18/12/2014 - 09:22

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2014) VÀ 25 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2014)

Chuyện về những anh hùng bình dị

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tình nguyện giúp bạn Campuchia, thành phố Cần Thơ có 23 cá nhân vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND). Trở về đời thường, nhiều cô, chú tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, chăm lo cho đồng đội, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ... Cuộc gặp gỡ một số AHLLVTND cùng những hồi ức về một thời hào hùng của họ giúp thế hệ đi sau hiểu và trân trọng hơn giá trị cuộc sống thanh bình, no ấm hôm nay.

Bài 1: Một đời ngay thẳng, kiên trung

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) - Người anh hùng một thời từng khiến Tiểu đoàn Cọp Đen của Ngụy khiếp vía khi nghe nhắc tên, xuất hiện trong bộ quần áo xanh bình dị đã bạc màu, với cái vẻ ung dung tự tại, hệch hạc của một lão nông tri điền Nam bộ. Chỉ cái ao sau nhà, chú cười bảo: “Chú định kéo lưới bắt mấy con cá để sên lại cái mương. Cuối tuần tranh thủ giúp bà xã chút việc nhà, chứ ngày thường thì chú đi suốt…”. Chú là vậy, nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi khi biết có những đồng đội đời sống còn khó khăn…

Sát cánh cùng đồng đội

Nhiều lần tôi được nghe chú Ba kể về những kỷ niệm, những trận đánh đáng nhớ trong kháng chiến chống Mỹ, về Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) anh hùng. Tôi luôn bị cuốn hút vào những câu chuyện của vị tướng tuổi 74, tóc bạc phơ, gương mặt hiền từ, lúc cười sảng khoái, lúc mắt rưng rưng khi nhắc đến những đồng đội thân thương. “Chú Ba là người lính trưởng thành từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, được chỉ huy tạo điều kiện cho đi học để trở thành sĩ quan sau này. Vì vậy, cả đời chú luôn gắn bó với đồng chí, đồng đội…” - chú Ba tâm sự. Gắn bó với đồng đội nên năm 1971, chú được cấp trên đưa đi học ở Trung ương cục Miền Nam (Tây Ninh) nhưng chú cứ nấn ná ở lại tới 10 ngày. Chú cho rằng nhờ vậy mà chú được sát cánh với đồng đội đối đầu với địch khi chúng tấn công vào nơi đóng quân của TĐTĐ ở Chày Đạp (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Cũng là trận thứ ba giữa TĐTĐ và địch nổ ra tại đây. Chú nhớ lại: Sáng ngày 16-3-1971, địch hành quân vào Chày Đạp thì bị Đại đội 23 chặn đánh nên rút về Rạch Gòi và cho Tiểu đoàn Bảo an 479 đổ quân bằng trực thăng tiếp tục tấn công ta. TĐTĐ dưới sự chỉ huy của đồng chí Hà Phương đã kiên trì giữ đội hình, nổ súng đánh địch cả ngày. Trận này, địch thiệt hại gần 100 tên. Suốt trận đánh, chú Ba liên tục nhắc nhở anh em giữ vững trận địa, bàn bạc cách đánh cùng đồng chí Hà Phương. Rồi chú cũng ôm súng, xung phong đánh địch như anh em. Chú tâm sự: “Lúc đó chú đã bàn giao nhiệm vụ chỉ huy cho anh Hà Phương. Cũng như các anh Tư Đơ, Bành Tửu, Sáu Minh…anh Hà Phương lên làm chỉ huy cũng có nết đánh địch như mấy anh chỉ huy trước. Chú ưng bụng lắm”.

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (bìa phải) thăm lại nơi thành lập Tiểu đoàn Tây Đô (xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).
Ảnh: PHẠM TRUNG
 

Hơn 40 năm sau, nhắc kỷ niệm cũ, mắt chú rưng rưng khi nhớ về đồng đội. Hồi đó, chú nấn ná muốn đi học cũng vì tình hình rất ác liệt, TĐTĐ bị địch vây đánh liên tục, sống chết đối với người lính TĐTĐ chỉ thay đổi trong vài giây. Chú không sợ chết nhưng sợ thấy đồng đội mình hy sinh. “Chú và anh Sáu Đạo cùng xung phong truy kích địch, mới chạy một đoạn ngắn thì anh Sáu trúng đạn. Anh Sáu có trình độ cao, giỏi phán đoán tình hình địch, anh em đơn vị ai cũng quý. Anh vừa được lệnh chuyển từ bộ phận thông tin của tiểu đoàn sang làm chính trị viên Đại đội 23 thì hy sinh. Cuối trận đánh, thêm đồng chí Bảy Thẹo hy sinh khi trèo lên cây rơm quan sát, bị địch bắn…”. Nhắc chuyện xưa, chú lại lấy tay lau nước mắt…

Trong 11 năm kháng chiến chống Mỹ, các đơn vị thuộc TĐTĐ đã tác chiến trên 400 trận lớn, nhỏ. Trong đó chú Ba đã tham gia 2/3 các trận đánh của TĐTĐ. Trong đó có các trận đánh tiêu biểu, gây tiếng vang lớn như: trận Áng Khám - Ông Hào (tháng 6-1965); trận tấn công tiêu diệt đồn Vàm Xáng thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (9-1965), cuộc tiến công vào thành phố Cần Thơ trong Tết Mậu Thân 1968…Tuy nhiên, trận đánh ấn tượng nhất với chú là trận Chày Đạp lần thứ 2 - cách ngày thành lập TĐTĐ 3 tháng. Bởi sau trận này, chú có tên gọi Ba Ngay. Đầu năm 1964, chú Ba giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 23 (một trong những đại đội về sau hợp thành TĐTĐ). Ngày 24-3-1964, địch đánh vào Chày Đạp. Lúc này, đồng chí Dương Tử (Đại đội trưởng Đại đội 23) cho thành lập tổ 3 người phòng ngự, kiên quyết tổ chức đánh địch dù chúng có tới 1 tiểu đoàn. Sau một ngày đánh nhau với địch, ta tiêu diệt và làm bị thương 255 tên, trong đó có 5 cố vấn Mỹ. Địch bỏ chạy thì đồng chí Dương Tử ra lệnh lui quân. Vậy mà chú Ba cùng hai đồng đội vẫn hăng hái rượt địch chạy gần cả cây số, tay chú bị trúng đạn khi huơ lên hò hét anh em xung phong. Rượt một hồi thì tổ của chú bắt được 1 tên địch, thu 3 khẩu súng mang về đơn vị. “Hồi đó, chú bị thương nhưng không lui về phía sau vì muốn động viên anh em, một tay súng rút lui là thiệt thòi cho đơn vị. Bây giờ chú cũng vậy, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngừng việc đóng góp cho Ban Liên lạc Cựu chiến binh TĐTĐ dù đôi khi sức khỏe không cho phép chú đi xa nhiều” - chú Ba tâm sự.

Ban Liên lạc “ba không” và tấm lòng của người lính Tây Đô anh hùng

Câu chuyện của tôi và chú Ba tạm dừng đôi lát vì ông Huỳnh Văn Theo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đến nhờ chú hỗ trợ cất nhà cho một CCB ở xã, từng là lính TĐTĐ. Chú Ba thẳng thắn: “Tụi bây đến đúng nhà tao nhưng…tìm trật người rồi. Chuyện xét cất nhà cửa phải gặp chú Hà Phương mới đúng để được hướng dẫn thủ tục cụ thể”. Nói rồi, chú đi tìm số điện thoại của chú Hà Phương để cho ông Theo. Ông Theo cho biết, năm nay Hội CCB xã có 3 hội viên được Ban Liên lạc CCB TĐTĐ tặng nhà. 12 năm qua, nhà chú Ba trở thành địa chỉ quen thuộc của các CCB. Chú Ba bồi hồi kể tiếp: “Hồi chưa về hưu, chú đi công tác thấy nhiều đồng chí từng chiến đấu ở TĐTĐ cuộc sống còn khó khăn quá. Có nhiều bà mẹ có con trai là liệt sĩ sống rất vất vả, nhiều chị thay chồng đã hy sinh nuôi đàn con nheo nhóc. Suy nghĩ hoài mà không biết cách nào để giúp đỡ cho đồng đội, người thân đồng đội…”. Năm 2001, được nghỉ hưu, chú tập hợp các đồng đội cũ bàn thành lập Ban Liên lạc CCB TĐTĐ. Được sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2002, Ban Liên lạc đã tổ chức họp mặt lần đầu với gần 300 CCB. Thấy các CCB quá khó khăn, lãnh đạo tỉnh đã hỗ trợ cho một khoản tiền kha khá. Thế là Ban liên lạc cất căn nhà đầu tiên cho anh Tư Nhâm ở tỉnh Hậu Giang, đâu chừng 7 triệu đồng.

Từ một căn nhà trị giá vài triệu đồng hồi mới thành lập, đến nay, chú Ba cùng các thành viên Ban Liên lạc vận động cất gần 600 căn Nhà đồng đội. Riêng năm 2014 vận động cất 60 căn (mỗi căn trị giá 40 triệu đồng). Hồi mới thành lập Ban Liên lạc, anh em nói vui với nhau rằng đây là Ban Liên lạc “3 không” (không quyền, không tiền, không trụ sở). Vì vậy, mọi người cố gắng vận động, đóng góp để có thể giúp đỡ nhiều CCB có hoàn cảnh khó khăn. Giữ vai trò Trưởng Ban liên lạc với trên 3.700 thành viên, cuộc sống của chú luôn bận rộn mỗi ngày.

Gia đình chú có gần 7 công đất vườn. Cứ 5 giờ sáng, chú thức dậy pha trà uống rồi đi làm vườn. Ngoài diện tích đất trồng vú sữa, bưởi, xoài, mít…chú Ba còn nuôi cá, nên có hôm làm một mạch tới 5 giờ chiều. Nghe tôi hỏi về huê lợi, chú Ba cười hiền: “Thu nhập của chú không hình dung được đâu. Chú chỉ bán cho có, vừa bán vừa cho. Như 40 cây vú sữa trong vườn nè, cho người ta hái trái suốt 1 tháng nhưng chú chỉ lấy 4 triệu rưỡi thôi. Bán cho người ta lời mà. Quan trọng là mùa nào cũng có trái cây để tặng đồng đội, bà con…”. Từ kinh nghiệm làm vườn nhà mình, chú tìm những mô hình hay để giúp đồng đội cải thiện đời sống. Cây nào ở vườn nhà không có thì chú…đi xin để cho. Mới đây chú xin 200 nhánh chanh và 100 nhánh ổi cho một CCB tên Đấu ở Hậu Giang để đồng đội trồng. “Thằng Đấu là thương binh, nhà nghèo lắm nên giúp được cái gì là chú và Ban Liên lạc giúp hết mình. Điều chú băn khoăn nhất hiện giờ là tặng căn Nhà đồng đội rồi thì anh em có thoát nghèo bền vững được không, khi mà nhiều người không có tư liệu sản xuất. Rồi con cái của anh em có được đi học đàng hoàng? Chú trăn trở lắm. Nhiều đêm chú không ngủ được…” - chú Ba tâm sự.

Chia tay vị tướng anh hùng, tôi cứ nhớ vẻ đăm chiêu trên gương mặt hiền từ và những trăn trở của chú về cuộc sống của những CCB còn khó khăn. Giờ thì tôi hiểu vì sao nhiều đồng chí, đồng đội của chú luôn nhắc đến cái tên “Ba Ngay” với sự trìu mến, trân trọng đến vậy.

(Còn tiếp)

Bài 2: Càng đánh, càng trưởng thành

Chia sẻ bài viết