16/11/2019 - 17:58

Con đường âm nhạc Việt Nam ra thế giới 

Mới đây, phát ngôn của đạo diễn Lê Hoàng: “Nhạc Việt trông chờ vào sự nổi lên của Sơn Tùng thì sao mà khá được” gây không ít tranh cãi khi ông nói về con đường nhạc Việt vươn tầm thế giới. Bình tâm suy nghĩ, phát ngôn đó chưa hẳn đã sai khi mà người làm nhạc Việt chưa định hình phong cách, bản sắc và cứ loay hoay với thị hiếu của một bộ phận khán giả.

Điểm sáng từ “Những chiếc đèn lồng…”

Điểm sáng của việc quảng bá nghệ thuật Việt Nam ra thế giới trong năm 2019 phải kể đến dự án “Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió” do chương trình Melodically Challenged thuộc Trường Đại học công lập Georgia State University (Mỹ) sản xuất cùng với nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Hàng chục đài phát thanh và nhiều trang web nghệ thuật nổi tiếng ở Mỹ đã phát chương trình này.

Còn xa để đưa nhạc Việt vươn tầm thế giới. Trong ảnh: Một chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Cần Thơ. 

“Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió” giới thiệu tác giả, tác phẩm của 18 nhà thơ Việt Nam (xếp theo thứ tự phát sóng): Tuyết Nga, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Hoàng Tám, Trần Quang Quý, Giang Nam, Ngô Tự Lập, Nguyễn Bảo Chân, Ly Hoàng Ly, Lê Huy Mậu, Mai Văn Phấn, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Việt, Lê Anh Hoài, Đặng Nguyệt Anh, Vi Thùy Linh. Đặc biệt, chương trình cũng phát sóng nhiều bài hát được phổ thơ như “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu), “Tiếng Việt” (thơ Lưu Quang Vũ, nhạc Nguyễn Lê Tâm), “Khúc hát sông quê” (thơ Lê Huy Mậu, nhạc Nguyễn Trọng Tạo)… Các tập phát sóng trong chương trình còn giới thiệu đến thính giả quốc tế những làn điệu dân ca 3 miền của đất nước Việt Nam, với phần trình tấu nhạc cụ dân tộc: đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt… của các nghệ sĩ tên tuổi như Hoàng Anh Tú, Hồng Lê, Nguyễn Thế Dân, Đoàn Minh Tuấn, Thu Hà, Ngọc Hoàn…

Chia sẻ với truyền thông, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, bà đã dành hơn 2 năm để lựa chọn tác phẩm và liên hệ tác giả, nhạc sĩ, ca sĩ. “Khối lượng công việc rất lớn, thù lao không có, nhưng tôi cùng các nghệ sĩ và gia đình các cố nghệ sĩ đã có cùng tâm huyết quảng bá văn hóa, âm nhạc và thi ca Việt Nam tới bạn bè quốc tế” - nữ nhà thơ cho biết.

Nhạc Việt đương đại vẫn loay hoay

“Những chiếc đèn lồng treo vào ngọn gió” cho thấy sự công nhận của quốc tế về nét đặc sắc của nghệ thuật Việt Nam nói chung, âm nhạc nói riêng. Nhưng nhạc Việt đương đại bây giờ, con đường hội nhập xem ra không dễ.

Mới đây, chia sẻ của đạo diễn Lê Hoàng và nhạc sĩ Nguyễn Quang (con trai cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9) trên sóng truyền hình về chuyện “xuất ngoại” của nhạc Việt được nhiều người quan tâm. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang, trong khoảng 20 năm qua, các nhạc sĩ và ca sĩ nước ta không mấy người vươn tầm quốc tế thực sự, có chăng chỉ gói gọn trong một chương trình, sự kiện cụ thể. Một nghịch lý là nghệ sĩ Việt thì cứ chạy theo ngoại quốc từ giai điệu, phong cách sáng tác đến cả trình diễn, ăn mặc, tạo hình, cách quảng bá... nhưng lại chỉ loay hoay trên “sân nhà”. Nhạc Việt từng có một thời thịnh hành “nhạc Hoa lời Việt” rồi sau đó là trào lưu na ná nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Chính việc thiếu bản sắc mà nhạc Việt đương đại khó có thể cạnh tranh, vươn tầm xa hơn. Trong khi đó, nhạc Việt sở hữu một kho tàng đồ sộ âm nhạc truyền thống, dân gian mà nếu khai thác tốt, hoàn toàn sẽ có nét mới và riêng. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ bây giờ hoặc lãng quên hoặc không đủ tầm để chắp cánh cho kho báu dân tộc.

Một nguyên nhân sâu xa khác là nhiều nghệ sĩ bây giờ làm nghệ thuật “từ trên ngọn”, nghĩa là thích thì hát, sáng tác rồi làm nghệ sĩ chứ không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Bàn về điều này, đạo diễn Lê Hoàng cho biết: Một số quốc gia có nền công nghiệp giải trí sôi động, nhiều nghệ sĩ trẻ được đào tạo ngay từ nhỏ, cả trong nước lẫn nước ngoài. Các ca sĩ trẻ từ bé đã vào trường chỉ học hát và nhảy một cách rất nghiêm túc, họ phải tránh xa điện thoại, internet... Thực tế, cũng có nghệ sĩ Việt đi học tập ở nước ngoài nhưng đó chỉ là số ít, không phải là ê-kíp, quá trình và “bộ máy” chuyên nghiệp. Vậy nên đạo diễn Lê Hoàng nhận định: “Mình chỉ trông vào sự nổi lên của Sơn Tùng M-TP, sự vươn lên của Đức Trí, Nguyễn Văn Chung thì không thể phát triển được” - Lê Hoàng nói.

Ở một khía cạnh khác, nhạc Việt cũng đang thiếu đội ngũ nhà sản xuất âm nhạc giỏi, có tư duy nghệ thuật tốt, năng lực quản trị và tổ chức nâng đỡ cho nghệ sĩ. Đặc biệt, chưa có mấy nhà sản xuất có tầm nhìn xa để đưa nhạc Việt vươn tầm quốc tế mà chỉ quẩn quanh “sân nhà”. Đạo diễn Lê Hoàng thẳng thắn: “Nhiều ca sĩ của mình giỏi nhưng không có người sản xuất giỏi, do đó khó đưa sản phẩm ra nước ngoài”.

*

*   *

Tóm lại, con đường để âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới phải dựa vào 3 yếu tố nền tảng: tài năng - chuyên nghiệp và bản sắc. Thế nhưng đường vẫn còn xa...

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết