17/07/2009 - 21:48

Cô bé tí hon!

Đó là Lê Thị Kim Ly, ở ấp An Hòa, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm nay Kim Ly đã 8 tuổi, nhưng chỉ cân nặng gần 5kg và cao chỉ khoảng 50cm, nên bà con thường gọi là bé Tí. Qua lần gặp gỡ đầu tiên, bé Tí đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng rất đặc biệt, khó quên...

Bé tí hon thời nay

Không khỏi chạnh lòng, xót xa, khi chúng tôi tận mắt chứng kiến và được nghe kể về cuộc sống thường nhật của cô bé tí hon - Lê Thị Kim Ly. Cuộc đời của em giống như câu chuyện cổ tích mà thuở còn nằm nôi bà thường kể cho chúng tôi nghe...

Kim Ly là con gái đầu lòng của anh Lê Văn Sị và chị Nguyễn Thị Bình. Khi mang thai được 5 tháng, trong cơn say rượu, anh Sị đánh trúng vào người chị Bình. Máu ra nhiều, chị Bình được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ điều trị cho biết, bào thai bị suy dinh dưỡng nặng và căn dặn về nhà ráng lo bồi dưỡng thai nhi. Nghe nói vậy, chị Bình rất lo. Nhưng ngặt nỗi, nhà nghèo, nên chị cứ lờ đi. Khi bào thai được gần 9 tháng, chị chuyển dạ, rồi sanh ra bé Tí. Khi mới lọt lòng mẹ, bé Tí đỏ hỏn, chỉ cân nặng 800 gram. Sau đó, mẹ con chị được chuyển đến Bệnh viện Vĩnh Long để chăm sóc đặc biệt. Miệng bé Tí nhỏ xíu, chị Bình không tài nào đút núm vú vào cho bú được mà phải nặn sữa ra ly, rồi nhiễu từng giọt vào miệng. Khoảng một tháng sau, bé Tí được bà ngoại (bà Nguyễn Thị Hà, bà con xung quanh thường gọi là dì Chín) rước về nhà chăm sóc và nuôi dưỡng cho đến nay. Thấy cháu nhỏ quá, một số người khuyên nên cho bệnh viện hay một ngôi chùa nào đó nuôi. Nhưng, dì Chín không đành lòng, muốn tự tay chăm sóc...

8 tuổi, nhưng bé Kim Ly chỉ cân nặng gần 5kg. 

Hôm chúng tôi đến nhà, dì Chín dắt cháu ngoại bé Tí đi khám bệnh ở Vĩnh Long vừa về đến. Thấy có khách ngồi trong nhà, bé Tí ngoan ngoãn khoanh tay, chào hỏi lễ phép. Hai tay và hai chân của em bé xíu, giọng nói nheo nhẻo. Bước vào nhà, dì Chín ngồi xuống giường, rồi nói: “Hồi hôm, cháu bị sốt dữ lắm! Thấy vậy sáng sớm, tôi dắt nó đi khám bệnh. Bác sĩ khám, cho biết nó bị sốt, cho toa thuốc uống, rồi còn căn dặn vài ngày sau quay lại tái khám. Trên đường về, thấy lạ mắt, bà con cứ vây quanh nó hỏi han, nên hai bà cháu về nhà muộn”.

Từ lúc về đến nhà, bé Tí cứ đi đi, lại lại, chạy nhảy và lôi đồ đạc ra chơi chòi. Căn nhà lá nhỏ, ọp ẹp của dì Chín nằm giữa cánh đồng trống bỗng trở nên nhộn nhịp hẳn, đầy ắp tiếng nói, cười. Thấy chúng tôi mãi dõi theo từng động tác, cử chỉ của bé Tí, dì Chín bùi ngùi nói: “Tội nghiệp cháu lắm chú ơi! Nó là đứa trẻ không may, nên tôi dành nhiều tình thương, mong xoa dịu nỗi bất hạnh mà nó phải gánh chịu. Bây giờ, nhìn cháu đi đứng và nói cười được, tôi thấy mãn nguyện trong lòng. Nó rất ngoan và dễ dạy. Mỗi lần, nó bị ấm đầu hay sổ mũi, trong lòng tôi cứ thấp thỏm, đứng ngồi không yên”.

Tấm lòng của người bà

Đã bước sang tuổi 60, dì Chín vẫn cố làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi đứa cháu bất hạnh. Tận dụng khoảng trống trước nhà, dì mở tiệm tạp hóa nhỏ và bán nước giải khát. Số tiền lời kiếm được chẳng bao nhiêu, nhưng cũng giúp cho hai bà cháu đắp đổi qua ngày. Thời gian đầu, dì Chín rất vất vả trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bé Tí. Từ sáng cho đến tối, bà luôn ở bên cháu, không dám bỏ đi xa. Hằng ngày, bà đặt bé Tí nằm sắp trên bụng bà để sưởi ấm và mua sữa bò lon về pha nước cơm cho cháu uống. Khi tiết trời oi bức, bé Tí không ngủ được, dì Chín phải thức giấc, ngồi quạt cho cháu ngủ.

Ban đầu, mọi người trong nhà cứ tưởng bé Tí sẽ không biết đi, không biết đứng và cũng không biết nói chuyện. Nhưng năm lên 2 tuổi, em lết bằng hai chân rất nhanh. Sau đó thì bé Tí bập bẹ được vài tiếng, cuối cùng thì chập chững bước đi trên đôi chân bé xíu. Và đến nay, bé Tí đi lại, chạy nhảy và nói chuyện một cách rành rọt. Mỗi ngày, bé Tí chỉ ăn vài muỗng cơm, hoặc uống một chút sữa tươi hay ăn trái cây có vị chua. Ba đến bốn tháng, cháu mới lên cân một lần, mỗi lần thì nhích được từ 100 đến 200 gram. Thấy bé Tí nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và lạ mắt, một số người nước ngoài ngỏ ý xin nhận làm con nuôi và giúp đỡ cho dì Chín một khoản tiền lớn. Nhưng dì không đồng ý, vì đã mến tay, mến chân nên không nỡ rời xa cháu. Dù cơm canh đạm bạc, nhưng dì Chín luôn cảm thấy hạnh phúc bên đứa cháu bé bỏng.

Giống như các đứa trẻ khác, trước khi ngủ, bé Tí cứ đòi bà ngoại kể chuyện cổ tích, nhất là câu chuyện nàng Út trong ống tre. Mỗi lần nghe xong, bé Tí cứ theo hỏi bà ngoại: “Con giống như nàng Út trong ống tre. Nhưng không biết khi nào thì con mới trở thành người bình thường và xinh đẹp, hả ngoại?”. Nghe cháu hỏi, lòng dì Chín nhói đau, không biết tỏ cùng ai.

Kể về tháng ngày vất vả đã qua, những giọt nước mắt của dì Chín lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Bé Tí đang ngồi chơi trước nhà liền chạy vào và nhanh nhẹn leo lên giường, rồi âu yếm, dỗ dành: “Nín đi ngoại! Ngoại đừng khóc nữa. Để con hát cho ngoại nghe nha!”. Vừa dứt lời, bé Tí vừa hát, vừa múa rất hồn nhiên như đứa trẻ mới lên ba tuổi, nét u buồn trên mặt của dì Chín chợt tan biến.

Khao khát được đến trường

Nước da ngăm đen, nụ cười tươi tắn luôn nở trên khuôn mặt bé Tí, nên em rất được nhiều bà con thương mến. Bà Nguyễn Thị Tám, nhà ở chợ Long Hồ, cho biết: “Nhìn cháu thật nhỏ nhắn, nhưng lanh lẹ và rất khôn ngoan. Hễ lâu lâu mà không thấy dì Chín dắt nó đến nhà chơi là tôi nhớ. Có nó, nhà tôi lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, bởi khi múa hát, miệng nó cứ chim chíp và hai tay nhỏ xinh rất dễ thương”. Những chương trình trên ti-vi, bé Tí mê nhất là “phim hoạt hình” và “Những bông hoa nhỏ”. Xem các bạn nhỏ múa hát, bé Tí điệu đàng bắt chước làm theo từng động tác. Bé Tí thuộc lòng nhiều bài hát thiếu nhi, nhất là bài “Cháu yêu bà”, em thường hát để nũng nịu, đòi quà, mỗi khi bà ngoại đi chợ về.

Bé Tí rất muốn được đi học. Ở nhà, em thường rủ mấy bạn trong xóm đến chơi trò cô giáo và học trò. Lần nào cũng vậy, bé Tí cứ đòi làm cô giáo cho bằng được mới thôi. Biết ý nên các bạn cũng chiều theo. Mùa tựu trường sắp tới, bé Tí sẽ vào học lớp 1. Được bà ngoại mua tập, sách và quần áo mới để đi học, bé Tí rất vui mừng. Bé Tí chạy vào nhà lấy quyển sách còn thơm mùi giấy mới ra khoe với chúng tôi: “Con sẽ cố gắng học thật giỏi. Ước mơ của con sau này sẽ trở thành cô giáo”. Nghe những lời nói hồn nhiên của bé Tí, dì Chín vừa mừng, vừa lo. Nói với chúng tôi, dì Chín trăn trở: “Nếu một ngày nào đó, chẳng may tôi nhắm mắt xuôi tay, thì không biết bé Tí sẽ ra sao?”.

Từng làm cha, làm mẹ, chúng tôi thấu hiểu những trăn trở, ray rứt của dì Chín. Cầu mong dì Chín sống khỏe, sống lâu để bà vun đắp và biến ước mơ của bé Tí thành hiện thực.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết