27/10/2017 - 20:31

Công nghệ cao là chìa khóa cho nông nghiệp hội nhập 

Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp thu hẹp do đô thị hóa, công nghiệp hóa và tác động biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ đang hình thành những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Điều này vừa giải quyết bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa tăng thu nhập trên cùng diện tích cho nông dân. Đồng thời cũng nâng cao vị thế của sản phẩm nông nghiệp trong xu thế hội nhập.

Thay đổi tư duy sản xuất của nông dân

Theo các chuyên gia, nông nghiệp công nghệ cao sẽ mang tạo bước nhảy vọt về năng suất so với sản xuất truyền thống. Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp vừa giúp nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Song, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao mới là yếu tố quyết định để nhân rộng mô hình. Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao phải tìm vị trí đứng vững chắc trên thị trường thì giá trị sản xuất, những nỗ lực của nông dân mới được ghi nhận.

 Mô hình sản xuất tôm giống càng xanh toàn đực của Công ty TNHH thủy sản Minh Thuận.

TP Cần Thơ là 1 trong 8 tỉnh, thành ĐBSCL được chọn thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ giai đoạn 2016-2020. Đây là dự án có nguồn kinh phí tài trợ lớn nhất trong các dự án hỗ trợ quốc tế cho nông nghiệp Việt Nam từ trước đến nay. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến nay, dự án thực hiện trên 400 lớp chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sở đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật cho nông dân, giúp nông dân thay đổi nhận thức về ứng dụng kỹ thuật cao. Lâu nay, nông dân ngại áp dụng kỹ thuật mới vì sợ không đảm bảo năng suất, một phần cũng do điều kiện khách quan là thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, đối tượng dịch hại khác… đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa, nên họ sợ áp dụng kỹ thuật mới. “Sau 1 năm thực hiện, nông dân có bước thay đổi rõ rệt. Những hộ nông dân tham gia lớp tập huấn giờ đã giảm khoảng 70% lượng phân bón trên đồng, giảm 60-80% lượng thuốc bảo vệ thực vật”- bà Kiều cho biết.

Dự án VnSAT triển khai tại 16 xã thuộc 3 huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh của Cần Thơ, trên tổng diện tích lúa 30.000ha, với 25.000 nông hộ tham gia. Mục tiêu của dự án là gia tăng lợi tức trên 30% cho nông dân từ áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến, giảm tác hại đến môi trường. Đồng thời hình thành chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Sở NN&PTNT thành phố đang tiếp tục nhân rộng mô hình dự án VnSAT, tăng cường dịch vụ về nông nghiệp. Tới đây, sẽ thành lập các tổ dịch vụ về sạ hàng, cấy lúa… để giảm lượng giống gieo sạ. Thực hiện các chương trình truyền thông để nông dân hiểu rõ và tiếp cận các kỹ thuật mới. Đồng thời tuyên truyền cho doanh nghiệp tiếp cận dự án này, nếu doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong chuỗi liên kết, Sở sẽ giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng để đổi mới công nghệ.

Gỡ vướng để phát triển

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kiều cho rằng, hiện nay quá trình áp dụng và nhân rộng mô hình còn một số khó khăn nhất định. Đầu tư công nghệ cao chi phí rất lớn, nông dân không đủ vốn đầu tư; đồng thời nguồn nhân lực thực hiện và quản trị mô hình cũng khó. Nhưng quan trọng nhất là đầu ra sản phẩm, khi làm sản phẩm giá trị cao, đầu tư lớn thì yêu cầu của nông dân là phải bán được giá cao. Do đó, cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 123 triển khai Nghị quyết số 08-NQ-TU ngày 7-4-2017 của Thành ủy về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu nhằm sản xuất sản phẩm hàng hóa có năng suất cao, an toàn và tăng khả năng cạnh tranh. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, thành phố đang dự thảo triển khai kế hoạch thí điểm nông nghiệp đô thị tại 2 phường Bình Thủy và Long Tuyền của quận Bình Thủy. Tiếp đến sẽ mở rộng ra quận Cái Răng. “Kế hoạch này hướng tới làm sao áp dụng được kỹ thuật mới trong điều kiện ít đất để có thu nhập cao, ổn định đời sống. Mô hình vừa đảm bảo thu nhập trực tiếp từ sản phẩm hàng hóa vừa kết hợp tăng thu nhập với du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, thực hiện đề án tái cơ cấu, ưu tiên mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ưu tiên mô hình rau, hoa, cây cảnh, nấm dược liệu, nấm ăn… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thành phố và khu vực ĐBSCL”- bà Kiều cho biết.

Anh Ngô Xuân Điền, ngụ phường Trà An, quận Bình Thủy đã nghiên cứu trồng nấm đông trùng hạ thảo từ 3 năm nay. Quá trình hoàn thiện sản phẩm mất 2 năm tìm tòi, nghiên cứu, giờ anh mới dám chắc chắn sản phẩm thành công. Anh Điền vốn là kỹ sư điện, khởi nghiệp trồng nấm ban đầu với ý tưởng làm sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình, còn dư sẽ bán ra thị trưởng để thu hồi vốn. Song, nhu cầu ngày càng lớn, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất. “Trong phòng lạnh diện tích 9m2, vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng (nguyên liệu, trang thiết bị). Hiện tôi có 3.000 hũ đông trùng hạ thảo thành phẩm. Thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng. Cứ 3 tháng thu hoạch 1 vụ”- anh Điền nói.

     Mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của anh Điền.

Theo anh Điền, nấm đông trùng hạ thảo hiện chỉ một số quốc gia sản xuất được, như: Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Dược liệu này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và chưa phổ biến nên còn dư địa để phát triển. Đây là ngành công nghệ vi sinh và rất phù hợp với nông nghiệp đô thị. “Hiện nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm (gạo tím than) được lấy từ Sóc Trăng. Sản phẩm của tôi làm ra có đầu ra khá ổn định, không chỉ bán lẻ ở các địa phương cả nước mà có thể xuất khẩu đi Ấn Độ, Malaysia. Nếu bán không hết nấm tươi, có thể sấy khô bằng công nghệ sấy thăng hoa và nông dân không sợ bị mất mùa, rớt giá” - anh Điền khẳng định.

Song, cũng như nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao khác, anh Điền cho biết đang vướng một số rào cản trong xuất khẩu sản phẩm thô. Sản phẩm không có bao bì, do không có bao bì, nhãn mác, các nước yêu cầu cung cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của con giống, các yêu cầu chất lượng, kiểm dịch… “Để xin được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm phải tốn chi phí 50-70 triệu đồng, xin chứng nhận thương hiệu 1 năm đến 1 năm rưỡi. Khó của nông nghiệp công nghệ cao là kỹ thuật và đầu ra. Do đó, tôi đang hợp tác với 1 doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm quy mô lớn cho xuất khẩu; đồng thời phát triển quy mô sản xuất tại nhà để người dân bình thường tiếp cận sản phẩm chất lượng, dược liệu quý giá rẻ. Mô hình này phù hợp với môi trường nông nghiệp đô thị, diện tích không lớn, không cần nhân công nhiều mà thu nhập cao”- anh Điền cho biết.

Ngoài phát triển nông nghiệp đô thị, TP Cần Thơ cũng đang hướng đến những mô hình sản xuất giống lúa, thủy sản cung ứng cho các địa phương trong vùng để góp phần thúc đẩy đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng. Đơn cử như Công ty TNHH thủy sản Minh Thuận, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đã chuyển sang sản xuất tôm càng xanh toàn đực khoảng 1 năm nay. Anh Thạch Thi, người trực tiếp sản xuất tôm giống của Công ty, cho biết: “Mô hình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực được sản xuất từ ấu trùng lên post bằng quy trình lọc sinh học tuần hoàn. Thời gian thành post khoảng 14 ngày xuất bán. Một năm, công ty cung ứng ra thị trường khoảng 4-5 triệu post, chủ yếu ở tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang. Tôm càng xanh toàn đực đang phổ biến cho vùng nước ngọt, nước lợ nhu cầu thị trường cũng khá lớn”. Theo anh Thi, hiện nguồn ấu trùng, công ty nhập từ Viện Nghiên cứu thủy sản II và nhập của Israel. Tỷ lệ thành công thả giống của nông dân khoảng 60-70%; ưu điểm của tôm càng xanh toàn đực là mau lớn, giá trị thành phẩm cao. Việc chuyển hướng sản xuất và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, vừa tăng lợi nhuận cho công ty là xu hướng tất yếu.

Rõ ràng trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp, mô hình nông nghiệp công nghệ cao vừa đáp ứng các điều kiện về tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo an toàn tiêu dùng. Đây cũng là xu thế tất yếu đưa nông nghiệp hội nhập.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết