17/11/2012 - 09:40

Con tôm… thụt lùi!

Thu hoạch tôm công nghiệp ở huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG.

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng đầu năm 2012, hơn 207 ngàn tấn tôm được xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,6 tỉ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo năm nay khó đạt kế hoạch xuất khẩu tôm 2,4 tỉ USD mà chỉ có khả năng đạt 2,2 tỉ USD như năm ngoái. Vì sao tình hình xuất khẩu tôm bị sụt giảm và không đạt kế hoạch như vậy?

Năm đầy khó khăn của con tôm…

Chưa năm nào con tôm đối mặt với khó khăn như năm nay. Trong nước, nguồn tôm nguyên liệu bị thiếu hụt, không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu. Các nhà máy chế biến tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ hoạt động đạt khoảng 40% công suất. Một trong những nguyên nhân làm nguồn tôm nguyên liệu thiếu hụt là do 2-3 năm gần đây, dịch bệnh liên tục xảy ra, thiệt hại nặng nề, người dân không còn vốn để tái đầu tư. Mặc dù dịch bệnh đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng vẫn chưa dừng lại. Năm nay, dịch bệnh tôm tiếp tục tái diễn và ở mức độ thiệt hại ngày thêm nặng nề. Năm 2012, ĐBSCL là "vựa" tôm lớn nhất nước đã bị thiệt hại 78.796 ha nuôi tôm. Các tỉnh có thiệt hại nặng như Sóc Trăng hơn 22.700 ha, chiếm 53% tổng diện tích thả nuôi, Bạc Liêu 16.000 ha, Trà Vinh hơn 12.000 ha… Do dịch bệnh liên tiếp xảy ra, tôm mất mùa, người nuôi tôm lâm cảnh không có tiền trả nợ ngân hàng, ngân hàng không thể cho vay tiếp theo, nên nhiều nơi nông dân bỏ nghề nuôi tôm. Trong thư kêu cứu gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), cho biết: 2 năm qua nơi đây có trên 30.000 ha tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm lao đao, không còn vốn liếng để đầu tư. Hiện nay, nhiều người nuôi tôm bỏ ao, treo ao… Vì thế, sản lượng tôm sú năm nay sụt giảm mạnh, có thể lên đến 30%.

Trong nước bị mất mùa tôm, còn thị trường xuất khẩu sụt giảm, đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật. Sản lượng tôm sú ĐBSCL năm nay mất mùa, sụt giảm mạnh nhưng một số nước trên thế giới lại trúng mùa nên họ cạnh tranh bán giá thấp hơn làm cho tôm Việt Nam gặp khó trên thị trường thế giới. Do đó, dẫn đến cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay đều giảm. Bắt đầu từ quí II-2012, tôm xuất khẩu liên tục giảm. Tháng 4 giảm 6,5%, tháng 5 giảm 7%, đến tháng 6 tuột xuống 13%; trong quí III-2012 tiếp tục giảm 15,2%. Các thị trường xuất khẩu tôm chính yếu đều sụt giảm mạnh như Mỹ giảm 17,8%, EU giảm 24,6%, ASEAN giảm 14,5%. Tại thị trường Nhật, từ giữa tháng 5-2012, tôm Việt Nam nhận được thông báo kiểm tra Ethoxyquin. 100% tôm Việt Nam xuất sang thị trường này bị kiểm tra gắt gao về Ethoxyquin (ở mức 0,01ppm). Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng việc duy trì kiểm tra Ethoxyquin ở mức 0,01ppm là điều khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, việc áp dụng qui định này làm bị ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Nhật. Còn hiện nay, Trung Quốc đang cấm nhập tôm tươi Việt Nam. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ĐBSCL thì đây không phải là vấn đề quan ngại. Bởi chỉ là số lượng nhỏ, đa số tôm tươi xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Theo VASEP, năm nay con tôm gặp khó khăn kể cả trong và ngoài nước. Đó là thiếu vốn cho sản xuất và chế biến xuất khẩu, nhu cầu thị trường EU, Mỹ lại sụt giảm, thị trường Nhật gặp rào cản kỹ thuật. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi tôm lên cao do điện, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi tăng giá, làm giảm năng lực cạnh tranh tôm xuất khẩu Việt Nam. Theo dự báo của VASEP từ nay đến cuối năm thị trường EU vẫn chưa sáng sủa, mặt hàng tôm xuất khẩu sang thị trường này vẫn khó khăn. Khả năng năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tôm không đạt mục tiêu kế hoạch 2,4 tỉ USD, mà chỉ có thể đạt 2,2 tỉ USD, giảm 8,3%.

