14/04/2015 - 21:43

Cơ hội doanh nghiệp đầu tư xanh

Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng trong hoạt động sản xuất không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, phát triển bền vững mà còn tạo hình ảnh thân thiện. Song, rào cản lớn nhất chính là tài chính, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Sở Công thương TP Cần Thơ vừa phối hợp Dự án “Chuyển hóa Carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” (LCEE) tổ chức hội thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư xanh (GIF) cho các DNNVV ngành chế biến thực phẩm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận tài chính, mạnh dạn đầu tư thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng.

* Cơ hội cho doanh nghiệp

Dự án LCEE được xây dựng dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Nhằm giúp các DNNVV ở Việt Nam có cơ hội đầu tư vào các hoạt động tiết kiệm năng lượng, Dự án LCEE đã thiết lập một cơ chế tài chính GIF khoảng 6,5 triệu USD. Trong đó, chương trình đặc biệt chú trọng vào các DNNVV thuộc 3 ngành sản xuất gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm. TP Cần Thơ là 1 trong 10 địa phương trên cả nước được lựa chọn tham gia chương trình GIF ở lĩnh vực chế biến thực phẩm.

 Các doanh nghiệp tìm hiểu một số phương pháp ứng dụng tiết kiệm năng lượng trong ngành chế biến thực phẩm.

Thông qua chương trình GIF, dự án LCEE hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội được nhận các khoản vay với quy mô từ 400 triệu đồng đến 4 tỉ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp có thể nhận bảo lãnh ngân hàng lên tới 50% giá trị của khoản vay. Kết thúc dự án, khi các hoạt động tiết kiệm năng lượng được doanh nghiệp triển khai thành công, Dự án sẽ căn cứ vào mức năng lượng tiết kiệm được để quyết định quy mô trả thưởng. Theo đó, doanh nghiệp có cơ hội nhận được mức trả thưởng từ 10-30% giá trị của khoản vay. Mức trả thưởng được giảm trừ trực tiếp vào khoản vay mà doanh nghiệp đang nợ ngân hàng.

Ông Amarnath Reddy, Cố vấn cấp cao GIF, cho biết: GIF kỳ vọng hỗ trợ từ 100-130 dự án đề xuất tiết kiệm năng lượng hoặc giảm phát thải khí CO2 ở các DNNVV tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 10 dự án tiếp cận với GIF; trong đó có 2 dự án đang phê duyệt và sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới. Các DNNVV không thuộc 3 lĩnh vực sản xuất gạch, gốm sứ và chế biến thực phẩm nếu có dự án tiết kiệm năng lượng hoặc giảm phát thải khí CO2 hiệu quả, GIF sẽ sẵn sàng hỗ trợ thực hiện.

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Cần Thơ, GIF là chương trình rất có ý nghĩa trong sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. BIDV là một trong những ngân hàng đồng hành cùng GIF. Các doanh nghiệp khi có nhu cầu có thể đến liên hệ với ngân hàng, nếu dự án tốt ngân hàng chấp nhận cho vay vốn không cần thế chấp đến 50% giá trị khoản vay, thậm chí cho vay tín chấp.

Có sự hỗ trợ về nguồn vốn và ủng hộ của ngân hàng để đầu tư tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, đây là tin vui với các DNNVV. Anh Đỗ Hoàng An, Chuyên viên kỹ thuật Công ty Cổ phần Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô, cho biết: Doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường luôn được người tiêu dùng đánh giá cao. Công ty đã và đang áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng vào sản xuất đồ uống. Đầu tư vào tiết kiệm năng lượng đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, đây là khó khăn của doanh nghiệp. Chương trình GIF rất bổ ích, là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận vốn đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Sau hội thảo, anh Nam sẽ đề xuất Ban lãnh đạo công ty tham gia GIF để triển khai đồng bộ công nghệ tiết kiệm năng lượng trong toàn hệ thống.

* Doanh nghiệp cần làm gì?

Theo quy định GIF, doanh nghiệp tham gia dự án phải đảm bảo các tiêu chí, bao gồm: vốn điều lệ 100% trong nước và dưới 100 tỉ đồng; quy mô dưới 300 nhân viên; doanh nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động. Dự án đề xuất chưa được khởi động và sẽ giảm ít nhất 20% lượng năng lượng tiêu thụ hoặc khí thải CO2 trong một công đoạn sản xuất cụ thể hoặc đối với một thiết bị cụ thể và phải phù hợp với các quy định liên quan tại Việt Nam; tổng mức đầu tư vào dự án đề xuất phải trên 400 triệu đồng. Tổng mức tài trợ doanh nghiệp nhận được từ GIF (bao gồm trả thưởng tiết kiệm năng lượng) và cơ chế và (hoặc) nhà tài trợ khác không vượt quá 30% khoản vay dùng cho dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp cam kết tiếp các đoàn khách tham quan học hỏi kinh nghiệm thực hiện dự án và công bố thông tin như một trường hợp nghiên cứu điển hình nhằm khích lệ sự nhân rộng của dự án.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để nhận được hỗ trợ từ GIF? Ông Amarnath Reddy, Cố vấn cấp cao GIF, cho rằng: Trước hết, doanh nghiệp cần lên ý tưởng thực hiện và khảo sát tính khả thi của dự án. Điều quan trọng chính là doanh nghiệp cân đối hài hòa các vấn đề giữa lợi ích mang lại và chi phí đầu tư khi thực hiện dự án. Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực và năng lực kỹ thuật để tiếp cận và điều hành thiết bị, công nghệ mới. Ngoài bảo lãnh 50% giá trị vốn vay từ chương trình, doanh nghiệp chuẩn bị nguồn vốn tự có đảm bảo 50% giá trị vay còn lại. Đồng thời, tiếp cận và thảo luận với ngân hàng có sự đồng thuận và hỗ trợ cho khoản vay đầu tư dự án…

Ông Amarnath Reddy cho biết thêm: Quy trình nhận hỗ trợ từ GIF trải qua các công đoạn, doanh nghiệp nộp ý tưởng dự án về GIF theo biểu mẫu hợp lệ và liên hệ với ngân hàng địa phương. Chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu GIF cùng văn bản đồng thuận hoặc phê duyệt cấp vốn vay từ phía ngân hàng cho vay được lựa chọn. Doanh nghiệp có hồ sơ dự án đạt yêu cầu sẽ được chuyên gia tiến hành thẩm định các nội dung kỹ thuật và kinh tế đề xuất trong dự án. GIF sẽ phát hành bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng cho vay ở mức 50% giá trị khoản vay; doanh nghiệp ký thỏa thuận với ngân hàng và triển khai dự án tiết kiệm năng lượng theo các nội dung đề xuất trong hồ sơ. Sau 4-6 tháng, các chuyên gia sẽ tiến hành thẩm định lại dự án và đánh giá mức năng lượng tiết kiệm được hoặc mức giảm pháp thải khí CO2 nhằm quyết định quy mô trả thưởng từ 10-30% giá trị khoản vay.

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết