05/12/2018 - 20:44

Công nghệ sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn Trung Quốc? 

Với gần 1,4 tỉ dân, việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe và giáo dục hiệu quả là ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Tại Hội nghị East Tech West diễn ra ở Quảng Châu mới đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, giới đầu tư và chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể “cân đối” một cách hiệu quả các lĩnh vực này bằng công nghệ, trong bối cảnh lượng người dùng Internet ở nông thôn Trung Quốc đạt mức 209 triệu vào năm 2017, chiếm khoảng 30% tổng số người dùng Internet cả nước.

Từ giúp cải thiện giáo dục…

Công nghệ đang được phát triển để giúp học sinh, sinh viên ở vùng nông thôn Trung Quốc tiếp cận giáo dục nhiều hơn thông qua các nền tảng học tập trực tuyến. Trước tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các vùng xa xôi hẻo lánh, dịch vụ dạy học trực tuyến VIPKid, có trụ sở đặt tại Thủ đô Bắc Kinh, năm 2017 đã triển khai dự án giáo dục ở nông thôn nhằm mục đích mang giáo dục trực tuyến đến 10.000 lớp học bằng các bài học phát trực tiếp trên mạng. Đến nay, khoảng 55 triệu học sinh ở các trường nông thôn Trung Quốc có thể tham gia vào các lớp học trực tuyến.

…đến nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một cụm từ thông dụng tại bất kỳ sự kiện công nghệ nào trong thời gian gần đây, nhưng tại East Tech West thì nó được xem như một giải pháp giúp giải quyết vấn đề trong các ngành, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe. 

Catrinel Hagivreta, nhà sáng lập kiêm CEO công ty khởi nghiệp MEDIjobs, giải thích lý do tại sao Trung Quốc cần một giải pháp cấp tiến như AI. “Các nghiên cứu cho thấy dân số già là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Theo đó, vào năm 2050, 1/3 dân số Trung Quốc sẽ từ 60 tuổi trở lên. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc năm 2016 đã chấm dứt chính sách một con, cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, điều này sẽ dẫn đến sự bùng nổ dân số” - Hagivreta trong một email gửi tới CNBC cho biết. Theo bà, đối với ngành y tế, 2 yếu tố này cho thấy ngày càng nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe về hưu trong khi nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi một giải pháp triệt để như AI dành cho chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt ở các khu vực nông thôn, loại công nghệ như hệ thống cung cấp dịch vụ y tế lâm sàng  từ xa (Telemedicine) là một trong những cách giúp giải quyết các vấn đề như vậy.

Một thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy, trong năm 2016, cứ mỗi 1.000 thị dân thì có 3,92 bác sĩ, cao hơn nhiều so với con số 1,59 bác sĩ/1.000 dân nông thôn. Song, trong những năm gần đây, các công nghệ như Internet, AI, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đã mang lại nhiều lợi ích trong việc chăm sóc sức khỏe ở các vùng nông thôn Trung Quốc và giảm sự chênh lệch về chăm sóc sức khỏe giữa đô thị và nông thôn.

…và hỗ trợ nông nghiệp

Edith Yeung, giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Thung lũng Silicon 500 Startups, cho biết AI không chỉ có ích trong ngành chăm sóc sức khỏe mà còn có thể giúp đỡ nông dân. “An toàn thực phẩm tại Trung Quốc là một vấn đề lớn. Do đó, bạn có thể thấy các “ông lớn” công nghệ như Tencent và Alibaba đều hợp tác với nông dân để tạo ra cái gọi là heo, gà AI. Nghĩa là họ sử dụng các thiết bị Internet vạn vật để theo dõi các dấu hiệu quan trọng trên heo, gà để đảm bảo rằng nguồn thực phẩm đó là an toàn” – bà Yeung nói.


Nông dân Trung Quốc dùng UAV phun thuốc trừ sâu. Ảnh: SCMP

Theo Alin Iftemi, giám đốc công nghệ tại công ty Modex, AI thậm chí có thể giúp cải thiện đáng kể chi phí nông nghiệp ở các vùng nông thôn nghèo của Trung Quốc. Chẳng hạn, các thuật toán AI xử lý hình ảnh có thể giúp máy bay không người lái (UAV) xác định các khu vực trồng trọt bị ảnh hưởng hay những khu vực có độ ẩm thấp hoặc cao. Thay vì lãng phí thuốc trừ sâu hoặc nước cho toàn bộ cánh đồng, AI giúp nông dân sử dụng một lượng cần thiết tại những nơi bị ảnh hưởng.

Dù giới lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lạc quan và phấn khích nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc thay đổi vùng nông thôn bằng công nghệ ở Trung Quốc là vấn đề phức tạp, nhất là do quy mô địa bàn và dân số.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết