14/03/2010 - 09:29

Công khai cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp năm 2010

* Yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinh

Ngày 13-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trường trung cấp chuyên nghiệp năm 2010.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định: chỉ tiêu năm nay được xác định trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của nhà trường. Các cơ sở đào tạo có kết quả tuyển sinh chính quy năm 2009 vượt quá 10% đã được xác định sẽ bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010.

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh của 373 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong cả nước, trong đó một số trường có số lượng chỉ tiêu lớn như: ĐH Thái Nguyên có 12.000 chỉ tiêu ĐH và 1000 chỉ tiêu CĐ; ĐH Quốc gia TP HCM có 12.410 chỉ tiêu ĐH và 825 chỉ tiêu CĐ; ĐH Bách khoa Hà Nội có 4.800 chỉ tiêu ĐH và 800 chỉ tiêu CĐ; ĐH Đà Nẵng có 8.050 chỉ tiêu ĐH và 2.000 chỉ tiêu CĐ... Nhóm các trường ngoài công lập cũng có nhiều trường có số lượng chỉ tiêu lớn như: ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN: 3.000 chỉ tiêu ĐH, 500 chỉ tiêu CĐ; ĐH DL Phương Đông: 2.000 chỉ tiêu ĐH và 300 chỉ tiêu CĐ...

Các tiêu chí để xét số lượng chỉ tiêu đào tạo gồm: tỷ lệ SV/GV, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học/sinh viên, học sinh.

Các trường có số sinh viên, học sinh/giảng viên thấp hơn mức quy định chỉ tiêu năm 2010 sẽ được phép tăng không quá 5% so với năm 2009. Nếu bằng quy định, chỉ tiêu được giữ ổn định như năm 2009; nếu cao hơn quy định, chỉ tiêu sẽ giảm. Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học tính trên 1 sinh viên, học sinh tối thiểu là 2m2. Các cơ sở đào tạo có chỉ số này thấp hơn thì sẽ không được tăng chỉ tiêu hệ chính quy, đồng thời chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, bằng hai, CĐ, TCCN, trung cấp nghề sẽ giảm so với năm trước.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ, những cơ sở đào tạo không thực hiện báo cáo công khai mà không có lý do sẽ bị dừng không giao chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường báo cáo thực hiện công khai không trung thực thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ GD-ĐT và sẽ tạm dừng không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011.

Những cơ sở đào tạo báo cáo công khai không đầy đủ các nội dung công khai mà không có lý do sẽ bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường có kết quả tuyển sinh chính quy năm 2010 vượt trên 10% số chỉ tiêu đã được xác định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị khấu trừ chỉ tiêu năm 2011.

* Thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh, điển hình là các vụ học sinh dùng hung khí đánh nhau trong trường học, trước cổng trường... đặc biệt, vụ nữ sinh đánh nhau và tung video clip lên mạng đã gây xôn xao dư luận.

Trước tình trạng trên, ngày 12-3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có công văn gửi Giám đốc các Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường chỉ đạo để bảo đảm an ninh trong trường học, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng với Công an Thành phố tiến hành điều tra xử lý nghiêm vụ nữ sinh đánh nhau được phát hiện trên mạng.

Bộ yêu cầu các địa phương chỉ đạo các trường học tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, thường xuyên tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc gắn với việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Trong tháng 3-2010, Bộ cũng sẽ thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại 7 vùng trong cả nước.

Bộ yêu cầu các Sở GD-ĐT phải chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và gia đình học sinh trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học và quản lý, giáo dục học sinh. Để nắm rõ tình hình, kịp thời xử lý các mâu thuẫn, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm pháp luật, bạo lực trong học sinh, Sở Giáo dục các địa phương phải tiến hành giao ban định kỳ với công an địa phương. Thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn học sinh mang hung khí, chất nổ, chất cháy vào trường học và chủ động phối hợp xử lý theo thẩm quyền khi có vụ việc xảy ra. Trước ngày 30-3, các địa phương phải báo cáo kết quả hoạt động về Bộ.

CHI ANH-PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết