19/05/2015 - 08:56

Cơ hội hay thách thức tùy vào nhận thức của doanh nghiệp

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015 và lộ trình thực hiện các cam kết có thể thực hiện từ năm 2016. Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt sẽ có cơ hội lớn vào thị trường 600 triệu dân, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

“Nước đến chân mới nhảy”

Cộng đồng AEC với khoảng 600 triệu dân là thị trường rộng lớn cho các DN khối ASEAN. Nhiều ý kiến cho rằng, DN Việt vẫn đang “thờ ơ” với AEC trong khi cạnh tranh, thâu tóm DN đang diễn ra rầm rộ ngay tại thị trường Việt Nam. Các DN ngoại như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thành công với nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) DN đình đám trên lĩnh vực tài chính, bán lẻ, thực phẩm… Thực tế này đang thúc bách DN Việt phải đổi mới sáng tạo, chủ động hơn nữa trong hội nhập kinh tế để làm chủ sân nhà và tự tin cạnh tranh với đối thủ ngoại cùng ngành hàng. Trong sân chơi rộng lớn này, không phải DN Việt nào cũng làm chủ được thị trường, chỉ có DN năng động, quản trị rủi ro tốt mới có thể cạnh tranh và tồn tại.

Nhiều DN TP Cần Thơ đang chủ động đổi mới sáng tạo. Ảnh: Công ty TNHH Cơ khí Thế Dân – Khu công nghiệp Trà Nóc chuyên sản xuất các dây chuyền, thiết bị phục vụ cho ngành chế biến gạo, thủy sản.
 

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), kiêm Tổng thư ký CBA, khẳng định: “Tôi nghĩ DN không bao giờ thờ ơ với những gì liên quan đến vận mệnh và công cuộc kinh doanh của mình. Những thay đổi trong việc mở rộng quan hệ hợp tác song phương, đa phương, những hiệp định thương mại... đều tác động, ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh, dù là kinh doanh xuất nhập khẩu hay nội địa. Đã ra thương trường thì ai cũng biết điều đó và cũng lo lắng khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ, yếu hơn mình, bằng mình và mạnh hơn mình”. Tuy nhiên vì sao hiện nay DN vẫn “có vẻ” như thờ ơ với vấn đề này. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam vẫn còn những “dư chấn” chưa kết thúc. Cuộc chiến đấu để duy trì công việc kinh doanh đã và vẫn đang đè nặng lên đa phần DN. Việc giải thể, chấm dứt hoạt động của DN trên cả nước vẫn đang diễn ra, chưa kết thúc. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân, chủ DN hiện nay là làm sao để vực dậy, duy trì và ổn định, mở rộng công việc kinh doanh của mình. Những vấn đề chưa đến “chân” thì chưa đặt nặng sự chú ý. Hai nữa, việc tuyên truyền, truyền thông về các hợp tác và hiệp định này vẫn chưa sâu rộng để tạo sự quan tâm của DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều DN Việt vốn có thói quen cố hữu: “nước đến chân mới nhảy” nhưng cơ hội hay thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế còn tùy vào nhận thức của DN. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, nêu dẫn chứng: “Một cuộc hội thảo tổ chức trong tháng 4-2015 vừa qua tại TP HCM, tiến sĩ Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại của Chính phủ đã có một nhận xét mà tôi hết sức tâm đắc và rất đồng tình, đó là DN Việt Nam “nước đến chân mới nhảy” và đều “nhảy” qua được hết. Tôi cũng thấy sức sống của DN Việt Nam hết sức mãnh liệt. Tôi nghĩ họ sẽ vượt qua những thử thách sắp tới, như đã từng vượt qua thời kỳ WTO, bằng chính sự thông minh, khéo léo và cần cù vốn là đặc điểm của người Việt Nam ta”.

Tăng chỉ số niềm tin cho DN

Mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân, chủ DN hiện nay là làm sao để vực dậy, duy trì và ổn định, mở rộng công việc kinh doanh của mình. Những vấn đề chưa đến “chân” thì chưa đặt nặng sự chú ý.

Ngày 12-3-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp như: thực hiện có hiệu quả 3 mũi đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ; đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính công… Năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6: Rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử tối thiểu 90%, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định; tiếp tục giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6… Thủ tục khởi sự kinh doanh tối đa 6 ngày, thủ tục phá sản DN tối đa 30 tháng (hiện nay là 60 tháng). Năm 2016, phấn đấu chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tối thiểu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-4… Đây là nội dung quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; đồng thời thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh, hội nhập bền vững.

Cùng với những giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành trung ương thì nhiều địa phương cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ DN, tạo lực đẩy cho DN. Theo ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, năm 2014, TP Cần Thơ tụt 6 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - từ hạng 9 xuống hạng 15 và từ nhóm tỉnh, thành xếp hạng tốt tụt xuống nhóm khá. Dù vậy, qua phân tích các chỉ số thành phần của PCI năm 2014, TP Cần Thơ được cộng đồng DN đánh giá cao ở chỉ số Thiết chế pháp lý và Gia nhập thị trường. Các DN đánh giá cao lãnh đạo chính quyền thành phố, cụ thể có 36% DN cho biết chính quyền thành phố có thái độ tích cực với khu vực tư nhân, tăng so với 33% vào năm 2013. Tỷ lệ DN cho rằng lãnh đạo UBND thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN tư nhân tăng mạnh từ 46% năm 2013 lên 67% năm 2014. “Có đến 81% DN cho biết lãnh đạo thành phố có sáng kiến hay song chưa được thực thi tốt ở cấp sở ngành; 70% DN cho biết lãnh đạo thành phố có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp huyện đã làm ảnh hưởng đến Tính năng động của địa phương. Có thể nói, những ý kiến đánh giá của DN sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tập trung cải thiện kết quả trên bảng xếp hạng PCI theo hướng phát huy hơn nữa các chỉ số tăng điểm và cải thiện các chỉ số giảm điểm một cách chủ động, đồng bộ để có thể xây dựng lòng tin cho cộng đồng DN”- ông Trương Quốc Trạng nói.

Năm 2013, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định thành lập Tổ hỗ trợ DN, cơ quan đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên của Tổ là lãnh đạo các sở, ngành chức năng, cùng lãnh đạo CBA. Theo phản ánh của lãnh đạo một số DN ngành thủy sản, may mặc trên địa bàn TP Cần Thơ, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện khá tốt cho DN hoạt động. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở (đặc biệt là hạ tầng giao thông thủy, bộ) chưa đầu tư đồng bộ khiến DN tăng thêm chi phí vận chuyển; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo của DN… cũng ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, khẳng định: “DN trên địa bàn ghi nhận sự quan tâm của chính quyền trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc để giúp DN có thể thuận lợi kinh doanh. Tuy nhiên để giải quyết các vấn đề của DN cần căn cứ trên quy định chung của luật pháp và sự hợp tác của tất cả các sở có liên quan chứ không phải chỉ có ý chí của Tổ hỗ trợ DN là được”.

Gia Bảo- Minh Huyền

Chia sẻ bài viết