Đó là tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nơi cho rằng sức tàn phá của cô đơn có tác hại tương đương việc hút 15 điếu thuốc lá mỗi ngày.
Cô đơn ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Ảnh: Guardian
Để đối phó với nạn cô đơn, WHO đã quyết định đưa “tình trạng cô đơn” vào danh sách những mối đe dọa cấp bách đối với sức khỏe toàn cầu và thành lập Ủy ban Kết nối Xã hội do tiến sĩ, bác sĩ người Mỹ Vivek Murthy và đặc phái viên thanh niên của Liên minh châu Phi Chido Mpemba đứng đầu. Đơn vị này có 11 thành viên, gồm Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu Ralph Regenvanu và Bộ trưởng phụ trách các biện pháp chống cô đơn Nhật Bản Ayuko Kato.
Dự kiến, ủy ban trên sẽ hoạt động trong vòng 3 năm, tập trung vào các cách giải quyết “mối đe dọa sức khỏe cấp bách” của “đại dịch” cô đơn toàn cầu, đề xuất các chiến lược khoa học để giúp mọi người tăng cường kết nối xã hội, bởi việc thiếu một số kết nối xã hội nhất định có thể dẫn tới sức khỏe tâm thần kém và làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm và tự tử. “Sự mất kết nối xã hội giờ đây trở thành nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần rộng lớn hơn mà chúng ta đang chứng kiến trên thế giới này. Có tới khoảng 1 tỉ người đang phải sống chung với vấn đề sức khỏe tâm thần, 25% trong số đó là thanh thiếu niên” - bác sĩ Murthy cho biết.
Theo WHO, tình trạng cô đơn xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hàng loạt hoạt động kinh tế xã hội, làm gia tăng mức độ cô độc của nhiều người. “Cô đơn vượt qua các giới hạn và đang trở thành mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe, phúc lợi và sự phát triển. Sự cô lập xã hội không có giới hạn về tuổi tác hay ranh giới” - đặc phái viên Mpemba cảnh báo.
Theo bác sĩ Murthy, sự cô đơn và cô lập với xã hội cũng có thể dẫn đến sức khỏe thể chất kém. Những rủi ro về sức khỏe do tình trạng cô đơn gây ra có tác hại tương đương việc “phì phèo” 15 điếu thuốc mỗi ngày và thậm chí còn lớn hơn những nguy cơ liên quan tới béo phì và lười vận động. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 142 quốc gia được công bố hồi tháng rồi cho thấy cứ 4 người trưởng thành thì có 1 người cảm thấy cô đơn. Ở người lớn tuổi, cô đơn góp phần làm suy giảm khả năng nhận thức và khiến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ tăng 50%, đồng thời khiến nguy cơ mắc bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ tăng 30%. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, sở dĩ người lớn tuổi có nguy cơ bị cô đơn cao hơn là bởi họ thường sống một mình, ít bạn bè và có nhiều khả năng gặp các vấn đề về thể chất như mất thính lực - điều có thể khiến họ mất khả năng hòa nhập xã hội.
Cô đơn cũng tàn phá cuộc sống của những người trẻ. Thống kê cho thấy, có tới 12,7% thanh thiếu niên châu Phi cảm thấy cô đơn, cao gấp đôi so với 5,3% ở châu Âu. Trên khắp lục địa đen, nơi phần lớn dân số là trẻ, những thách thức về hòa bình, an ninh, khủng hoảng khí hậu cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao đang góp phần tạo ra sự cô lập xã hội. Cảm giác bị tách biệt và không được hỗ trợ trong công việc có thể dẫn tới sự chán nản và làm giảm hiệu suất công việc.
“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải xác định đâu là nguyên nhân dẫn tới sự cô đơn, đặc biệt là đối với những nhóm dân số dễ bị tổn thương” - bà Mpemba cho hay. Về phần mình, bác sĩ Murthy cho rằng những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng nhưng lại bị đánh giá thấp.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)