01/10/2016 - 15:21

Con cá nhớ sông

 Truyện ngắn NHẬT HỒNG

Cứ thấy con nước đậm màu phù sa đổ về sông Hậu, len lỏi vào kinh rạch, lòng ông Hai lại nôn nao khó tả. Coi chương trình thời sự, ông nghe mấy năm gần đây mùa nước nổi ở đồng bằng không còn mênh mông là nước như xưa. Không có nước cũng đồng nghĩa ít cá, thiếu nhiều "mặt" cá. Có những giống loài mất dạng như cá thác lác cườm, cá bông gấm, cá bống cát, cá trạch lấu… Biết vậy, nhưng ông Hai vẫn cặm cụi bện mấy cái lọp, rào chà chuẩn bị đưa xuống sông đón cá mùa nước nổi về. Con cháu thấy ông Hai bận rộn với giàn lọp, can ngăn:

-Bây giờ có cá mắm nhiều đâu mà tía bện lọp cho cực khổ. Tía muốn ăn cá gì thì tụi con ra chợ, hoặc vô siêu thị mặc sức mà mua. Cá nuôi loài nào cũng có.

Ông Hai nhìn con, cháu:

-Biết vậy rồi, nhưng thấy nước đổ về nhớ cá sông lắm, làm sao quên được những năm xưa mùa này cá trên nguồn về sông đầy ắp. Nào là mè dinh, thác lác, đỏ mang, cá chép, cá hô… đủ loại. Nhớ hồi nhỏ bây còn ăn cá thay cơm.

Biết ông Hai nhớ cá sông, con cháu muốn cho ông vui nên đốn cho ông mấy cây tre. Thấy tre là mắt ông Hai sáng rỡ, lấy cây mác vót nằm ở kẹt vách ra lau chùi cẩn thận như người bạn tri kỷ lâu ngày không gặp. Tay nghề đương đát, vót nan của ông nổi tiếng khắp xóm. Thúng, nia, lọp, lờ… do ông đan vừa khéo vừa đẹp.

 

Ông nói với thằng Bền, đứa cháu nội nhỏ nhứt, nay vừa vô lớp ba trường xã:

-Khi giàn lọp này xuống sông thì bây chuẩn bị ăn cá nghen!

Thằng Bền khoái trong bụng, nói:

-Vậy là má con khỏi đi chợ hả ông?

-Đi, nhưng không mua cá vì nhà mình có đủ rồi. Mua tiêu đường mắm muối về nấu canh chua cơm mẻ thôi. Tiền dư mua kẹo cho Bền.

Bền chưa hiểu gì về cá, nhưng nghe vậy thích ý, cứ nhắc với ba má:

-Ít hôm nữa nội bắt được nhiều cá nè, má đi chợ khỏi mua nè, tiền dư nhiều dành mua bánh cho con thôi.

* * *

Dù không nhiều như những năm trước, nhưng bước qua tháng tám âm lịch, nước đầu nguồn đổ về, mặt sông đầy ắp, loang loáng là nước. Ông Hai nhìn con nước đỏ ngầu màu phù sa mà lòng rộn vui. Niềm vui mà theo thằng Bền tả bằng thơ văn vỡ lòng mới học của nó là: giống như đất vui mừng đón phù sa về tưới mát ruộng đồng. Ông Hai nghe thằng cháu văn vẻ, mỉm cười sắp xếp lại thành quả mà ông cặm cụi cả tháng: hai cái lọp, cái lớn đường kính 50cm- cái nhỏ 30cm, và cuộn đăng bằng tre.

Ông nói với Bền:

- Cái lớn thưa đặt phía ngoài, bắt những con cá bự, cái nhỏ đặt gần bờ bắt những con cá nhỏ hơn. Lọp này bắt được tôm, cua, cá rùa rắn. Vô đây thì không ra được.

Thằng Bền cũng thấy vui khi nhìn những vật lạ mắt mà ở trường ít nghe thầy cô nhắc đến. Nó khoái nhứt là những cái hom lọp tròn tròn xoắn khu ốc, thò tay vô rút ra không được.

Nhờ mấy đứa cháu phụ tiếp, hì hục cả ngày ông Hai cũng đem được giàn lọp xuống sông, gồm bửng đăng hình chữ L, nơi đặt lọp ông khoét cái lỗ cho cá tôm chui vô. Làm xong ông Hai hài lòng nhìn con nước cuộn xoáy đi qua, ông nói:

- Cá tôm theo nước về tấp vô bờ dựa vào bửng của ông sẽ không ra được.

Chủ nhật, thằng Bền dậy sớm, nói như là biết chắc:

- Nội ơi, cá vô lọp nhiều lắm rồi, ông bắt lên cho con đi. Ông Hai vò đầu cháu:

- Dữ, hôm nay Bền dậy sớm hơn cả nội.

Thằng Bền cười khoe hàm răng sún, vừa nhảy chân sáo vừa hát bài hát tự chế: Con muốn thấy cá. Con muốn thấy tôm trong lọp của nhà mình.

Thấy thằng Bền vui, ông Hai cũng chiều cháu. Chứ ông nghĩ lọp mới còn mùi tre, cá chưa vô, phải đợi đôi ba ngày. Nhưng nghe cháu nội gọi ông cũng muốn thử vận may. Khi đi xuống sông ông không quên đem theo cái thùng để đựng cá.

Hòa mình vào dòng sông, hơi nước làm cho ông Hai sống lại thời trai trẻ. Ông lặn xuống dùng lực kéo cái lọp bị đóng bùn non. Vừa lôi lên mặt nước ông nhướn mắt nhìn kỹ hai con tôm bằng cán mác, bụng đầy trứng. Còn nữa, con cá trắng dẹp dài có nút đen hai bên đang giãy giụa, nhìn kỹ là thác lác cườm. Ông mừng, kéo lên bờ. Ông nhìn đôi mắt cá thác lác chớp chớp, bỗng dưng cảm thấy buồn vui khó tả. Vừa mừng vì lại thấy được con cá thác lác cườm tự nhiên, lại buồn vì loài cá mà hồi nhỏ ông ăn hoài, bây giờ muốn thấy cũng khó. Ông Hai thò tay nâng con cá cho vào thùng.

Thằng Bền đứng một bên thích chí, cái miệng nhỏ nhắn nói không ngừng:

- Con cá lớn quá nội ơi, cá gì vậy nội? Nội ơi cá này nấu canh chua chắc ngon lắm! Hay là con kêu má con chiên một phần còn lại phần nấu canh chua nghen nội! Nội tài quá bắt được cá bự. Để con đem lên cho ba má con mừng.

Ông Hai đưa vội tay ra ngăn đứa cháu. Rồi đôi mắt ông xa xăm, nghĩ ngợi. Ông Hai khòm xuống xách thùng cá đi lần tới bến sông thò tay nâng con cá thác lác thả nhẹ xuống nước, con cá lăn mình lội đi. Ông lại đem hai con tôm đang ôm trứng, cũng thả về sông. Đứa cháu nội há hốc mồm chưa kịp nhìn "chiến lợi phẩm" thì tay ông Hai đã đùa ra xa dòng nước. Cá, tôm bơi đi.

Thằng Bền hai mắt ửng đỏ:

- Sao vậy nội? Con còn chưa nhìn hết.

Ông Hai nhìn dòng sông đục ngầu cuộn chảy, nhìn đôi mắt thằng Bền đong nước mắt vì tiếc cá, tôm.

Ông Hai nhẹ vuốt đầu cháu nói:

-Hai con tôm đang ôm trứng, rồi sẽ có thêm nhiều tôm. Còn đời con cá thác lác cườm cũng chỉ có một thôi. Nó đã vượt qua biết bao nhiêu chặng đường dài gian nan để về được sông. Do vậy ông không đành. Nên thả cho nó sinh sản thêm nhiều, năm sau mình sẽ bắt con à.

Thằng Bền buồn bã:

- Nội cặm cụi làm lọp bắt cá rồi thả đi, làm con không hiểu!

Ông Hai vẫn nhìn cháu trìu mến, ông nói một hơi dài:

- Lớn lên rồi con sẽ hiểu. Cá tuy cùng sống trong nước, nhưng mỗi loài có cách sinh sống khác nhau. Cá thác lác cườm ở đầu nguồn, khi mùa mưa nước dâng cao, cá tìm bạn đời giao phối, ôm bụng đầy trứng theo dòng sông về nơi có môi trường thuận lợi để sinh đẻ. Đẻ xong nó theo nước lên đồng ruộng bơi đi ăn, khi nước rút nó xuống sông và về thượng nguồn. Mùa mưa tới nó lại giao phối, rồi lại đi. Cứ như thế mà vòng đời lên xuống, phiêu lưu đây đó. Nay mùa nước nổi không nhiều như xưa, môi trường ruộng đồng bị ô nhiễm, hạn chế sự sinh sôi của cá. Nhưng cá luôn nhớ sông, nhớ đồng, dù cho còn một tấc hơi cũng vượt đi. Cũng như nội nhớ những mùa cá về đầy sông, đầy đồng mà thương tiếc một thời đã qua.

Thằng Bền nhìn ông Hai, rồi ôm cổ ông:

- Con hiểu rồi. Con sẽ chờ mùa cá năm sau, sẽ có nhiều cá, tôm!

Chia sẻ bài viết