12/01/2011 - 21:52

ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÓ CHỨC DANH TƯ PHÁP

Còn nhiều bất cập

Để thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, đòi hỏi các cán bộ ngành tư pháp phải học tập, nâng cao trình độ. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của TAND TP Cần Thơ. Ảnh: S.H.

Khảo sát mới đây của Đoàn công tác Ủy ban tư pháp Quốc hội (UBTPQH) về công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên (KSV), chấp hành viên (CHV), điều tra viên và thư ký tòa án) tại TP Cần Thơ cho thấy TP Cần Thơ thiếu nguồn nhân lực để bổ nhiệm các chức danh nói trên. Nguyên nhân là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cả chính sách thu hút nhân lực cho lĩnh vực này của thành phố còn nhiều bất cập…

KHÓ KHĂN VỀ CÁN BỘ

Hiện nay, các cơ quan tư pháp ở TP Cần Thơ (Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án và Công an TP Cần Thơ) đều thiếu người, công việc quá tải. Các cán bộ có chức danh tư pháp được Nhà nước giao một quyền khá lớn, điều tra, truy tố, xét xử con người và tổ chức, thực thi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Những cán bộ thực thi pháp luật này luôn có mối liên hệ công việc mật thiết với nhau, không thể tách rời. Thiếu cán bộ cộng với cường độ làm việc quá tải đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất công việc.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP Cần Thơ (VKSND), số lượng KSV cấp tỉnh được VKSND tối cao phân bổ cho TP Cần Thơ là 46 người; nhưng đến nay, chỉ mới có 25 người, còn thiếu 21 người. Theo ông Nguyễn Thống Nhất, Phó viện Trưởng VKSND TP Cần Thơ nguyên nhân là do quy định của pháp luật về bổ nhiệm KSV khá khắt khe. Ngoài những quy định chung về phẩm chất đạo đức, trình độ thì để được bổ nhiệm KSV, cán bộ còn phải qua đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát và có thời gian công tác thực tiễn theo quy định của pháp luật. Cụ thể, chuyên viên của VKSND phải có 4 -5 năm công tác và mất thêm 1 năm học nghiệp vụ mới có thể được đề nghị xem xét bổ nhiệm KSV. Thực tế hiện nay, chế độ chính sách đối với KSV còn thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, việc đưa cán bộ đi đào tạo lớp nghiệp vụ cũng bị hạn chế, phải theo chỉ tiêu phân bổ của VKSND tối cao nên mặc dù có nguồn cán bộ, nhưng phải đợi đầy đủ các tiêu chuẩn mới có thể bổ nhiệm. Ngành tòa án thì khả quan hơn. Đến nay, ngành tòa án nhân dân (TAND) thành phố đã tuyển dụng được 172/176 biên chế. Trong đó, thiếu 1 thẩm phán cấp tỉnh, 7 thẩm phán cấp huyện. Nguồn Thư ký tòa án thì khá dồi dào, nhưng do số lượng được đưa đi đào tạo nghiệp vụ thẩm phán bị khống chế nên các cán bộ này chưa đủ điều kiện được bổ nhiệm.

Nguồn cán bộ không ổn định nhất là ngành thi hành án thành phố. Trước đây, việc bổ nhiệm CHV được đưa ra Hội đồng xét chọn. Nhưng theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, không còn hình thức xét chọn. Để được bổ nhiệm CHV, ngoài các tiêu chuẩn chung trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên... cán bộ còn phải có thời gian làm công tác pháp luật; đã được đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự và trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV. Ngoài những quy định trên, hiện nay, các ngành còn yêu cầu thêm về trình độ ngoại ngữ và tin học. Do đó, theo ông Phạm Quốc Việt, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP Cần Thơ: “Thu hút nguồn lực cho ngành thi hành án hiện nay rất khó. Công tác này rất vất vả, thu nhập lại thấp, nên những sinh viên mới ra trường thường chỉ làm để lấy kinh nghiệm, được vài năm là các em xin nghỉ để làm việc tại các cơ quan, ngân hàng có mức thu nhập cao hơn”. Trong tổng số 100 cán bộ ngành thi hành án hiện nay, 2/3 là cán bộ trẻ, chưa an tâm công tác, còn ngại gian khó và áp lực công việc. Từ năm 2007 đến nay, đã có 27 trường hợp xin nghỉ việc, trong đó có một CHV là phó chi cục trưởng thi hành án dân sự cấp huyện.

GỠ KHÓ BẰNG CÁCH NÀO?

Theo ông Nguyễn Thống Nhất, Phó viện trưởng VKSND TP Cần Thơ, thời gian tới, để tăng số lượng KSV cấp tỉnh, giải pháp trước mắt là sẽ đề nghị bổ nhiệm KSV cấp huyện đối với các chuyên viên có đủ tiêu chuẩn và đã học xong lớp nghiệp vụ KSV. Sau đó, VKSND thành phố sẽ xem xét rút KSV cấp huyện có kinh nghiệm và thời gian công tác đáp ứng yêu cầu để đề nghị bổ nhiệm KSV cấp tỉnh. Còn về lâu dài, kiến nghị VKSND tối cao nghiên cứu có cơ chế đặc thù về đào tạo nghiệp vụ kiểm sát đối với VKSND TP Cần Thơ, vì hiện tại còn hơn 40 người cần đào tạo tại VKSND 2 cấp. Nếu mỗi năm theo sự phân bổ của VKSND tối cao chỉ cho 4-5 người đi đào tạo thì phải mất 8-9 năm nữa mới đào tạo xong số chuyên viên này. Đồng thời, cần rút ngắn thời gian đào tạo và chương trình đào tạo cần đi vào thực tiễn.

Đối với nguồn lực thẩm phán, ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP Cần Thơ cho rằng: Căn cứ tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ ngành tòa án hiện có, đến năm 2015 và vài năm tiếp theo sẽ có khoảng 15 thẩm phán đến tuổi nghỉ hưu, cộng với số thẩm phán còn thiếu so với biên chế được phân bổ là 8 người thì lực lượng thẩm phán sẽ thiếu trầm trọng. Để bổ sung cho lực lượng này, đòi hỏi mỗi năm cần đưa đi đào tạo 3-4 cán bộ. Với chương trình học hiện nay, thời gian đào tạo không cần thiết kéo dài đến 12 tháng. Học viện Tư pháp nên sắp xếp lại chương trình đào tạo cho hợp lý hơn, dành thời gian tương xứng cho phần thực hành để học viên tiếp cận được các kỹ năng hoạt động của từng ngành cụ thể. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách thu hút để khuyến khích cán bộ khối tư pháp đi đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ...

Việc bổ nhiệm CHV đang là bức xúc của ngành thi hành án. Theo quy định của Luật thi hành án dân sự, muốn được bổ nhiệm CHV phải qua kỳ thi tuyển CHV, nhưng đến nay Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn về trình tự thủ tục thi tuyển. Theo ông Phạm Quốc Việt, biên chế được phân bổ hiện nay còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ nhưng ngành vẫn khó tuyển đủ theo chỉ tiêu được giao. Đề nghị Bộ tư pháp mở phân hiệu đào tạo các chức danh tư pháp tại Cần Thơ để tạo nguồn CHV và các chức danh khác cho khu vực ĐBSCL.

Ông Phạm Quý Tỵ, Phó Chủ nhiệm UBTPQH, thừa nhận rằng công tác đào tạo đội ngũ các chức danh tư pháp hiện nay còn bất cập. Nhu cầu của các địa phương trên cả nước thì lớn, nhưng công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, cơ sở đào tạo các chức danh tư pháp tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, gây khó khăn đối với các khu vực ở xa. Cuộc khảo sát này của Đoàn công tác UBTPQH nhằm phục vụ cho phiên họp điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp, tìm ra hướng giải quyết về thực trạng đội ngũ các chức danh tư pháp hiện nay...

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết