22/05/2022 - 12:00

Chuyện về một ngôi chùa trên đất Vị Thanh 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chùa Phổ Minh (tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực 1, phường IV, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) vừa được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ngôi chùa không chỉ mang dấu ấn thuở khẩn hoang lập nghiệp của vùng đất mà còn là nơi nuôi chứa cán bộ, con em của cán bộ làm cách mạng thời kháng chiến.

Lối vào chùa Phổ Minh. 

Từ trung tâm TP Vị Thanh, trên trục đường Võ Nguyên Giáp qua cầu Xà No, rẽ trái là vào đường Nguyễn Thị Minh Khai. Men theo rạch Ngò Om, chạy một đoạn ngắn là tới chùa Phổ Minh. Ðường vào chùa rợp mát với hàng cau che bóng, trong sân chùa, dẫn lối vào chánh điện là hai hàng tượng Bồ Tát hóa thân rất ấn tượng. Không gian yên ả, thanh bình trong tiếng kinh văng vẳng của chùa tạo cho khách hành hương cảm giác bình yên.

Nói về lịch sử chùa Phổ Minh, người được nhắc đến nhiều nhất là ông Cố Ba. Ông là người sáng lập, có công gầy dựng chùa cũng như khẩn hoang, lập nghiệp cùng con cháu, dòng họ trên vùng đất Ngò Om - Tràm Cửa. Từ lời kể của người dân địa phương và qua tài liệu của nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, ông Cố Ba tên thật là Huỳnh Văn Tiểng, sinh năm 1870, không rõ quê quán nhưng ông là một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Sau khi đã yên ổn nơi vùng đất mới, ông Cố Ba tiếp tục đưa dòng họ về đây lập nghiệp, an cư. Ðến nay, phần nhiều hộ dân sống xung quanh chùa Phổ Minh là con cháu của ông Cố Ba.

Trên vùng đất Ngò Om, ông Cố Ba lập ra Phổ Minh Phật Ðường, theo Minh Sư đạo. Ðây là mối đạo gắn liền với phong trào Ðông Du, trải dài từ Bắc chí Nam, ở Cần Thơ đến nay vẫn còn di tích Nam Nhã Phật Ðường (quận Bình Thủy). Có thể thấy, việc ông Cố Ba lập Phổ Minh Phật Ðường ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, không nằm ngoài giềng mối truyền bá tinh thần yêu nước, hưởng ứng phong trào Ðông Du, chống thực dân Pháp xâm lược. Ðến nay, thân thế của ông Cố Ba vẫn còn nhiều bí ẩn, chỉ biết ông là vị đạo sĩ giỏi nghề thuốc, trị bệnh giúp người, giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp, với những cuộc chu du bí ẩn, chưa được giải mã.

Sau khi Phổ Minh Phật Ðường được kiến tạo, ông Cố Ba cùng với người trong dòng họ đẩy mạnh khai khẩn đất đai, trồng cây ăn trái để nhà chùa có huê lợi. Nhờ vậy, từ ngôi Phổ Minh Phật Ðường ban đầu cất bằng tre lá, ông Cố Ba đã cất chùa khang trang, theo kiểu nhà sàn, nhìn ra 4 hướng rất thông thoáng. Ngoài chuyện Phật sự, Phổ Minh Phật Ðường còn kiêm vai trò như một nhà thuốc Bắc, chẩn bệnh (điều này cũng tương tự như các cơ sở Minh Sư đạo buổi đầu thành lập, mà Nam Nhã Phật Ðường ở Cần Thơ là điển hình). Nhờ vậy, tài năng, đức độ của ông Cố Ba cũng như danh tiếng Phổ Minh Phật Ðường ngày một vang xa.

Sau khi ông Cố Ba cỡi hạc về trời, những người đồng đạo và cũng là thân tộc của ông tiếp nối truyền thống, tiếp tục phát trương Phổ Minh Phật Ðường. Ðó là ông Cố Năm (Nguyễn Văn Chơn), cô Hai Ðáng (Nguyễn Thị Ðáng)... Năm 1949, nhà chùa công bố tờ “giao đất cho chùa” do ông Cố Ba và ông Cố Năm lập, như một kiểu di chúc, nội dung rằng: “Nay anh em tôi đã lớn tuổi rồi, nên xin giao đất lại cho hiệu chùa đứng tên, hiệu chùa là “Phổ Minh Phật Ðường”... Con cháu chúng tôi không được tranh giành miếng đất này do hai anh em tôi tạo dựng, để cho người tu hành hưởng huê lợi. Chừng nào không có người tu, thì đất này giao cho Chính phủ...”. Tờ giao đất cho chùa minh chứng nội dung quan trọng là hiệu chùa “Phổ Minh Phật Ðường” cũng như tạo cơ sở pháp lý cho thửa đất do ông Cố Ba và dòng họ tạo dựng, giao lại cho chùa.

Ðến năm 1951, ông Cố Năm qua đời, cô Hai Ðáng tiếp tục trụ trì chùa. Cô Hai Ðáng không chỉ làm phát trương Phổ Minh Phật Ðường mà còn tích cực tham gia trực tiếp, gián tiếp các hoạt động ủng hộ cách mạng, nuôi chứa nhiều con em của liệt sĩ, cán bộ cách mạng ngay dưới mái chùa này. Ðến năm 1968, cô Hai Ðáng bàn giao Phổ Minh Phật Ðường về cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Chương Thiện, hiệu chùa được đổi tên là Phổ Minh, giữ cho đến ngày nay.

Từ Phổ Minh Phật Ðường đến chùa Phổ Minh, ngôi chùa ghi đậm dấu ấn khai hoang, lập nghiệp của vùng đất Ngò Om - Tràm Cửa nói riêng, Vị Thanh nói chung. Ngôi chùa còn là địa chỉ đỏ, đùm bọc, chở che cán bộ cách mạng và con em của họ. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, chùa có cả hầm bí mật ngay trong chánh điện, khu vườn giúp nhiều lượt cán bộ tạm lánh. Cô Hai Ðáng còn xây cho mỗi Cô (tu sĩ nữ trong chùa, cách gọi của Minh Sư Ðạo) một am riêng, tránh tai mắt địch, dễ bề liên lạc, giúp đỡ cách mạng. Sau khi chùa lấy hiệu Phổ Minh, nhà sư trụ trì Huệ Giác tiếp tục hoạt động nuôi chứa cán bộ và nuôi dưỡng con em của họ. Nhiều cán bộ từng được nhà chùa che chở thời đạn bom ác liệt như Lê Hiền Tài (Quân y Quân khu 9), Lê Việt Hùng (sau này là Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ)... Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhiệm kỳ 2010-2015, được cha ông là ông Nguyễn Văn Ðường gửi vào chùa Phổ Minh tu học vào năm 1971-1973, với pháp danh Phước Hậu. Sau khi cha ông Nhơn hy sinh, ông lại thoát ly theo kháng chiến, phấn đấu và trưởng thành. Chùa Phổ Minh cũng là điểm ra mắt Chính quyền Cách mạng khu vực 1 thị xã Vị Thanh sau khi Vị Thanh được giải phóng năm 1975.

Một câu chuyện khác là về bà Trần Thị Loan (tự Út Loan), em cô Hai Ðáng và cháu gọi ông Cố Ba bằng chú. Bà Út Loan tham gia cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bà Út Loan kết hôn với ông Trần Hữu Thành, lúc bấy giờ trong tổ chức Thanh niên địa phương. Hai vợ chồng trẻ hăng hái làm cách mạng, vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm. Rồi những người con lần lượt ra đời, do đặc thù công tác, họ gửi con vào chùa Phổ Minh, cho cô Hai Ðáng săn sóc. Có thời gian ông Thành bị địch bắt, đày ra Côn Ðảo (1957-1961), rồi sau này ông hy sinh (1972, khi đang là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Giải phóng huyện Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá), bà Út Loan cáng đáng việc nước, việc nhà. Trong 7 người con của bà Loan và ông Thành, nhiều người từng được gửi vào chùa Phổ Minh, sau này đều phấn đấu và thành đạt, làm rạng danh gia tộc. Người con lớn Trần Thủy Cần nguyên là Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang; người con thứ ba là Trần Thanh Kiệm, là phu nhân của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; người con thứ tư Trần Quốc Liêm là Thiếu tướng, Tổng Cục Phó Tổng cục An ninh, Bộ Công an...

-----------------------

Tư liệu tham khảo: Bài viết có tham khảo quyển “Di tích Lịch sử - Văn hóa Chùa Phổ Minh Vị Thanh” do nhà nghiên cứu Nhâm Hùng biên soạn, ấn hành tháng 4-2022.

Chia sẻ bài viết