26/12/2022 - 09:28

Cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập, kết nối cộng đồng 

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ được giao phụ trách Dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024" (Dự án trẻ tự kỷ), do tổ chức Saigon Children’s Charity (CIO) tài trợ.

Các cô tiếp cận, hòa nhập và tương tác với trẻ tự kỷ tại phòng can thiệp sớm.

Các cô tiếp cận, hòa nhập và tương tác với trẻ tự kỷ tại phòng can thiệp sớm. 

Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, cho biết: Dự án trẻ tự kỷ được triển khai thực hiện góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành lân cận ngày càng phát triển và hoàn thiện. Sau khi kết thúc Dự án, mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ được hình thành tại TP Cần Thơ từ việc xây dựng và vận hành phòng can thiệp sớm với trang thiết bị đạt chuẩn và đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên môn, đáp ứng công tác chẩn đoán, can thiệp và truyền thông về rối loạn phổ tự kỷ.

Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ tháng 9-2019 đến nay, có 1.161 trẻ em từ 0,5-16 tuổi được tiếp nhận đánh giá sàng lọc, kết quả có 112 trẻ tự kỷ, trong đó, 93 trẻ từ 0,5-6 tuổi. Thành phố chưa có đơn vị công lập chuyên hỗ trợ trẻ tự kỷ sau khi được chẩn đoán, nhất là trẻ tự kỷ diện nghèo, cận nghèo; hiện có 2 cơ sở tư nhân hỗ trợ trẻ tự kỷ nhưng chi phí khá cao (4-6 triệu đồng/tháng), nên các hộ khó khăn khó tiếp cận dịch vụ. Bệnh viện cũng gặp khó về nguồn nhân lực chẩn đoán hiệu quả, hiện khám sàng lọc trẻ tự kỷ 1 buổi/tuần.

Dự án trẻ tự kỷ khởi động, Trung tâm cử 6 viên chức tham gia lớp đào tạo chuyên sâu can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ về công cụ đánh giá sàng lọc, can thiệp sớm, phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi, phát triển giác quan, kỹ năng xã hội, ngôn ngữ. Cô Nguyễn Thị Kim Thảo, viên chức Phòng Y tế, tham gia thực hiện dự án, nói: “Qua tham gia các lớp tập huấn, đào tạo các nội dung, tôi thấy việc tiếp cận, can thiệp trẻ tự kỷ không hề đơn giản. Bên cạnh những kiến thức, kỹ năng “cứng” và bài tập thực hành để can thiệp trẻ tự kỷ hiệu quả, mỗi người cần rèn sự kiên trì, nhẫn nại và nhất định phải đủ tình yêu thương con trẻ”.

Theo ông Hồ Thanh Hải, Trung tâm đã phối hợp Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Phòng khám tâm lý Cần Thơ tiến hành rà soát trẻ tự kỷ. Đồng thời, đăng tải nội dung thông tin này trên trang điện tử, gởi UBND các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều để giới thiệu đến phụ huynh đang có nhu cầu. Trung tâm vừa đưa vào hoạt động phòng can thiệp sớm để tiếp nhận, hỗ trợ can thiệp trẻ tự kỷ, với đầy đủ các thiết bị, dụng cụ và đồ chơi chức năng đảm bảo việc đánh giá, can thiệp và tư vấn cho phụ huynh. Hiện phòng can thiệp sớm có 6 giáo viên phụ trách. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận đánh giá, sàng lọc 9 trẻ có dấu hiệu rối loạn phát triển, trong đó, đang hỗ trợ 5 trẻ và phụ huynh đủ điều kiện tham gia chương trình can thiệp sớm.

Phụ trách phòng can thiệp sớm, cô Lê Thị Hằng và cô Kim Thảo đang bày các trò chơi, nói chuyện, tiếp cận bé Lợi P. Do còn lạ lẫm, sợ sệt nên bé P khóc thét, không hợp tác. Thấy dáng cha đang ở bên ngoài, P mới chịu ngồi yên nhưng lầm lì. Nhờ các cô kiên trì trò chuyện, quen dần, bé P mới tương tác, nhận diện và trả lời tên các đồ vật, con vật, chơi đùa với bóng… Cô Hằng kể: “Các kiến thức, kỹ năng có thể trang bị qua khóa tập huấn, bồi dưỡng nhưng muốn làm tốt việc này, trước tiên, chúng tôi phải hết lòng yêu thương, cảm thông và tự rèn sự trầm tính, kiên nhẫn để thật sự thấu hiểu, hòa đồng với trẻ tự kỷ”.

“Quá trình thực hiện can thiệp sớm trẻ tự kỷ rất cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của phụ huynh. Vai trò, trách nhiệm phụ huynh là điều kiện tiên quyết để rút ngắn thời gian cũng như hiệu quả điều trị trẻ tự kỷ” - ông Hồ Thanh Hải nhấn mạnh. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tiếp nhận mới, đánh giá trẻ em có dấu hiệu rối loạn phát triển; nâng cao năng lực giáo viên đảm trách về phương pháp, kỹ thuật can thiệp mới. Đồng thời, tăng cường truyền thông đến cộng đồng để các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn có trẻ tự kỷ biết và tiếp cận dịch vụ miễn phí.

Chương trình can thiệp sớm tạo mạng lưới hỗ trợ trẻ tự kỷ miễn phí tại Cần Thơ. Các bệnh viện sau khi chẩn đoán trẻ tự kỷ sẽ giới thiệu chuyển tuyến đến Trung tâm. Có thể nói, Dự án trẻ tự kỷ cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội và là cơ hội tốt để trẻ tự kỷ hòa nhập, kết nối cộng đồng trong tương lai.

Chia sẻ bài viết