24/04/2019 - 12:44

Công nghệ "3 trong 1" quản lý chăn nuôi ĐBSCL 

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đồng tổ chức Hội thảo tập huấn "Vận hành triển khai hệ thống TE-FOOD quản lý đàn chăn nuôi và chống dịch khẩn cấp (dịch tả heo châu Phi) cho các tỉnh, thành ĐBSCL". Phần mềm TE-FOOD với công nghệ Blockchain 3 hệ thống được tích hợp trong một hệ sinh thái quản lý: quản lý đàn chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng.

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ TE-FOOD cần được áp dụng tích cực cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH

Nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ TE-FOOD cần được áp dụng tích cực cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH

Theo Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đang gặp khó khăn về phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Nguyên nhân là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ; tốc độ lây nhiễm quá nhanh; chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả các yếu tố lây nhiễm quan trọng; lực lượng chống dịch mỏng... Riêng đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, hiện chưa có thuốc điều trị nhưng các địa  phương có thể phát hiện ổ dịch bệnh rất nhanh, kiểm soát được khâu vận chuyển và phương tiện vận chuyển; cơ sở giết mổ, phân phối nhằm hạn chế mức độ lây lan, khoanh vùng dịch, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất thông qua việc ứng dụng các công nghệ 4.0. Và phần mềm TE-FOOD để quản lý đàn chăn nuôi và chống dịch bệnh khẩn cấp cho các địa phương là một trong những đề xuất phù hợp tại thời điểm này.

Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho biết: Công nghệ TE-FOOD Blockchain được Tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) đề xuất ứng dụng và được Tổng cục Thống kê ủng hộ thực hiện tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam. Phần mềm TE-FOOD đã được triển khai tại 14 quốc gia trên thế giới. Đây là kênh liên lạc giữa chính quyền và người chăn nuôi để quản lý đàn chăn nuôi, vắc-xin, thức ăn, kháng sinh và phòng chống dịch khẩn cấp. Đồng thời, thực hiện chức năng truy xuất chuỗi cung ứng; thu hồi sản phẩm không an toàn; phát triển chăn nuôi bền vững; hỗ trợ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Quá trình triển khai TE-FOOD vào thực tiễn qua 4 giai đoạn: quản lý đàn và kiểm soát chống dịch bệnh; kiểm soát truy xuất chuỗi cung ứng; kiểm soát tái đàn- tái cơ cấu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững.

Phần mềm TE-FOOD rất đơn giản, người chăn nuôi chỉ cần dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính tải phần mềm về và thực hiện các bước: đăng ký và khai báo về trại chăn nuôi; khai báo đàn và khai báo dịch; khai báo vận chuyển... Sau khi cài phần mềm, người chăn nuôi có nhiều lợi ích như: được cập nhật thông tin hằng ngày về giá heo, giá thức ăn chăn nuôi, các hỗ trợ của Nhà nước, được ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ heo, hỗ trợ nhận đền bù nhanh khi xảy ra dịch, được ưu tiên kiểm dịch và vận chuyển, giết mổ… Song song đó, người chăn nuôi cũng có thể gửi tin nhắn, hình ảnh phản hồi đến cơ quan chức năng về diễn biến dịch bệnh, khi phát hiện nạn vứt xác heo chết bệnh ra môi trường hay những vấn đề liên quan đến chăn nuôi...

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, phần mềm TE-FOOD không chỉ có ý nghĩa đối với người chăn nuôi mà còn là công cụ hữu hiệu để ngành chức năng kiểm soát hiệu quả trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang bùng phát. Với phần mềm này,  TP Cần Thơ cũng mong muốn kiểm soát, quản lý 100% đàn heo của thành phố. Mặt khác, người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm nên vấn đề truy xuất nguồn gốc nông sản nói chung và thịt heo nói riêng cũng hết sức cần thiết và cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng, phần mềm TE-FOOD có nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế sản xuất có thể gặp một số khó khăn như: người chăn nuôi còn lơ là, ngại khai báo các thông tin về chăn nuôi, tình hình dịch bệnh với ngành chức năng; một số người chăn nuôi (đặc biệt là hộ nhỏ lẻ) lớn tuổi, trình độ thấp nên e dè tiếp cận công nghệ hiện đại...

Để phần mềm TE-FOOD triển khai có hiệu quả trong thực tiễn, theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng, đơn vị truyền thông cùng sự hợp tác của người chăn nuôi. Đồng thời, đề xuất hướng tiếp cận phù hợp để triển khai ứng dụng TE-FOOD rộng khắp đến các hộ nuôi quy mô lớn và hộ nuôi nhỏ lẻ; sớm tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống TE-FOOD đến ngành chức năng các địa phương, thông qua các hội, đoàn thể để vận động hộ nuôi heo tham gia vào hệ thống.

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết