28/07/2019 - 12:47

Chuyện ở Miễu Ông 

Miễu Ông là một địa danh dân gian ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ðó là tên một ngôi miếu(*), một cây cầu, một con rạch và một ngôi chợ khá sung túc, nằm gần trụ sở UBND phường Long Tuyền. Chẳng rõ tên gọi Miễu Ông có tự bao giờ nhưng đã đi sâu vào ký ức của người dân bản địa với đong đầy niềm tin và lòng yêu mến xứ sở, quê hương.

Ngôi Miếu Ông Hổ. Ảnh: DUY KHÔI

Đến Miễu Ông, tôi lại bồi hồi nhớ người bạn vong niên đã khuất - nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Vĩnh, tự thầy giáo Vĩnh, dân cố cựu của xứ Long Tuyền. Ông rất đam mê nói về chuyện xưa tích cũ ở làng quê mình. Mấy bận lên chơi, ông mải mê lý giải mấy sự tích về địa danh Bà Chủ Kiểu, Ông Đội, Ông Kinh, Ông Dựa, Ông Tường… Mấy địa danh thân thương đó, nhỏ thôi, có khi chẳng đi vào sử sách, chẳng là địa danh hành chính, nhưng để thương để nhớ cho biết bao người. Ai xa quê, ai tha phương mưu sinh, một lần nghe về tên gọi quê mình, nước mắt lại rưng rưng.

Anh Trần Thanh Trúc- người vừa phát tâm tôn tạo ngôi miếu - đứng trước cổng miếu Ông Hổ. Ảnh: DUY KHÔI

Trong những địa danh thầy giáo Vĩnh lý giải, ông ấn tượng nhất vẫn là địa danh Miễu Ông. Với ông, đó không hẳn là một huyền thoại mà là một câu chuyện ghi nhớ thời mở đất của tổ tiên, gợi nhớ thuở rừng hoang, lau sậy. Để bây giờ đến với Long Tuyền, chuyện xưa như một thanh âm, càng nghe càng thấy hay. Chuyện rằng, xưa kia nơi đây còn âm u, rừng rú, cọp đến ở rất nhiều. Cọp phá phách, đe dọa cuộc sống, lắm khi còn phương hại sinh mạng của bà con. Bà con khiếp nhường gọi cọp là “Ông”. Vậy nhưng, Ông Cọp thì cứ bách hại bà con hoài. Rồi một đêm trăng nọ, ở mỏm đất nhô ra phía đầu ngọn rạch, người dân thấy Ông Cọp Rằn - một con cọp từng lai vãng, phá phách xóm làng tử chiến với Ông Cọp Trắng - một con cọp chẳng rõ từ đâu mới đến. Hai Ông tử chiến suốt một đêm dài, rồi cả một ngày sau, tưởng như “trời long đất lở”.

Ông Văn Thiết Phú nhiều năm qua lặng thầm trông coi, chăm sóc, nhang khói tại ngôi miếu. Ảnh: DUY KHÔI

Trận chiến kết thúc mà chẳng Ông nào thắng, cả hai Ông đều bỏ mạng. Người làng Long Tuyền với lòng nhân ái, bao dung, lại vốn khiếp nhường Ông nên mang xác hai ông chôn cất đàng hoàng. Mấy hôm sau, có người trong làng chiêm bao thấy hai Ông về báo mộng rằng, hai Ông vốn là người nhà trời, phạm thiên giới nên bị đày, giờ đã mãn hạn. Hai Ông bày tỏ ăn năn vì những chuyện đã gây ra với dân làng và hứa sẽ phù hộ cho dân làng phong điều vũ thuận, bình an, sung túc. Quả là vậy thật, đời sống bà con từ đó trở nên ấm no. Cảm kích hai Ông, dân làng đã lập miếu thờ, tục gọi miếu Ông Hổ.

Theo nhiều tài liệu và lời kể của người dân Long Tuyền, từ thời Pháp thuộc, cạnh miếu Ông có dựng nên một ngôi chợ nhỏ, dần mở rộng quy mô, gọi là chợ Miễu Ông. Chợ Miễu Ông bây giờ vẫn còn. Con rạch sát Miễu Ông chạy dài vào tận Giai Xuân, Phong Điền được bà con đặt tên là rạch Miễu Ông. Chiếc cầu bắc ngang con rạch, nối thông đường Bùi Hữu Nghĩa bây giờ, cũng được gọi là cầu Miễu Ông. Dù không phải là một địa danh hành chính nhưng Miễu Ông lại biểu thị cho một vùng đất rộng lớn, nhắc đến nhiều người đều biết. Bấy nhiêu tên gọi cũng cho thấy bà con yêu mến và ấn tượng sâu sắc với giai thoại địa danh Miễu Ông.

Chúng tôi gặp ông Văn Thiết Phú, 61 tuổi, người đang trông giữ ngôi miếu này. Nhà ông Phú ở chợ Miễu Ông nên hằng ngày ông đều lại miếu để quét dọn, hương khói cho Ông. Ông Phú nói rằng, trước đó, người bác ruột của ông lãnh phần trông coi ngôi miếu. Điều này khiến ông lấy làm vinh hạnh. Ông Phú kể, nếu so với tuổi thọ những người biết sự tồn tại của ngôi miếu thì miếu có tuổi đời từ 120 năm trở lên. Bà con ở đây tín cẩn Ông lắm, mỗi ngày đều có người lại thắp nhang, cúng kính cho Ông rất thành khẩn. Đặc biệt, mỗi năm đáo lệ một lần là vào ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch, miếu Ông diễn ra lễ cúng rất long trọng. Theo lời ông Phú, không chỉ bà con xung quanh mà đông đảo bà con từ khắp các địa phương, thậm chí cả bà con kiều bào quê Bình Thủy cũng gởi lòng thành cho ngày cúng Ông.

Bà Thái Thị Kim Hoàng, người dân buôn bán ở chợ Miễu Ông từ nhỏ, đến giờ ngoài 60 tuổi, đã chứng kiến bao lần thay đổi ở ngôi miếu nhỏ này. Duy có điều, mặc bao biến thiên cùng tuế nguyệt, ngôi miếu vẫn ngự trị trong tấm lòng của người dân Long Tuyền rằng “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Không chỉ bà Hoàng mà nhiều bà con tiểu thương khác hễ có gì bất trắc trong cuộc sống, va vấp trong làm ăn cũng tìm đến Ông để nguyện cầu điều tốt đẹp. Trăm năm trôi qua, ngôi miếu đã trở thành điểm tựa tâm linh, là tín ngưỡng dân gian của người dân Bình Thủy - Long Tuyền vốn mệnh danh “địa linh nhân kiệt”.

Giữa năm này có dịp về lại Long Tuyền, chúng tôi ghé thắp nén nhang cho Ông thì thật bất ngờ khi ngôi miếu được tôn tạo khang trang, bờ kè thẳng tắp, nền lát gạch sạch đẹp, hàng rào lề lối chỉn chu. Hỏi ra được hay, công trình là tấm lòng của người dân dâng cúng cho Ông. Đó là gia đình của anh Trần Thanh Trúc, nhà ở rạch Ba Cao, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cách Miễu Ông không xa. Tìm gặp anh Trúc mới biết anh là thợ chụp hình, quay phim đám tiệc. Ba anh là ông Trần Văn Hội, đã qua đời, thuở sanh tiền cũng phụ trách phần lễ nghi, trông coi ngôi miếu này. Anh Trúc chia sẻ rằng, gia đình anh phát tâm chỉnh trang ngôi miếu. Công trình trị giá hơn 52 triệu đồng, do anh em anh Trúc hùn tiền. Với anh, tôn tạo ngôi miếu không chỉ để “trả ơn” mà còn là để lưu giữ truyền thống xứ sở, một huyền tích đẹp của làng quê, là cách để giáo dục cháu con về lối sống “cây có cội, nước có nguồn”.

Từ miếu Ông Hổ nhìn ra trước mặt là kinh Lòng Ống xuôi dòng đục ngầu phù sa, ngoái bên hông là rạch Miễu Ông với nhà cửa đông đúc, phố sá thênh thang. Ngôi chợ Miễu Ông bán nhiều nông sản từ ruộng vườn Long Tuyền nên tươi xanh màu dân dã, ngon mà lành. Chất lượng cuộc sống của bà con Long Tuyền, Miễu Ông bây giờ không cách xa khu vực nội thành là mấy. Chạy xe máy vài phút đã ra đường Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt hay trung tâm quận Bình Thủy. Đô thị hóa là vậy nhưng bà con vẫn giữ cho mình nếp sống của người miệt vườn, nếp thảo thơm của người Long Tuyền xưa, mà ngôi miếu nhỏ ấy là minh chứng.

Chuyện xưa tích cũ trong làn khói hương lan tỏa đêm ngày ở miếu Ông. Đứng dưới cội bồ đề cổ thụ tàng che mát rượi, tôi nghĩ rằng: “Ôn cố tri tân” khiến người ta lớn khôn thêm!

...................................

(*): Theo nhà văn Sơn Nam trong quyển “Thuần phong mỹ tục Việt Nam”, chữ “miễu” là đọc trại từ chữ “miếu” mà ra. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi dùng chữ “miễu” khi là địa danh Miễu Ông, do đã được định danh; và dùng chữ “miếu” khi nói về ngôi miếu thờ.

Ghi chép: Ðăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết