22/12/2020 - 05:53

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý 

Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15-12-2017 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017, có quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức và hoạt động của trung tâm TGPL, tiêu chuẩn bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chi nhánh trung tâm. 

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho đối tượng tại phiên tòa.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho đối tượng tại phiên tòa.

Nghị định 144/2017/NĐ-CP quy định trung tâm TGPL nhà nước có giám đốc, phó giám đốc, trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, phó giám đốc trung tâm phải là trợ giúp viên pháp lý. Giám đốc trung tâm, phó giám đốc trung tâm do giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Giám đốc trung tâm là người đứng đầu trung tâm và là người đại diện theo pháp luật của trung tâm, chịu trách nhiệm trước giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của trung tâm. Phó giám đốc trung tâm phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do giám đốc trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước giám đốc trung tâm về kết quả công tác được giao.

Trung tâm có thể có các bộ phận chuyên môn thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật TGPL và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập. Trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm: có ít nhất 3 năm là trợ giúp viên pháp lý hoặc thẩm phán hoặc kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp trở lên hoặc có 5 năm làm công tác quản lý nhà nước về TGPL trong ngành Tư pháp; có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật. Giám đốc trung tâm bị cách chức khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp TGPL; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức…

Chi nhánh của trung tâm TGPL nhà nước chịu sự quản lý của trung tâm. Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ TGPL. Tên chi nhánh của trung tâm được đặt theo số thứ tự thành lập nhưng phải thể hiện rõ tên trung tâm chủ quản của chi nhánh. Chi nhánh có trưởng chi nhánh là trợ giúp viên pháp lý, do giám đốc trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Trưởng chi nhánh chịu trách nhiệm trước giám đốc trung tâm về hoạt động của chi nhánh.

Chi nhánh được thực hiện TGPL; cử người thực hiện TGPL tại địa bàn được phân công; đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc TGPL; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về TGPL; thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến TGPL theo phân công của giám đốc trung tâm. Việc thành lập chi nhánh phải căn cứ các điều kiện theo quy định của Luật TGPL và dựa vào nhu cầu TGPL dài hạn của người dân tại nơi dự kiến thành lập; phải có trợ giúp viên pháp lý làm việc thường xuyên, có cơ sở vật chất, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu của công tác TGPL tại địa phương và theo đề xuất của giám đốc Sở Tư pháp, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc của trung tâm và bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc thích hợp cho trung tâm. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của trung tâm thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện vụ việc TGPL và các hoạt động nghiệp vụ TGPL theo quy định của Luật TGPL.

Thời gian thực hiện TGPL làm căn cứ chi trả thù lao thực hiện vụ việc TGPL. Thù lao thực hiện TGPL được xác định trên cơ sở thời gian làm việc thực tế mà người thực hiện TGPL đã bỏ ra để thực hiện trực tiếp cho vụ việc TGPL. Thời gian thực hiện TGPL được xác định bao gồm: thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người được TGPL hoặc thân nhân của họ, thời gian xác minh vụ việc TGPL, thời gian làm việc tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc TGPL; thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chuẩn bị tài liệu tại tổ chức thực hiện TGPL và thời gian hợp lý khác phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện vụ việc TGPL được xác định trên cơ sở xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi thực hiện vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm được hưởng thù lao theo buổi làm việc (nửa ngày làm việc) là 0,38 mức lương cơ sở/1 buổi làm việc nhưng tối đa không quá 30 buổi làm việc/1 vụ việc hoặc theo hình thức khoán chi vụ việc với mức tối thiểu bằng 3 mức lương cơ sở/1 vụ việc và mức tối đa không quá 10 mức lương cơ sở/1 vụ việc (căn cứ vào tính chất phức tạp, yêu cầu tố tụng và nội dung của từng vụ việc cụ thể). Khi áp dụng việc thanh toán thù lao theo buổi làm việc, thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ việc, thời gian gặp gỡ, thời gian chuẩn bị các tài liệu, luận cứ bào chữa, bảo vệ và thời gian thực hiện các công việc hợp lý khác tối đa không quá số buổi trả để thực hiện các công việc này áp dụng theo khoán chi vụ việc. Về thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL của tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL, Sở Tư pháp thanh toán thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL cho tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL. Mức thù lao và chi phí thực hiện vụ việc TGPL chi trả cho tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký hợp đồng thực hiện TGPL được thực hiện tương ứng theo mức chi trả cho luật sư, cộng tác viên TGPL ký hợp đồng thực hiện TGPL với trung tâm quy định tại Nghị định này.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết