CÁT ÐẰNG
“Một vùng đất lửa” là tập ký của tác giả Nguyễn Thị Thúy Liên (sinh năm 1937) - người con Quảng Trị, người cán bộ binh địch vận đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972-2022), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách gồm những mẩu chuyện về quá trình hoạt động cách mạng của bà, để nhắc nhớ về một vùng đất lửa, là tiêu điểm của cuộc kháng chiến năm xưa.
18 bài viết đã lần giở lại những ký ức hơn 60 năm trước của tác giả, đưa người đọc trở lại một thời chiến tranh khốc liệt để hiểu hơn về quá khứ, về cách mà quân dân ta đã chiến đấu, hy sinh như thế nào để có được hòa bình, độc lập. Với chất liệu người thật, việc thật, tập ký không hoa mỹ hay hấp dẫn như tiểu thuyết, nhưng mang đến cho người đọc những cảm xúc thật, những câu chuyện sinh động và sát thực tế. Ðó là hành trình của một cô gái trẻ tuổi đôi mươi là cơ sở nội tuyến hoạt động hợp pháp trong lòng địch, chuyên giao nhận thư từ, tài liệu, móc nối các cơ sở cách mạng, vận chuyển lương thực… Khi bị bắt, tra tấn dã man, tù đày vẫn kiên cường không khai. Sau khi ra tù lại tiếp tục hoạt động tích cực với nhiều trọng trách được giao như Phó Ðoàn văn công B Quảng Trị, cán bộ tuyên truyền Khu Trị Thiên Huế, cán bộ binh địch vận xuất sắc cho tới ngày giải phóng.
Tác giả không viết nhiều về bản thân mà bà chỉ là đường dây, mắt xích để kết nối mọi người, kể những câu chuyện về đồng đội, về những tháng ngày đấu tranh gian khổ, nhưng hào hùng của quân dân Quảng Trị. Qua từng trang viết, người đọc cảm phục và thương mến những chiến sĩ, những cán bộ và nhân dân hy sinh trong cuộc chiến tìm kiếm, bảo vệ và vận chuyển lương thực để chống đói sau Tết Mậu Thân năm 1968; nhớ mãi tinh thần chiến đấu bất khuất của quân dân xã Hải Dương trước những trận càn ác liệt của địch trong 7 ngày liên tục; tự hào với căn cứ địa Ba Lòng vẫn vững vàng trong vòng kềm kẹp, kiểm soát và dụ dỗ của ngụy quân, ngụy quyền; hoặc cùng Ðoàn văn công B đi khắp các mặt trận để phục vụ cho chiến sĩ, đồng bào trong mưa bom, bão đạn… Bên cạnh đó là những khoảng lặng trước những câu chuyện bi tráng về những cá nhân anh hùng như anh Ngọc, anh Thuyết, anh Chính của Tổ công tác đặc nhiệm. Họ đã mãi mãi ra đi, đã hòa máu và da thịt của mình vào đất Quảng Trị để đổi lại màu xanh của hòa bình cho quê hương, đất nước.
Cuộc chiến ấy không thể thiếu sự tiếp sức và đồng lòng của nhân dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Từ người mẹ kiên trung của tác giả đến người dân ở các thôn xóm, ấp, làng xã hay nhân dân miền Bắc, nơi đâu cũng mở rộng vòng tay đón các người con của cách mạng, cũng hết lòng hỗ trợ trong khả năng của mình. Chẳng hạn như: “từ ngày được ra Vĩnh Linh, ăn bát cơm của miền Bắc nghĩa tình, nhân dân ăn cơm độn sắn lát ngâm chua ba ngày, nhưng ưu tiên cho đoàn ăn cơm không độn sắn, nhân dân xem đoàn là hạt giống đỏ của Quảng Trị nên nhường nhà, hầm cho đoàn ở khi đi sơ tán tránh máy bay B52 của Mỹ rải bom” (trang 134). Ngoài ra, những kỷ niệm khó quên của những tháng ngày làm công tác binh địch vận, những tâm tư, tình cảm của những người lính bên kia chiến hào cũng được tác giả thuật lại chi tiết, mang đến cho người đọc góc nhìn sâu hơn về những người cầm súng của hai bên.
Khép lại tập ký là những bài thơ của tác giả về quá trình tham gia kháng chiến, về những người chiến sĩ anh hùng, những bài thơ dùng để tuyên truyền đưa vào lòng địch… Ðể từ đó, nhớ mãi một vùng đất lửa năm xưa!