Tìm cách vượt qua thách thức

Hiện nay, các ngành chức năng tích cực tìm kiếm nguyên nhân gây dịch bệnh cho tôm sú. Theo Tổng cục Thủy sản cho biết tại "Hội nghị quản lý chất lượng giống tôm" tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, hồi đầu tháng 11-2012, diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại 78.796 ha, trong đó, diện tích thiệt hại bởi hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính khoảng hơn 30.000 ha, diện tích bị thiệt hại khác và do sốc môi trường trên 40.000 ha. Để hạn chế dịch bệnh, các đại biểu dự hội nghị đưa ra giải pháp là nên tìm nguồn giống bố mẹ tốt, để con giống có chất lượng, đầu tư hệ thống thủy lợi, cải thiện môi trường tốt hơn.

Còn vấn đề thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi và chế biến tôm xuất khẩu, trong thư "kêu cứu" của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đưa ra là nên có chính sách cho tôm như cá tra. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, hiện nay chính sách đối với con tôm và con cá tra chưa công bằng. Vì con tôm và con cá tra đều khó như nhau nhưng hiện nay con cá tra được giải cứu bằng cách sẽ giãn nợ 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp cho hộ và doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Trong khi đó, con tôm chưa có chính sách nào. Hiệp hội tôm Mỹ Thanh kiến nghị Chính phủ nên có chính sách cho tôm như cá tra, như vậy, mới có thể giải cứu người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), một doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Sóc Trăng đã có 16 năm kinh nghiệm, nhiều năm xuất khẩu tôm sang Nhật, chia sẻ: "Thị trường Nhật Bản là thị trường khó tính nhưng giá tiêu thụ cao hơn các nơi khác. Những năm gần đây, việc bán hàng vào Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn nhất là hàng rào kỹ thuật. Liên tiếp 5 năm qua, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tôm nhập vào Nhật Bản ngày càng gắt gao hơn. Mỗi năm có thêm loại hóa chất bị buộc kiểm dư lượng. Hiện nay, mỗi lô hàng tôm vào thị trường này bị buộc kiểm tra tới 5 loại hóa chất kháng sinh, vừa tốn phí vừa mất thời gian chờ đợi thông quan, ảnh hưởng đến kế hoạch tiêu thụ bên nhập khẩu. Vì thế, FMC chuyển xuất khẩu tôm sang một số thị trường khác…". Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc qui định xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật với Ethoxyquin ở mức 0,01% là rất khó thực hiện. VASEP đang kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là qui định hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi tôm là 0,5ppm, đồng thời đấu tranh quốc tế và tìm chất thay thế, để bảo vệ ngành tôm.

Các chuyên gia thủy sản cho rằng nhiều năm qua con tôm xuất khẩu luôn đối mặt với hàng rào kỹ thuật, nhất là dư lượng kháng sinh, chất lượng… Để vượt qua rào cản này nên áp dụng tiêu chuẩn BAP (Best Aquaculture Practices) các qui trình nuôi trồng thủy sản tốt nhất, tương tự như GAP (Good Agricultre Practices), do Tổ chức Thủy sản toàn cầu (GAA) ban hành, được Hội đồng chứng nhận Thủy sản (ACC) thực hiện, đã có doanh nghiệp Việt Nam áp dụng thành công. Đó là bao gồm các hướng dẫn quốc tế có định lượng và thủ tục kiểm tra nhằm làm giảm tác động môi trường và bảo vệ tính lành mạnh của tôm nuôi thông qua quá trình sản xuất. Các chứng nhận tiêu chuẩn BAP làm cho người tiêu dùngvà chuỗi cung cấp sản phẩm thủy sản nói chung do cung cấp một bộ các chuẩn an toàn nhằm bảo đảm được sản xuất một cách lành mạnh và có trách nhiệm…

HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết