30/01/2013 - 20:11

Còn đó, sắc xuân miệt vườn

Ghi chép:  CHI LAN

Những ngày giáp Tết hằng năm, theo vòng quay tròn trặn của đất trời, Bảo tàng TP Cần Thơ lại tổ chức lễ hội “Sắc xuân miệt vườn”. Với sự huy động của nhà bảo tàng, năm nào cũng có vài chục nghệ nhân từ khắp nơi trên địa bàn TP về đây góp chút hương vị mùa xuân. Những món bánh truyền thống của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sống trên vùng đất này lại được làm ngay tại chỗ để trưng bày và cho các quan khách thưởng thức để biết những món ngon dân dã. Không chỉ có vậy, những ngành nghề thủ công mỹ nghệ, biểu diễn nghệ thuật dân gian cũng về đây tụ hội tô điểm thêm cho sắc xuân kia thêm phần rực rỡ.

Vừa bước vào cánh cổng kết tua kết tụi bằng lá dừa, bông đủng đỉnh hình con rồng, con phượng khách đã thấy ngay trước mặt một giàn đàn ca tài tử đúng điệu Nam Bộ. Mấy anh chị tài tử ngồi trên sạp chiếu, chung quanh là mấy nghệ nhân đang biểu diễn với đàn tranh, đàn kìm, đàn guitar phím lõm…Người hát đứng bên góc, giọng du dương trầm bổng níu chân khách xem. Nghe nói đa phần các tài tử đây đến từ Giàn Gừa gần Lung Cột Cầu, một địa danh nổi tiếng với những di chỉ Óc Eo được tìm thấy mấy năm trước. Kế bên là gian hàng rượu mận bắt mắt của ông Sáu Tia, người miệt vườn bên cù lao Tân Lộc. Những bầu rượu đỏ bóng hình trái mận xinh tươi, ngộ nghĩnh đã được ông chủ Sáu Tia lựa chọn làm sản phẩm độc đáo sau một thời gian thử nghiệm loại rượu chưng cất công phu từ những trái mận bị rẻ rúng trong vườn nhà. Chả trách mà người dân cù lao vẫn gọi ông Sáu Tia là “Sáu mận”!

Đến uống một hớp rượu mận thơm nồng chung vui với ông Sáu Tia, nhìn sang phía đối diện đã thấy bên khung chiếu đang rộn rã tiếng cười. Hai cô dệt chiếu tay nhanh thoan thoắt, người luồn sợi, người dập khung, miệng cười tươi rói. Thỉnh thoảng có khách tham quan sà xuống, đòi dệt thử. Tiếng cười vang lên khiến vị nghệ nhân thư pháp bên cạnh cũng phải dừng tay viết ngẩng nhìn...

Những ngành nghề thủ công được sắp xếp phía bên trái cổng bảo tàng còn có thắt lá dừa, đan lọp, rổ rá, chạm khắc nghệ thuật và chưng mâm ngủ quả ngày Tết…

Hãy nhìn anh Nguyễn Chiến Thắng đến từ phường Cái Khế đang ngồi thắt lá dừa. Từ những cọng lá dừa non tơ, mềm mại, trắng ngà, đôi tay tài hoa của nghệ nhân đã thổi hồn vào đó khiến từng cánh hoa hồng duyên dáng, từng cánh bướm xinh đẹp như bay lên, bay lên, lung linh trong nắng. Trên chiếc bàn gần đó, những mâm ngủ quả ngày Tết cũng được chưng bày công phu lộng lẫy với các loại trái cây quen thuộc vùng châu thổ như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung theo niềm mong ước của cư dân đất này (cầu vừa đủ xài, sung túc...)

 

Đờn ca tài tử  phục vụ du khách. Ảnh: DUY KHÔI

Rời các gian trình diễn những loại hình thủ công truyền thống, bước vào phía bên phải, sắc xuân miệt vườn càng rộn ràng nồng ấm hơn bởi khách sẽ đến với sự trình diễn của các loại hình ẩm thực như đổ bánh xèo, tráng bánh tráng, quết bánh phồng, gói bánh tét, gõ bánh in, sên mứt dừa hay hấp bánh thốt nốt, bánh bí, bánh hồng đào, bánh củ cải….

Chỗ đổ bánh xèo, chiên chả giò đã đông nghẹt người ngồi ăn, nồi tráng bánh bốc hơi nghi ngút và từng cái bánh tráng mỏng tang được vít ra liên tục đưa lên vỉ phơi. Kế bên cái khuôn ép bánh hỏi rế Phong Điền cũng cho ra từng rế bánh đẹp như những tấm ren trắng nõn nổi tiếng một thời của vùng đất này.  Gặp gỡ giao lưu với các loại bánh truyền thống của dân tộc Việt là những gian hàng bánh của các dân tộc Hoa, Khmer. Bánh hồng đào hấp, chiên của người Tiều rất được ưa thích. Mẻ bánh nào vừa ra lò là có người lấy ngay. Mọi người đứng đợi mua bánh, đông vui hết biết. Cũng đúng thôi, những nghệ nhân đến từ quận Cái Răng này cho biết, loại bánh này giờ ít bán ở chợ lắm, những chiếc bánh hồng tươi hình quả đào có nhưn củ sắn, tôm khô, thịt băm này chỉ xuất hiện vào lễ, Tết thôi. Giống vậy, các loại bánh bí, bánh kèn, bánh thốt nốt của dân tộc Khmer ngày thường cũng hiếm thấy ở thành phố hôm nay cũng tề tựu về đây. Bởi thế, nhiều khách tham quan đã mê mải đứng nhìn các chị, các bà mài bí, mài trái thốt nốt để làm bánh và hấp ngay tại chỗ. Mẻ bánh vừa chín, còn nóng hổi đã bán hết ngay. Không khí lễ hội cứ thế mà tưng bừng, rôm rả. Nhưng, có lẽ tạo ấn tượng nhất là chỗ quết và nướng bánh phồng. Những khối bột nếp được nhồi nhuyễn rồi bỏ vào chiếc cối đá lớn. Một nghệ nhân nam cầm chày ra sức quết xuống cối, một chị phụ nữ đứng bên thỉnh thoảng vô nước (nước đường?) cho chày không bị dính. Bột nếp quết xong được vắt thành cục để lên bàn tráng, phơi vừa khô là nướng ngay ở lò than bên cạnh. Những nghệ nhân làm bánh phồng này cũng đến từ Giàn Gừa của huyện Phong Điền, năm nào cũng ra đây biểu diễn tay nghề quết, nướng bánh phồng. Có lẽ lâu lắm rồi tiếng chày quết bánh phồng “Cum! Cum” trong đêm ở các vùng quê đã không còn vang vọng nữa. Chỉ có hôm nay, âm thanh quen thuộc xưa mới sống lại, khơi lên nỗi nhớ một thời qua.

Lễ hội “Sắc xuân miệt vườn” do Nhà Bảo tàng thành phố Cần Thơ tổ chức hằng năm từ 21 đến 23 AL. Khi lễ hội kết thúc, ngay đêm 23 đưa ông Táo, công ty lữ hành Vietravel và CTC, Báo Sài Gòn Tiếp Thị cùng một số đơn vị tài trợ còn tổ chức một đêm liên hoan các loại bánh dân gian tưng bừng để mừng xuân ngay Nhà lồng Chợ Cổ. Và khách tham dự có thể gặp lại những nghệ nhân gói bánh tét, tỉa tót rau củ, sắp trái cây, dưa chua cùng rất nhiều loại bánh ngọt, bánh mặn vừa ngon, vừa khéo của các nơi trên địa bàn TP. Thật đúng là những ngày hội hè đẹp mắt, đẹp lòng!

Từng năm, từng năm, lễ hội “Sắc xuân miệt vườn” cứ đến hẹn lại lên. Những nghệ nhân của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa ở Cần Thơ lại về họp mặt thi thố tài năng để tiếp tục bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương, của quê nhà. Dẫu biết trong dòng chảy cuồn cuộn của thời gian, có nhiều thứ rồi sẽ bị trôi đi, bị xóa nhòa. Những nghề thủ công truyền thống, những món ẩm thực đặc trưng rồi cũng thế. Nhưng những gặp gỡ, giao lưu, giải trí trong buổi xuân về, Tết đến há chẳng đáng quý, chẳng nức lòng người lắm sao?

Bởi thế mà khi những đợt gió xuân hây hẩy trở về, khi Đông Quân giơ ngọn đũa thần làm muôn hoa bừng sắc thắm cũng là lúc người dân TP Cần Thơ náo nức chờ gặp lại những nghệ nhân từ các nơi về đây tô điểm cho sắc xuân kia càng rực rỡ, xinh tươi.

Chia sẻ bài viết