22/08/2008 - 08:05

Khai mạc phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cổ phần hóa doanh nghiệp: không được làm thất thoát tài sản nhà nước

Sáng 21-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 11.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Báo cáo về tình hình cổ phần hóa và thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, bán cổ phần trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày tập trung phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai, mua bán cổ phiếu trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tính đến ngày 30-6-2008, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.041 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.786 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (chiếm 75% tổng số doanh nghiệp đã sắp xếp). Trong số này, doanh nghiệp thuộc địa phương chiếm 58,1%, doanh nghiệp thuộc Bộ chiếm 30,3%, doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, Tổng công ty 91 chiếm 11,6%.

Các Ủy viên UBTVQH đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo Luật Doanh nghiệp đúng tiến độ và hiệu quả hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu 4 tiêu chí để cổ phần hóa có hiệu quả. Đó là đối với các doanh nghiệp Nhà nước có vị trí quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, bảo đảm sự điều tiết nền kinh tế, Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối. Trong quá trình cổ phần hóa phải tạo điều kiện để người lao động được mua một phần cổ phần ưu đãi và là người chủ thực sự của công ty cổ phần. Cổ phần hóa DNNN không được làm thất thoát tài sản của Nhà nước, các tài sản đó phải được định giá đúng theo giá thị trường. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải thể hiện rõ vai trò quản lý của Nhà nước, của người lao động, tránh tình trạng cổ phần của công ty cổ phần rơi vào tay một số người.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng thẳng thắn nhận xét, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, một số nơi đã có hiện tượng tư nhân hóa, nhưng chưa nghiêm trọng. Ông Hiển đề nghị cần tiến hành rà soát lại để chống thất thoát, cần tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp và có cơ chế bán cổ phần theo mệnh giá cho người lao động.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi đề nghị trong cổ phần hóa cần quan tâm đến người lao động; đề cao vai trò công đoàn bảo vệ lợi ích người lao động và nên xây dựng quỹ Công đoàn mua cổ phần để Công đoàn được tham gia vào quản lý doanh nghiệp.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi nhận xét trong quá trình cổ phần hóa còn tồn tại nhiều hạn chế. Mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới phương thức quản lý trong quan hệ sản xuất nhưng thực tế không đổi mới được như mong đợi...

Các Ủy viên Ủy ban cũng góp nhiều ý kiến vào việc có nên gộp giá trị khoáng sản vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay không; việc định giá doanh nghiệp và xác định giá trị lợi thế và một số vấn đề nảy sinh sau cổ phần hóa…

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết