26/04/2008 - 22:02

Chuyện về cây dừa Bến Tre

Vườn dừa Bình Phú (Bến Tre). Ảnh: CHU MÃ GIANG

Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa hay xứ ba đảo dừa xanh. Có thể thấy trong số các loại cây trồng trên đất vườn ở Bến Tre, cây dừa chiếm vị trí hàng đầu, dẫn đầu về diện tích dừa trong cả nước. Dừa là một trong những loại cây công nghiệp dài ngày đã tìm được mảnh đất phát triển lý tưởng trên ba dải cù lao.

• Dừa trong đời sống tinh thần:

Cây dừa Bến Tre có tự thuở nào, đến nay vẫn chưa được khẳng định, nhưng:

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre,

Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày.

(Ca dao Bến Tre)

Hoặc:

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre,

Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang.

(Ca dao Bến Tre)

Cây dừa đã đi vào văn thơ như lời tự tình của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân trong bài thơ “Dừa ơi” (trích trong bài thơ Dừa ơi - tháng l-1966).

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ

Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ

Cứ mỗi chiều nghe dừa ru trước gió

Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

Nội nói: “Lúc nội còn con gái

Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân

Đất này xưa đầm lầy chua mặn

Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”

Và lại hỏi:

Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi

Mà lá tươi xanh mãi đến giờ

Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi

Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua...”

Có lẽ do tính chất “Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ” đã tạo cho người Bến Tre vừa dịu dàng thướt tha như “... tóc dài bay trong gió...” vừa mạnh mẽ “... như nước lũ tràn về...” và có lẽ chính điều đó đã tạo dựng nên cuộc “Đồng khởi long trời”, góp phần làm rạng danh xứ sở.

• Dừa trong đời sống vật chất:

Cây dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập cho người Bến Tre từ trái dừa và các phụ liệu khác, thân cây dừa còn là loại gỗ chủ yếu không chỉ dùng để làm nhà, đóng giường ngủ, làm hàng gia dụng, bắc cầu vì gỗ dừa bền chắc không thua kém các loại gỗ cây rừng. Gỗ dừa có thể sử dụng đến vài ba chục năm. Ngày nay, gỗ dừa còn tạo ra hàng trăm loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng gia dụng bán cho khách du lịch và xuất khẩu. Cọng lá dừa và mo nang... nếu như trước đây chỉ để nhóm lửa hoặc để bó chổi quét nhà, ngày nay cọng lá dừa tươi thì dùng đan giỏ hoa, giỏ tặng phẩm; cọng mo nang bện đan các loại lồng đèn trang trí nội thất..; gáo dừa làm than hoạt tính và là nguyên liệu làm nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ. Hiện nay cây dừa được khai thác rất triệt để, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, tạo công ăn, giải quyết việc làm cho người lao động ở Bến Tre.

• Dừa phục vụ chiến đấu chống giặc, giữ làng:

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thân cây dừa là một vật liệu quan trọng được sử dụng trong việc xây hầm tránh bom đạn ở quê hương Đồng khởi. Sau Đồng khởi 1960, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Giồng Trôm từng sử dụng nhiều thân cây dừa dài hơn 10 mét kết thành bè, thả trôi sông đánh sập cầu Bình Chánh, cắt đứt huyết mạch giao thông trên tỉnh lộ 26 nối liền thị xã Bến Tre đến huyện Giồng Trôm- Ba Tri (nay là tỉnh lộ 885), ngăn và làm chậm bước tiến của quân thù từ thị xã Bến Tre đến các tiểu vùng 1, vùng 2 của huyện Giồng Trôm và huyện Ba Tri. Ngọn dừa lão làm trạm gác giặc, làm cột treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phía dưới cán cờ gài trái nổ- đánh rơi trực thăng Mỹ v.v... Thân cây dừa trên các trục đường liên xã, liên ấp trong kháng chiến được sử dụng để kẻ chữ, dán áp-phích tuyên truyền cổ động chính trị thường xuyên và những ngày có ý nghĩa chính trị lịch sử trọng đại...

Trong những năm đầu hòa bình lập lại, tuy đôi lúc bị đối xử “ tệ bạc”, hay bị “ bỏ bê, chê trách”, nhưng nhìn chung dừa vẫn luôn giữ vị trí hàng đầu trong các loại cây trồng và đặc biệt, trong lịch sử phát triển của vùng đất cù lao. Cây dừa không chỉ là niềm tự hào, mà còn luôn chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức các thế hệ người Bến Tre.

• Dừa trong đời sống

Trong dân gian thường chia dừa thành hai tên gọi: dừa ta và dừa Xiêm. Dừa ta là giống dừa bản địa trái to, cơm dừa là nguyên liệu chính; dừa Xiêm (Thái Lan) là giống dừa có nguồn gốc nhập ngoại, trái nhỏ, vỏ xanh, chủ yếu dùng nước để giải khát. Ngoài dừa Xiêm còn dừa Tam Quan, trái nhỏ, vỏ vàng, nước là nguyên liệu không chỉ để giải khát, mà còn được sử dụng làm nước sắc thuốc chữa nhiều chứng bệnh nan y. Còn loại dừa ẻo, trái tuy nhỏ nhưng sai trái hơn dừa Xiêm, dừa Tam Quan, vỏ màu nâu xám hoặc xanh, nước dừa là nguyên liệu chính... thật phong phú.

Dừa ta có hai loại cơ bản: dừa dâu và dừa bung. Dừa dâu trái nhỏ, vỏ mỏng, trái sai, cơm dầy, dừa dâu có thể khai thác như dừa Xiêm khi được giá. Dừa bung trái to, vỏ dầy, gáo lớn, cơm dầy, trái thưa, có lợi khi cân ký (ngày xưa, người nông dân thường chọn những trái dừa (còn gọi là quả dừa) bung to, tròn đều để tạo vỏ bình trà, hoặc sử dụng gáo dừa làm gáo múc nước).

Hàng tháng đến kỳ bẻ dừa (còn gọi là đến lứa dừa), chủ vườn mướn thợ giật dừa (còn gọi là bẻ dừa) đến giật những quả dừa khô và dừa rám. Dừa rám là loại dừa vỏ ngoài còn xanh, nhưng bên trong xơ dừa đã vàng rám, dùng tay lắc mạnh nghe nước kêu “rổn rảng”, loại dừa này được xếp vào loại dừa khô, nếu chưa nghe rổn rảng gọi là dừa “ọc ạch”, loại dừa này cơm chỉ vừa dầy, độ béo chưa cao, loại “ọc ạch” được xếp vào loại dừa cứng cạy (không bẻ lứa này mà chừa lại lứa sau).

Dụng cụ dùng để bẻ dừa gọi là cây sào. Cây sào thân làm bằng loại tre Tàu thẳng, được chọn lựa kỹ càng, cây không bị thẹo, giao lóng. Sau khi đốn hạ, róc nhẵn lóng mắt phơi khô, trên ngọn sào buộc lưỡi bằng thép bén dùng để bẻ (gọi là câu liêm). Nếu bẻ nguyên quày (bẻ nguyên buồng) gọi là siết quày. Chỉ có những người thợ giàu kinh nghiệm mới dám siết quày, nhất là dừa lão. Sào giật dừa có độ dài ngắn phù hợp với độ cao thấp của dừa, nhưng thường được phân chia thành hai loại: loại sào dừa tơ và loại sào dừa lão. Loại dừa tơ có độ cao từ 10m trở lại; loại dừa lão cao từ 10m trở lên (trường hợp dừa lão cao hơn khả năng người thợ, chủ vườn dừa phải nhờ thợ leo bẻ dừa).

Dụng cụ dùng để lượm dừa gọi là cây chĩa. Thân cây chĩa được làm bằng loại tre tầm vông gọi cán chĩa dài từ 2,50m trở lên. Mũi chĩa có hai phần, phần dùng để chĩa và phần dùng để móc. Gốc cán chĩa được tra vào chiếc khâu (còn gọi là đai) bằng sắt, mục đích là giữ không cho nứt - bể khi tra mũi chĩa vào. Mũi chĩa được tra vào giữa gốc cán chĩa.

Dụng cụ dùng để lột dừa (dụng cụ tách vỏ dừa khỏi gáo dừa) gọi là cây nầm. Cây nầm gồm lưỡi nầm và cán nầm. Cán nầm được làm bằng loại gỗ tròn, cứng chắc, thường làm bằng gỗ mù u, dài khoảng 0,8m- 1m; đường kính khoảng 0,10m. Phần gốc cây nầm vót thon nhọn, phần trên vót thon vừa với khâu nầm, lưỡi nầm bằng sắt dẹp, thon bầu thon như mầm lá, được tra vào giữa khâu nầm. Trước khi lột dừa phải xóc nầm vào đất, việc xóc nầm tùy thuộc thói quen của người thợ lột dừa, có thể xóc hơi xiên, có thể xóc đứng, có thể thấp, có thể cao vừa tầm. Trước khi xóc nầm, dùng lưỡi nầm đào một lỗ tròn vừa với cán nầm gọi là lỗ nầm, kế tiếp nhúng gốc nầm vào nước và dùng lực của hai tay xóc vào lỗ nầm. Nhúng nước vài ba lượt, xóc vài ba lần sao cho lưỡi nầm vừa ngang với thắt lưng trở xuống là được. Khi lột, một gối chịu lực tại điểm dưới khâu nầm, chân sau duỗi thẳng gối về sau, khi lột xóc trên lưỡi nầm phần giáp giới giữa mầu và gáo dừa, một tay chịu lực gần mầu dừa (mầu dừa là phần gần cuống dừa), tay còn lại chịu lực giữa trái dừa, dùng lực nhấn mạnh tách vỏ dừa khỏi gáo dừa, phần vỏ còn lại thực hiện như thế cho đến kết thúc (khó nhất là miếng vỏ tách lần đầu, do đó, có thể dùng cả hai tay để chịu lực khi tách vỏ).

Có hai cách lột dừa: lột dừa gáo (còn gọi là lột dừa miễn) là khi lột dừa, lột hết vỏ dừa chỉ còn gáo dừa và lột dừa “ba-da” là khi lột không lột sạch mà chừa mầu và xơ dính trên gáo dừa.

Dụng cụ dùng để nạy cơm dừa khỏi gáo dừa gọi là mắc cạy. Mắc cạy gồm có lưỡi và cán. Cán được làm bằng gỗ cứng, tròn vừa nắm tay, dài khoảng 0,50m; lưỡi mắc cạy cong như cổ cò, dài khoảng 0,30m- 0,35m; lưỡi mắc cạy có hai phần: phần lưỡi và phần bụng (50/50), phần lưỡi mỏng cong, bề bản khoảng 30cm, phần bụng như bầu diều con cò gắn liền với cán. Mắc cạy có hai loại, loại cho người tay mặt (tay phải) sử dụng gọi là mắc cạy thuận, loại cho người tay trái sử dụng gọi là mắc cạy nghịch, ngoài đầu lưỡi mắc cạy hơi cong lên để khi cạy dễ nạy bật cơm dừa lên khỏi gáo (chiều cong hợp với tay thuận hoặc tay nghịch). Khi cạy phải cạy vòng từ ngoài vào trong, vừa cạy, vừa nạy. Có thể dùng lưỡi mắc cạy cắt chia cơm dừa thành hai hoặc bốn phần cho dễ cạy.

Dừa Xiêm thường nửa tháng cho một lứa. Người thợ bẻ dừa Xiêm không dùng sào mà dùng nài để leo (nài được se bằng dây chuối sứ khô dẻo, buộc tròn vừa khoảng cách giữa hai chân với thân cây dừa). Sau khi leo đến ngọn, người thợ leo sử dụng dây luộc luồn qua bẹ dừa trước khi buộc chặt quày định bẻ, người dưới gốc giữ mối dây để chuyền buồng dừa xuống sau khi người thợ bẻ cắt buồng, dao cắt buồng là lưỡi hái (thường bẻ dừa Xiêm phải có hai đến ba bốn... người: người bẻ, người chuyền xuống, người vác gom thành đống). Dừa Xiêm do sử dụng nước là chính, nên không có dừa khô, cũng không có dừa cứng cạy, chỉ có dừa nạo và dừa non.

Một chục dừa là 12 trái (bằng 6 đôi), một trăm dừa là 120 trái (bằng 60 đôi).

Cây dừa trong quá trình phát triển trên đất cù lao Bến Tre đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của nhân dân góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của đất và người Bến Tre.

Vườn dừa Bến Tre ngày nay nhìn chung đang phát triển theo hướng vườn sinh thái gắn với văn hóa với đa chủng loại cây trồng, cho hiệu quả cao, có sức hấp dẫn du khách khi đến với vườn dừa Bến Tre.

LƯ HỘI

Chia sẻ bài viết