03/06/2011 - 21:27

Có Bác đời ta tươi sáng hơn...

Công nhân Xí nghiệp Công viên cây xanh đang cắt tỉa tháp hoa trên đường 30 Tháng 4.
Ảnh: VĂN TRUNG

Đó là điều mà các thế hệ công nhân lao động ngày đêm vất vả giữ cho thành phố “xanh, sạch, đẹp” đều khẳng định khi nhìn lại quá trình phát triển đi lên của đất nước nói chung và của bản thân, gia đình mỗi người nói riêng sau hơn 36 năm đất nước thống nhất. Mỗi người có một suy nghĩ, cảm xúc khác nhau về Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhưng tất cả đều cho rằng trên thế giới hiếm có vị lãnh tụ nào bình dị, gần gũi, yêu nước thương dân - nhất là đối với người lao động cùng khổ - đến như vậy. Giờ đây, khi ước nguyện của Bác “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã thành sự thật, mọi người càng nhớ ơn Người...

Năm nay đã 79 tuổi nhưng trong ký ức của bác Nguyễn Tài Lưu (177 đường Huỳnh Thúc Kháng) vẫn còn nhớ như in hoạt động của đội ngũ lao công đầy tâm huyết trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Bác Lưu cho biết: “ Tôi vào công ty năm 1978, lúc đó còn mang tên là Đội vệ sinh. Khi ấy, lương chúng tôi chỉ có 40 đồng nhưng anh em làm việc hăng hái lắm. Một phần là nhờ các chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước, một phần vì tất cả anh em đều tâm huyết với nghề”. Thời của bác Lưu, toàn Đội vệ sinh chỉ có 3 chiếc xe chở rác và 2 chiếc xe đạp dành cho lãnh đạo đội đi kiểm tra, giám sát. Bác Lưu làm bên bộ phận điều hành nên được cấp một chiếc để đi khắp các hẻm kiểm tra. Lúc đó, nhiều hộ chưa ý thức cao về việc giữ gìn vệ sinh, môi trường nên rác thải cứ vô tư đổ ra phố. Rác nhiều, người ít nên bác Lưu đi như con thoi, từ Cái Răng đến Bình Thủy, Ô Môn và ngược lại để đôn đốc anh em hoàn thành nhiệm vụ. Bác Lưu bồi hồi nhớ lại: “Xe hư vỏ không có tiền để thay vỏ nên cứ chắp vá, muốn xe dừng lại thì dùng chân để giảm tốc độ, chứ không như bây giờ hầu hết cán bộ, công nhân viên chức (CB-CNVC) công ty đều có xe gắn máy, di chuyển dễ dàng. Trang thiết bị hỗ trợ công việc không có nên chúng tôi chủ yếu làm thủ công. Anh em làm việc vất vả dưới cống cả ngày vậy mà vẫn cười đùa vui vẻ...”. Với tinh thần “hết lòng, hết sức với công việc” 36 năm trước, thế hệ CB-CNVC đầu tiên của Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Công trình Đô thị TP Cần Thơ đã động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn, thầm lặng phục vụ nhân dân mỗi ngày. Bác Lưu nói: “Tuy không có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu về cuộc đời Bác, nhưng chúng tôi đều biết sự kiện Bác bôn ba đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 và cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc, cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi luôn kính trọng và cố gắng noi gương Bác. Tôi hay dặn mấy đứa con bây giờ cuộc sống khá hơn rồi nên cái tinh thần “hết lòng vì nhân dân” phải được phát huy nhiều hơn trong công việc...”.

Có cuộc sống cơm no, áo ấm như hôm nay, các CB-CNVC thế hệ đầu tiên của công ty không chỉ nhắc nhở con cháu đời đời tri ân Đảng, Bác Hồ mà còn thường kể cho con cháu nghe về cuộc sống đầy cơ cực của ông bà mình trước đây để con cháu biết trân trọng, gìn giữ những thành quả có được hôm nay. Gia đình chú Nguyễn Văn Lành, ở khu tập thể Huỳnh Thúc Kháng, có 3 đời làm công nhân vệ sinh từ trước giải phóng đến nay. Chú Lành nghỉ hưu thì có hai con trai nối bước. Chú Lành chia sẻ: “Thời cha tôi cực khổ trăm bề, hốt rác ngập cả tay trong khi phương tiện không có gì hết. Đến đời tôi, trong thời gian đầu, cái cực khổ ấy vẫn đeo đẳng. Từ khi đất nước đổi mới đến nay, cuộc sống, điều kiện làm việc của công nhân ngày càng được cải thiện đáng kể”. Hơn 35 năm vất vả với nghề, chú Lành đúc kết: “Làm công nhân vệ sinh cũng là môi trường để rèn luyện ý chí kiên trì. Ai làm được hơn 6 tháng được xem như đã vượt qua thử thách”. Nam giới theo nghề này đã vất vả, với phụ nữ càng gian nan khi công việc dường như không có sự ưu ái. Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân (vợ chú Lành) kể: “Chị em chúng tôi quét rác từ 6 giờ tối đến 1 giờ khuya. Ngủ tới 4 giờ lại thức dậy quét cho đến 7 giờ sáng. Cực khổ vậy nhưng chẳng hiểu sao không đi làm một ngày lại nhớ...”. Theo cô Vân, những lúc mỏi gối, chồn chân, cô và các công nhân vệ sinh như thấy lòng mình ấm lại khi nhớ đến bài thơ “Tiếng chổi tre” của nhà thơ Tố Hữu. Cô Vân xúc động kể lại: “Mỗi khi vào dip lễ, Tết, chị em chúng tôi hay đọc cho nhau nghe bài thơ “Tiếng chổi tre” để động viên nhau cố gắng hoàn thành. Rồi trong những đợt học tập, sinh hoạt chính trị, chúng tôi lại được nghe kể những mẫu chuyện về tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác, về tình thương bao la của Người dành cho những người lao động nghèo khổ nói chung và công nhân vệ sinh chúng tôi nói riêng. Nhất là chuyện Bác đi công tác ở nước ngoài, thấy loại cây mùa đông không rụng lá, Bác lại muốn mang về trồng để cho công nhân vệ sinh chúng tôi đỡ vất vả. Thật hiếm có vị lãnh tụ nào như thế. Nghĩ đến Bác, chúng tôi lại thấy mình mạnh mẽ, càng quyết tâm theo nghề”. Hiện nay, mỗi tháng vợ chồng chú Lành nhận lương hưu gần 6 triệu đồng, an nhàn với tuổi già. Chú Lành nói: “Chúng tôi mãn nguyện lắm rồi. Chỉ mong các thế hệ công nhân vệ sinh có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Người nào cũng sống được với nghề và khi ra đi thấy mình sống xứng đáng với cuộc đời, với sự kỳ vọng của Bác...”.

Sau giải phóng, thành phố trưng dụng một số nhà ở của binh lính chế độ cũ dựng nên khu tập thể cho CB-CNVC trên đường Hoàng Văn Thụ bây giờ (về sau lãnh đạo thành phố còn cho xây một khu tập thể trên đường Huỳnh Thúc Kháng). Những người sống lâu năm ở khu tập thể đường Hoàng Văn Thụ vẫn còn nhắc chuyện một lần lãnh đạo thành phố đến thăm, không hộ nào có cái ghế cho đàng hoàng để mời khách ngồi. Gọi là nhà thế nhưng chỉ đơn sơ vài miếng gỗ, miếng bạt che chắn. Mùa mưa thì dột tứ tung, còn mùa nắng thì nóng hầm hập. Hơn 30 năm sau, nhà cửa ở hai khu tập thể trên sau khi được Nhà nước bán hóa giá cho CB-CNVC, các hộ đã nâng cấp, xây dựng lại khang trang... Nhiều căn hộ tiện nghi không thua kém các khu chung cư cao cấp. Chị Nguyễn Thị Tuyết, công tác ở Xí nghiệp Công viên cây xanh, con gái bác Lưu, cho biết: “Năm 2007, để giúp cho công nhân nghèo có nhà ở, Nhà nước đã hóa giá căn nhà này chỉ có 19 triệu đồng. Gia đình tôi và các hộ xung quanh vô cùng biết ơn, bởi với đồng lương của công nhân vệ sinh lúc đó, không biết đến bao giờ chúng tôi mua nổi căn nhà, mà lại là nhà ở khu vực trung tâm thành phố...”. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo công ty, mà có những gia đình có nhiều thế hệ gắn bó với công ty đến nay, như: gia đình cô Lê Thị Ánh, bác Nguyễn Tài Lưu, cô Trần Thị Em... Điển hình như gia đình bác Lưu, nếu tính cả cha vợ thì gia đình bác có bốn thế hệ theo nghề “làm đẹp phố phường”. Hiện nay, ba người con gái và cháu ngoại của bác Lưu đang công tác tại công ty. Không riêng những gia đình trên mà hiện nay đời sống của CB-CNVC công ty tương đối ổn định, với mức lương bình quân hàng tháng khoảng 2,7 triệu đồng/người. Lãnh đạo công ty đang phấn đấu nâng mức lương bình quân lên 3 triệu đồng. Kinh tế được cải thiện, nhiều CB-CNVC càng chăm lo cho con học cao, thành đạt. Điển hình như cô Phan Thị Bích Thu, Phó Trưởng phòng Hành chính quản trị. Trước đây, cô Bích Thu công tác ở đội công viên cây xanh, về sau chuyển sang bộ phận kế toán. Ban ngày làm việc ở công ty còn ban đêm cô phải bán bánh mì... kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Hiện nay, hai con trai của cô đều đỗ đạt cao: một người đang học tiến sĩ ở Hà Lan, một người hiện là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Còn cô Trương Thị Thanh Thứ, Trưởng Ban Pháp chế, cũng là người cuối cùng của thế hệ vào công tác ở công ty sau năm 1975 hiện còn làm việc tại công ty. Nhờ tảo tần, tiết kiệm nuôi con ăn học nên hai người con của cô hiện nay đều có công việc ổn định ở UBND phường An Cư và công an quận Ninh Kiều...

Lòng yêu nghề, cộng với tinh thần tương thân, tương ái trong CB-CNVC đã giúp nhiều cán bộ, công nhân vượt qua khó khăn, trụ vững với nghề. Cùng đại diện Công đoàn công ty đến thăm gia đình chị Lý Gia Như Thủy (nhân viên Xí nghiệp Hành khách công cộng), chúng tôi mới hiểu hết ân tình của CB-CNVC nơi đây dành cho nhau. Chị Thủy bị tai nạn giao thông sau khi vừa tan ca, hay tin Công đoàn công ty đã vận động CB-CNV quyên góp 2 đợt, được gần 10 triệu đồng giúp đỡ chị Thủy vượt qua cơn khốn khó. Chị Như Thủy xúc động nói: “Tôi ở trọ, lại nuôi con một mình nên khi bị gãy chân, cảnh nhà khó khăn trăm bề. Cũng nhờ anh chị em trong công ty quan tâm, giúp đỡ...”. Năm qua, công ty đã mua bảo hiểm cho 100% công nhân với số tiền hơn 8 tỉ đồng, chi cho việc chăm lo đời sống và phúc lợi xã hội hơn 930 triệu đồng, khen thưởng 2 tỉ đồng... Công đoàn công ty cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho hơn 50 CB-CNVC đang theo học bổ túc và đại học. Ông Đỗ Ngọc Bắc, Phó Giám đốc công ty, cho biết:” Để chăm lo tốt đời sống cho hơn 1.200 CB-CNVC là việc không dễ dàng chút nào. Càng học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, nhớ đến mong muốn tột bậc của Bác ngày nào thì chúng tôi càng nỗ lực tìm mọi cách để giúp CB-CNVC cải thiện, nâng cao đời sống. Các cấp ủy đảng, lãnh đạo công ty cũng xác định việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong hơn 4 năm qua đã có tác động tích cực, nâng cao hơn tinh thần trách nhiệm phục vụ của đội ngũ CB-CNVC. Ở các đơn vị, các lĩnh vực công tác đều xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân gương mẫu trong học tập và làm theo gương Bác.

Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các thế hệ CB-CNVC của công ty không chỉ giúp chúng tôi hiểu hơn về sự chuyển biến vượt bậc trong đời sống của những công nhân vệ sinh sau 36 năm đất nước thống nhất, mà còn hiểu hơn về tấm lòng, tình cảm của những thế hệ công nhân lao động đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cùng với quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như mong ước của Người.

PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết