12/02/2018 - 16:33

Chuyện về những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” 

Trong bối cảnh đời sống hiện nay, khi những mâu thuẫn, tranh chấp về quyền lợi phát sinh, thì công tác hòa giải càng đóng vai trò quan trọng, giúp hạn chế một phần tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện do thiếu hiểu biết. Người hòa giải là người trực tiếp hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, hóa giải những mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân. Tuy công việc thầm lặng nhưng họ đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, được người dân kính trọng…


Anh Nguyễn Văn Thảo, cán bộ tư pháp – hộ tịch UBND phường Trung Kiên đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đến khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, chúng tôi nghe bà con kháo nhau niềm vui khi diện mạo khu vực ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng cao. Nhưng điều khiến mọi người phấn khởi nhất là hai hộ liền kề ông Nguyễn Thế Dũng và ông Nguyễn Văn Vẹn đã gạt bỏ mâu thuẫn, vui vẻ, hòa thuận như xưa. Nhắc lại chuyện cũ, ông Dũng bộc bạch: “Lúc trước tranh chấp, hai gia đình không ai nói chuyện với ai. Được các thành viên Tổ hòa giải phân tích thấu đáo, hợp tình hợp lý, chúng tôi bắt tay làm hòa. Giờ giữa chúng tôi tình hàng xóm láng giềng càng thắt chặt hơn trước”. Chuyện là giữa tháng 10-2017, ông Vẹn xây nhà lấn chiếm phần đất của ông Dũng bề ngang 1m chạy dài hơn 20m nên hai bên xảy ra tranh chấp. Ông Dũng đã gửi đơn gửi đến Tổ hòa giải. Tiếp nhận đơn, ông Châu Trung Hiếu, Bí thư Chi bộ khu vực, Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa cùng các thành viên đến nơi xảy ra tranh chấp xem xét. Bằng những lời lẽ chân tình, ông Hiếu nhẹ nhàng phân tích, thuyết phục, động viên hai gia đình. Kết quả, ông Dũng đồng ý để ông Vẹn bồi thường cho mình 5 triệu đồng (tiền phần đất đã lấn chiếm) và chấp nhận hòa giải thành. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị ký biên bản hòa giải thì ông Vẹn đổi ý và nộp đơn khởi kiện ra tòa. Không bỏ cuộc, ông Hiếu và các thành viên trong Tổ hòa giải tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc ông Vẹn “bẻ kèo”. Sau khi tìm hiểu, nắm bắt được tính chất vấn đề, ông Hiếu và các thành viên trong Tổ hòa giải nhiều lần mời hai gia đình đến gặp mặt, trao đổi. Từ sự phân tích thấu tình đạt lý của ông Hiếu, một lần nữa hai gia đình ông Dũng và ông Vẹn chấp nhận hòa giải, ra tòa rút đơn không tranh chấp.

Mở từng trang sổ theo dõi công tác hòa giải của khu vực trong năm 2017, ông Châu Trung Hiếu, Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn hào hứng khoe với chúng tôi hầu hết các vụ việc xảy ra tại khu vực đều được hòa giải thành, bà con giữ được tình hàng xóm láng giềng. Nói rồi ông đưa chúng đến thăm một số hộ đã được hòa giải thành như một minh chứng. Hơn 65 tuổi, mái tóc đã điểm sương nhưng ông Hiếu vẫn nặng lòng với công tác địa phương. Ông Hiếu kể, ông từng tham gia cách mạng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông công tác trong ngành công an, ngành nông nghiệp… và hiện nay là Bí thư Chi bộ khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn. Trải qua nhiều vị trí công tác càng giúp ông vững vàng, bản lĩnh trong công tác hòa giải. Hơn 20 năm gắn bó với công tác này ông luôn được chính quyền và người dân tin tưởng, ủng hộ.

Ông Châu Trung Hiếu, nghiên cứu hồ sơ hòa giải.

Nói về công việc của mình, ông Hiếu tâm sự: “Để làm tốt công tác hòa giải, người hòa giải trước hết cần nắm chắc các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, phải không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải. Tuy nhiên, theo tôi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là cái tâm”. Vì vậy, mỗi khi tham gia hòa giải, ông Hiếu và các thành viên trong Tổ luôn kiểm tra thực tế, nắm bắt dư luận, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Trên cơ sở đó ông vận dụng pháp luật một cách hợp tình, hợp lý để các bên nhìn ra tính chất vấn đề, cảm thông và đi đến chấp nhận hòa giải.

Nhận xét về ông Hiếu, ông Trần Thanh Hóa, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ô Môn, nói: “Ông Hiếu đã có nhiều đóng góp trong công tác địa phương. Hơn nữa, ông lại là người có uy tín, hiểu biết pháp luật và khéo léo trong công tác hòa giải nên đã hỗ trợ địa phương rất nhiều trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp”. 

Tháp tùng cùng Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, chúng tôi đến phường Trung Kiên. Anh Nguyễn Văn Thảo, cán bộ tư pháp – hộ tịch UBND phường Trung Kiên đang tất bật giải quyết hồ sơ cho người dân. Dù bận rộn nhưng anh luôn nhiệt tình hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên và khâm phục là 46 tuổi đời, anh Thảo có hơn 20 năm làm công tác hòa giải cơ sở. Anh Thảo tâm sự: “Trước khi làm việc ở phường, tôi đã làm công tác hòa giải cơ sở ở khu vực. Trên địa bàn, mâu thuẫn phát sinh chủ yếu là các tranh chấp xung quanh cuộc sống thường nhật, đặc biệt là tranh chấp đất đai và hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ lâu ngày không được hóa giải thì sẽ lớn chuyện, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm”.

Theo anh Thảo, cách đây vài tháng, anh đã hòa giải thành cho hai hộ gia đình tranh chấp đất đai. Hai nhà gần UBND phường. Trước đây, hai gia đình từng có mối quan hệ thân tình nên người này cho người kia mượn đất để canh tác. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian sử dụng, hai bên xảy ra tranh chấp và khởi kiện ra tòa. Phần đất tranh chấp chỉ khoảng 30m2 nhưng cả hai kiên quyết thuê luật sư. Với kinh nghiệm làm hội thẩm nhân dân nhiều năm của TAND quận, anh Thảo nhờ cán bộ địa chính phường xem xét lại ranh đất thì phát hiện hai bên đều dư đất so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó, anh Thảo đã mời hai bên đến UBND phường để phân rõ thiệt hơn. Qua những lời phân tích, động viên, hai gia đình đồng ý mỗi bên nhường một ít, cùng ra tòa rút đơn khởi kiện. Hiện nay, hai gia đình đã thuận hòa lại với nhau. Nhắc chuyện hai gia đình, anh Nguyễn Văn Thảo, phấn khởi nói: “Giờ đây gặp lại, thấy 2 hộ sớm tối có nhau tôi mừng lắm. Tranh chấp nào cũng thế, mỗi người nhường một bước thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Mỗi lần hòa giải thành là tôi thấy mình làm được việc có ích, vì hàn gắn tình cảm nhiều gia đình, tình làng nghĩa xóm, giúp mọi người thêm yêu quý nhau”.

Bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt chia sẻ: “Không chỉ là một cán bộ tư pháp tận tâm, anh Thảo còn thường xuyên trau dồi kiến thức qua các khóa học của Học viện tư pháp ngoài giờ. Từ sự nỗ lực nâng cao trình độ đã giúp anh thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là trong công tác hòa giải tại địa phương.

* * *

Những mâu thuẫn trong cuộc sống, có thể lúc bắt đầu đơn giản, nhưng do không được quan tâm giải quyết kịp thời nên đã nhanh chóng trở thành phức tạp, thậm chí là nguyên nhân xuất hiện những “điểm nóng” về khiếu kiện. Hòa giải viên ở cơ sở là một “nghề”. Cùng với việc có kiến thức pháp luật thì sự tận tâm trong công tác cũng như uy tín tại địa phương là một trong những yếu tố không thể thiếu đối với người hòa giải viên.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết