17/11/2010 - 08:35

KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XII:

Còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự thảo Luật Thủ đô

* Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Sáng 16-11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô, tập trung vào một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội; việc áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính và quy định mức thu một số loại phí ở khu vực nội thành cao hơn so với mức áp dụng chung cho cả nước; quản lý dân cư; danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; cơ chế, chính sách tài chính; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô...

Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội theo một số chính sách, cơ chế đặc thù, góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay đối với Thủ đô Hà Nội, cũng như đề ra những định hướng lâu dài, ổn định cho việc xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô trong tương lai. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng việc nâng Pháp lệnh lên thành Luật là yêu cầu khách quan, việc ban hành Luật, là để xây dựng Thủ đô của cả nước khang trang hơn. Ngoài việc cần có cơ chế chính sách riêng cho Thủ đô, cần thực hiện rà soát lại các văn bản hiện hành để tháo gỡ các vướng mắc hiện tại của Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) đặt câu hỏi việc dành cho Thủ đô quá nhiều đặc thù như vậy có làm nảy sinh tâm lý so bì giữa người dân ở vùng sâu, vùng xa hay không trong khi nước ta đang mong muốn và làm mọi cách để khoảng cách giàu, nghèo thu hẹp lại. Nếu quy định nhiều đặc thù vậy, khoảng cách này sẽ càng xa hơn... Cùng quan điểm trên, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng dự thảo Luật không phù hợp với Hiến pháp, liên quan đến nhiều Luật khác và khi ban hành sẽ tạo ra sự không công bằng với các địa phương khác nếu có quá nhiều đặc thù dành cho Thủ đô. Đại biểu cho rằng cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn để Luật Thủ đô khi được ban hành hoàn thiện hơn, tránh gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

* Thảo luận chiều 16-11 về Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đồng thời, góp phần khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời gian qua. Điều này cũng sẽ đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự và từng bước hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật tố tụng dân sự nói chung, Bộ luật Tố tụng dân sự nói riêng.

Theo tờ trình của Chính phủ, Điều 7 Luật Tố tụng dân sự hiện hành còn thiếu quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, đầy đủ, chính xác của việc cung cấp chứng cứ. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này đã khắc phục tồn tại này theo hướng bổ sung quy định: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, tòa án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, đầy đủ, chính xác của việc cung cấp chứng cứ; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, tòa án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ”. Quy định này được các chuyên gia pháp luật đánh giá là cơ sở để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện.

Về vấn đề hòa giải, có ý kiến nhất trí với dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Tuy nhiên, việc Dự thảo Luật gắn phương thức hòa giải với “Trung tâm hòa giải” và hòa giải ở cơ sở là không phù hợp với xu thế phát triển đa dạng của phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Dự thảo Luật cần mở rộng theo hướng Tòa án ra quyết định công nhận kết quả giải thành đối với mọi phương thức hòa giải hợp pháp.

Theo Tờ trình, dự thảo luật trình QH lần này được bổ sung một nguyên tắc đặc biệt quan trọng là bảo đảm quyền tranh luận. “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, tòa án tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”. Nguyên tắc này còn được thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng tại tòa án, từ giai đoạn thụ lý vụ án dân sự đến giai đoạn thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm. Nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận không chỉ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn nhằm quán triệt các thẩm phán khi tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để đương sự thực hiện quyền tranh luận của đương sự để ra bản án, quyết định đúng pháp luật.

BÍCH THỦY - QUANG VŨ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết