21/09/2009 - 20:25

Liên kết nhà trường- doanh nghiệp

Cơ sở để phát triển đào tạo nghề

Các trường nghề trên địa bàn TP Cần Thơ đang đẩy mạnh liên kết đào tạo với các đơn vị, doanh nghiệp... Liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ đã giúp các cơ sở đào tạo giải quyết được “đầu vào” lẫn “đầu ra”, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

* Thí sinh ngần ngại

Đứng trước cửa Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ khá lâu, bạn Đặng Văn Hiền, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, phân vân không biết nộp hồ sơ dự tuyển vào ngành nghề nào cho phù hợp. Hiền kể: “Em thi rớt tốt nghiệp THPT, dự định học lấy bằng trung cấp nghề để đi làm. Gia đình khuyên em nên học nghề Hàn, sau này ra trường về quê làm ở gần nhà nhưng em không thích lắm vì nghề này khá vất vả, thu nhập không cao”. Tương tự, chị P.T.V, ở TP Cần Thơ, có 3 người em thi rớt đại học năm 2009. Chị V. khuyên các em mình nên theo học nghề, nhất là các nghề mà thị trường lao động đang cần như: Hàn, Cơ khí, Cắt gọt kim loại,... nhưng các em của chị V. không đồng ý. Chị V. nói: “Các em tôi luôn muốn học đại học chứ không chịu học nghề”.

Giờ thực hành hàn, cắt đóng mới vỏ tàu của học sinh lớp Hàn vỏ tàu thủy khóa 4, Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang. Ảnh: B.Ng 

Thực tế tuyển sinh ở các trường cho thấy, rất ít thí sinh đăng ký dự tuyển vào các nghề: Hàn, Cắt gọt kim loại, Cơ khí,... Theo ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, hằng năm, nếu như các ngành Quản trị mạng máy tính, Điện công nghiệp, Điện lạnh thu hút khá nhiều thí sinh thì ngược lại, ngành Hàn, Cắt gọt kim loại khá “hẩm hiu”. Năm nay, trước Phòng Đào tạo của trường có bộ phận tư vấn tuyển sinh tư vấn cho phụ huynh, thí sinh những ngành nghề đang có nhu cầu cao. Ông Đức nói: “Hiện nay, nhiều đơn vị đang có nhu cầu tuyển một lượng lớn công nhân ngành Hàn, Cắt gọt kim loại. Một số chương trình đào tạo các ngành nghề này cũng có nhiều ưu đãi nhưng vẫn không thu hút được thí sinh”. Ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, cũng thừa nhận tình trạng này và theo ông, nguyên nhân là do người học ngại lao động trong môi trường độc hại, vất vả nhưng thu nhập không cao.

* Liên kết để đôi bên cùng có lợi

Liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng khó khăn trên. Ông Đinh Bạt Yêm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang, thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-VINASHIN, cho biết: “Để xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy và nhà máy đóng tàu (do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam- VINASHIN làm chủ đầu tư) tại Khu công nghiệp Sông Hậu, cần khoảng 5.000 công nhân có tay nghề hàn, đóng tàu thủy. Việc tuyển lao động hết sức khó khăn do thiếu lao động có tay nghề. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh liên kết đào tạo, đào tạo có địa chỉ”. Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang đang đào tạo trên 100 học sinh ngành Hàn vỏ tàu thủy và Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy. Năm học 2009-2010, Trường liên kết với Trường Trung học Giao thông Vận tải miền Nam, Trường Trung cấp Nghề Ngã Bảy (Hậu Giang) tiếp tục tuyển sinh 2 ngành trên.

Bạn Phan Minh An, quê Hậu Giang, học viên lớp Hàn vỏ tàu thủy khóa 4, cho biết: “Tôi được miễn 100% học phí, nơi học lại gần nhà. Trong quá trình thực hành, tôi còn được hưởng lương theo sức lao động. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp, tôi có thể làm việc tại Xưởng thực hành này và sẽ học cao hơn nếu có điều kiện”. Lớp Hàn vỏ tàu thủy khóa 4 do Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang liên kết với Trường Cao đẳng Nghề Vinashin Hải Phòng đào tạo. Khóa học kéo dài 18 tháng, trong đó, 12 tháng học viên học lý thuyết ở Hải Phòng, 6 tháng thực hành tại xưởng đóng tàu của VINASHIN. Theo thầy Trần Văn Thuật, giáo viên dạy thực hành của lớp, chương trình và phương pháp giảng dạy được thiết kế phù hợp với từng đối tượng. Với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, thầy Thuật sẽ hướng dẫn những thao tác đơn giản; còn với học sinh tốt nghiệp THPT thì dạy mở rộng, nâng cao hơn. Thầy Thuật nói: “Thuận lợi của trường là có xưởng thực hành, thực tập. Học viên thực hành được hưởng lương theo sức lao động của mình, có thể lên đến 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều học sinh chưa định hướng được nghề nghiệp nên trong quá trình học, vẫn còn học sinh bỏ học. Vì thế, rất cần sự phối hợp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh”.

Việc đẩy mạnh liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ sử dụng ở một số trường nghề đã và đang phát triển. Theo ông Đinh Bạt Yêm, trong khi chờ xây dựng cơ sở mới, Trường Trung cấp Nghề Công nghiệp tàu thủy Hậu Giang linh động liên kết với một số trường trung cấp, cao đẳng để tuyển sinh các ngành nghề liên quan tàu thủy. Còn ông Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, cho biết: “Nhờ liên kết, trường vừa đảm bảo chỉ tiêu đào tạo vừa giải quyết khá tốt việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp”. Thời gian qua, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đã cung cấp hàng ngàn cán bộ ngành Trồng trọt- Bảo vệ thực vật, công nhân kỹ thuật... cho các đơn vị ở ĐBSCL.

***

Tại Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định vai trò của các doanh nghiệp trong liên kết đào tạo nghề nghiệp với phương châm “mỗi doanh nghiệp là một đơn vị hướng nghiệp”. Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, liên kết đào tạo với các đơn vị góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời giải quyết “đầu vào” lẫn “đầu ra” cho các cơ sở đào tạo.

B.Kiên

Chia sẻ bài viết