn người có uy tín, năng lực, đồng thời qua đó cũng tạo điều kiện để phát huy tính năng động của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hành chính và củng cố mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân”. Ông Huỳnh Văn Tài, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long, đề xuất: “Nên phát huy mô hình “Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã” để quyền lực ở cơ sở tập trung, thống nhất, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Đồng thời nghiên cứu bố trí cán bộ Đảng phụ trách thêm công tác của chính quyền và ngược lại nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động”. Đồng cảm với suy nghĩ này, tuy nhiên bà Lâm Thị Hoa, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng những việc làm này chỉ có hiệu quả khi chế độ dành cho cán bộ cơ sở được cải thiện hợp lý, bao gồm các chế độ về lương, bảo hiểm...; các chính sách về đào tạo, luân chuyển... Đồng thời, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho cơ sở. Bà Hoa nhấn mạnh: “Cần trang bị hiện đại hóa các phương tiện hoạt động cơ sở, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức”.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ được hầu hết các đại biểu tham luận hội thảo xác định là giải pháp trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCTCCS. Để thực hiện tốt giải pháp này, các đại biểu cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ giữa việc đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh và từng bước nâng cao hơn; mạnh dạn tuyển dụng thay thế các công chức không đạt chuẩn chức danh và không có khả năng đào tạo đạt chuẩn; tăng cường công tác tạo nguồn cán bộ lâu dài cho chính quyền cơ sở, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng cán bộ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh, giải pháp mang tính đột phá là tuyển dụng thay thế, mặc dù đây là công việc khó khăn, phức tạp nhất vì đụng chạm đến tâm lý nặng “duy tình”, “duy cảm” của người Việt Nam. Ông Dũng nhấn mạnh: “Trong việc thay thế cán bộ, cần dựa trên các nguyên tắc động viên cán bộ tự nguyện nghỉ công tác, có chế độ hợp lý để cán bộ ổn định về tâm lý và cuộc sống sau khi rời nơi công tác, đồng thời phải gắn việc thay thế với việc thực hiện tốt các chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học về cơ sở”.

Song song với những nỗ lực của cơ sở, các đại biểu thống nhất rằng vai trò của cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể cấp trên tác động rất lớn đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HTCTCCS. Tham gia thảo luận về vấn đề này, ông Đặng Tuấn Liệt, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: “Các cấp các ngành cấp trên cần tăng cường chỉ đạo, nhưng đồng thời cũng phải để cơ sở phát huy tính chủ động. Trong công tác chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể, rõ ràng, tránh trùng lắp, bất nhất trong thực hiện. Các cơ quan cấp trên khi đề ra nhiệm vụ chính trị phải bám sát tình hình thực tế, bảo đảm sự thống nhất giữa trên và dưới, tránh áp đặt một cách chủ quan, nóng vội, đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát”...

Tập hợp các ý kiến và tham luận của đại biểu tại buổi hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: Hội thảo đã giúp các đại biểu tham dự đánh giá đúng thực trạng tình hình HTCTCCS ở khu vực Tây Nam Bộ, góp phần làm rõ những mặt hạn chế, vướng mắc, đồng thời đề ra nhiều giải pháp để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTCTCCS. Những kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng HTCTCCS được đúc kết từ thực tiễn công tác và hoạt động ở địa phương cùng với những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu là cơ sở để Trung ương và các tỉnh, thành phố xem xét, phát huy những ưu điểm và nghiên cứu sửa đổi những mặt còn hạn chế để xây dựng HTCTCCS khu vực Tây Nam Bộ ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết