08/04/2008 - 09:31

Tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án cấp huyện

Còn nhiều bất cập

Cuối tháng 3, đầu tháng 4-2008, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Cần Thơ đã thực hiện đợt giám sát công tác tăng thẩm quyền xét xử cho tòa án (TA) cấp huyện tại huyện Vĩnh Thạnh, quận Ô Môn và quận Ninh Kiều.

Sau gần 4 năm thực hiện (từ tháng 7-2004), Cần Thơ đã có 5/8 TA cấp huyện được tăng thẩm quyền. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập đặt ngành tư pháp và chính quyền các cấp trước những thách thức để tiếp tục tăng thẩm quyền xét xử cho 3 TA cấp huyện còn lại trong năm 2008.

NHÂN SỰ: THIẾU & YẾU!

Tăng thẩm quyền xét xử cho TA cấp huyện cần đảm bảo 3 yếu tố: Con người, cơ sở vật chất và sự đồng bộ của các cơ quan tố tụng (công an (CA), viện kiểm sát (VKS), tòa án (TA) và thi hành án (THA). Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương mà Đoàn ĐBQH giám sát thì nhân sự của các cơ quan tố tụng đều thiếu nghiêm trọng về số lượng; một số điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên (KSV), thẩm phán (TP) và chấp hành viên (CHV) chưa được đào tạo về chính trị, chưa có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và chuyên môn để đáp ứng kịp thời yêu cầu của công việc.

 Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Cần Thơ đang giám sát việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử của TA tại huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Trung tá Nguyễn Bảo Lộc, Trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, Cơ quan Điều tra của huyện có 6 ĐTV, trong đó có 1 thủ trưởng cơ quan điều tra; 3 ĐTV vừa học vừa làm, trên thực tế chỉ có 2 ĐTV trực tiếp và thường xuyên làm án. Bên cạnh đó chất lượng của các ĐTV chưa cao, chỉ có 1-2 ĐTV đảm đương được các vụ án phức tạp. Nếu thực hiện tăng thẩm quyền trong tình hình hiện nay thì chất lượng làm án sẽ không cao. VKS huyện Vĩnh Thạnh cũng cho biết trong 3 KSV của huyện thì đã có 2 chức danh quản lý, so với biên chế và yêu cầu của công việc sau khi tăng thẩm quyền đều thiếu. Mặt khác, quy trình bổ nhiệm KSV cấp huyện cũng mất 4-5 năm trong khi đội ngũ kế thừa đa số là cán bộ trẻ, mới vào nghề nên sắp tới, nguồn bổ sung nhân sự cũng bị hụt.

Ở quận Ô Môn, mặc dù là đơn vị được tăng thẩm quyền từ ngày 1-11-2007 thế nhưng theo báo cáo của CA, VKS và TA thì nhân sự vẫn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Do 1 TP hết nhiệm kỳ chưa được bổ nhiệm lại, nên sau khi tăng thẩm quyền xét xử, TA quận Ô Môn lại xảy ra tình trạng thiếu TP.

TA quận Ninh Kiều được tăng thẩm quyền xét xử đầu tiên (tháng 7-2004) và đã đảm bảo tương đối đủ về nhân sự để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với án hình sự và thụ lý giải quyết các loại án dân sự. Tuy nhiên, vấn đề quá tải trong công việc ở Ninh Kiều lại rất bức xúc. Trung bình hàng năm, lượng án mà TA quận Ninh Kiều thụ lý, giải quyết bằng 1/3 án của ngành TA thành phố. Ngoài ra, theo Chánh án Dương Văn Đạo, đa số thẩm phán của TA quận Ninh Kiều mới được bổ nhiệm, thiếu kinh nghiệm trong xử lý các loại án rất nghiêm trọng và thường có tâm lý e ngại khi tuyên các mức án có khung hình phạt cao (tối đa là 15 năm). Vì vậy, trong gần 4 năm được tăng thẩm quyền, Ninh Kiều chưa để xảy ra oan, sai nhưng lượng án bị cấp phúc thẩm sửa cũng tương đối nhiều và thường là sửa về hình phạt.

Theo CA thành phố, trong ngành hiện có 153 cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra (với 78 ĐTV), trong đó chỉ có 48 người có trình độ cao đẳng, đại học. Nếu căn cứ theo quy định tại Pháp lệnh Điều tra thì một số ĐTV hiện nay không đủ tiêu chuẩn (vì không có bằng đại học Luật hoặc đại học chuyên ngành). Tuy nhiên, CA Cần Thơ đang tạo điều kiện cho các ĐTV này tham gia các lớp đại học trong và ngoài ngành để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa cán bộ. Cũng theo quy định của Pháp lệnh Điều tra thì án từ rất nghiêm trọng trở lên (tức là án có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên) phải do ĐTV trung cấp đảm nhận. Tuy nhiên, án tăng thẩm quyền đang ngày một tăng trong khi ĐTV trung cấp của các địa phương lại rất ít. VKSND thành phố cũng đang lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Ông Huỳnh Phi Hội, Phó Viện trưởng, VKSND thành phố, thừa nhận: Biên chế của ngành cho phép 99 KSV nhưng Cần Thơ mới chỉ có 56 KSV. Cùng chung tình trạng thiếu hụt về nhân sự, ngành TA hiện còn thiếu 4 TP.

Có thể nói, vấn đề nhân sự đang là một thách thức đặt ra cho ngành tư pháp của TP Cần Thơ.

CƠ SỞ VẬT CHẤT KHÔNG ĐỒNG BỘ

Kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH, cho thấy: Trong 4 hệ thống cơ quan tố tụng hiện nay (CA, VKS, TA và THA) chưa có cơ quan nào đảm bảo đủ trụ sở làm việc. Trụ sở TA thành phố đang thi công, trụ sở TA quận Cái Răng đang nâng cấp, còn TA quận Ninh Kiều vẫn chưa có mặt bằng xây dựng... Theo một vị lãnh đạo của ngành này thì TA đang phải từ chối nhận trang thiết bị vì không có nơi lắp ráp. Thậm chí, TAND quận Ninh Kiều mặc dù quá tải về công việc nhưng nếu tăng cường thêm cán bộ cũng “không biết sắp xếp ngồi ở chỗ nào”. Ở Ninh Kiều, cả 4 cơ quan tố tụng đang phải “ăn nhờ ở đậu” vì chưa có trụ sở làm việc... Ngành CA và THA lại đang “đau đầu” khi thiếu kho vật chứng; trại tạm giam Long Tuyền của thành phố thì vẫn phải cho tỉnh Hậu Giang và quận Bình Thủy “mượn” tạm giữ phạm nhân nên khó tránh khỏi tình trạng bất cập trong quản lý tạm giam.

Không chỉ cơ sở vật chất chưa đảm bảo mà kinh phí hoạt động và phương tiện phục vụ công tác chuyên môn cũng đang thiếu. VKSND huyện Vĩnh Thạnh có 5 máy vi tính thì 3 máy hỏng, không sử dụng được; cả 2 máy phô tô cũng trong tình trạng có cũng như không. Ngành CA “kêu trời” vì tiền trách nhiệm dành cho ĐTV quá thấp, chỉ 120.000 đồng/ĐTV/tháng (nếu tháng đó nghỉ lễ, nghỉ phép thì số tiền này cũng bị cắt giảm tương ứng). Ngành KS cũng cho rằng quy định về chế độ trực đối với KSV hiện nay quá bất cập, chỉ được 20.000 đồng/ngày là trái với quy định của Bộ Luật lao động trong khi KSV phải tham gia giải quyết án (giám định, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tai nạn...) cả ngoài giờ làm việc.

Thực trạng trên là sự thực và cũng là những thách thức trong hoạt động tăng thẩm quyền cho TA cấp huyện trên địa bàn Cần Thơ. Tuy nhiên, thời gian qua, 5/8 đơn vị TA được tăng thẩm quyền vẫn nỗ lực giải quyết công việc, không để xảy ra oan sai, quá hạn luật định hoặc bị hủy sửa đối với loại án tăng thẩm quyền. Theo nhận định của lãnh đạo các cơ quan Tư pháp thành phố và địa phương, một trong những nhân tố quyết định việc “làm được” đó chính là sự phối hợp tốt giữa hệ thống các cơ quan tư pháp, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và đòi hỏi của công tác tăng thẩm quyền cho TA cấp huyện. Ngoài ra, sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy địa phương và cơ quan cấp trên theo ngành dọc cũng góp phần quan trọng để TA cấp huyện tăng thẩm quyền xét xử. Theo kết quả của đợt giám sát này, trong năm 2008, TP Cần Thơ sẽ tăng thẩm quyền xét xử cho 3 TA còn lại (bao gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Phong Điền) để đảm bảo đúng lộ trình quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực hiện được điều này, các cơ quan tư pháp cần có sự nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyên môn, đào tạo nguồn, luân chuyển cán bộ... Chính quyền các cấp cũng phải có sự hỗ trợ, quan tâm đúng mức để giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất cho ngành tư pháp hoàn thành nhiệm vụ.

Bài, ảnh: THU HUYỀN PHAN

- Tăng thẩm quyền xét xử trong lĩnh vực án Hình sự: TA cấp huyện được xét xử  các loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng (khung hình phạt tối đa 15 năm tù) theo khoản 1, Điều 170, BLTTHS.

- Tăng thẩm quyền xét xử trong lĩnh vực án Dân sự: Giải quyết các loại án Kinh doanh thương mại không giới hạn  định lượng tài sản và các vụ án Dân sự có người nước ngoài đang ở tại Việt Nam tham gia tố tụng.

- Lộ trình tăng thẩm quyền xét xử cho TA cấp huyện thực hiện trong 5 năm, từ 1-7-2004 đến 1-7-2009.

(Nguồn: Tổng hợp Khoản 1, Điều 170- Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 33 - Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết số 509/NQ-UBTVQH11 ngày 29-4-2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Chia sẻ bài viết