02/08/2019 - 09:06

Chuyện nhỏ mà không nhỏ ! 

“An toàn - thân thiện - chất lượng” là phương châm của ngành du lịch Cần Thơ, nhằm từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, cả hệ thống chính trị cùng các tổ chức, cá nhân làm du lịch đã nỗ lực để tạo ra nhiều sản phẩm, đa dạng hóa các dịch vụ và từng bước đem đến nhiều thành tựu vượt bậc cho du lịch Cần Thơ. Tuy nhiên, trong quá trình đó còn những khó khăn dễ bị coi là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại gây ảnh hưởng lớn đến ấn tượng và đánh giá của du khách về du lịch Cần Thơ.

Nhiều ghe nhỏ cập vào tàu khách giới thiệu trái cây, nước uống là hoạt động thường thấy khi đến tham quan chợ nổi Cái Răng.

Nhiều ghe nhỏ cập vào tàu khách giới thiệu trái cây, nước uống là hoạt động thường thấy khi đến tham quan chợ nổi Cái Răng.

Nhiều vấn đề tồn tại

Chợ nổi Cái Răng là điểm đến nổi tiếng không chỉ của Cần Thơ mà còn của ĐBSCL. Lưu lượng khách đến chợ nổi mỗi ngày là hàng ngàn lượt, trong đó có không ít khách quốc tế. Thế nhưng nơi đây tồn tại không ít vấn đề. Du khách Ngọc Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm bạn về Cần Thơ chơi gồm 5 người lớn 2 trẻ nhỏ, thuê tàu đi chợ nổi Cái Răng và một số điểm phụ cận. Ngọc Thảo được một người bạn cho số liên hệ chủ đò, mức giá được báo là 600.000 đồng, nhưng sau đó "trả giá" còn 500.000 đồng. Ngọc Thảo, nói: “Tôi hơi bất ngờ vì việc có thể "trả giá" này. Nhưng điều khiến tôi sốc thật sự chính là hành trình tham quan. Chúng tôi đến chợ nổi và không ít ghe bán trái cây cập vào, mời dùng thử. Chôm chôm vườn loại thường họ bán đến 25.000 đồng/kg và khách muốn mua phải mua đến 4kg trong bọc sẵn. Thử rồi không mua họ lại có thái độ. Trước đó, chúng tôi có ghé ở đoạn chợ Tân An, chôm chôm thường chỉ có giá khoảng 15.000 đồng/kg, còn chôm chôm Thái thì từ 25.000-30.000 đồng/kg. Tôi cứ nghĩ trái cây trên chợ nổi thì giá phải rẻ hoặc tương đương, chứ không thể mắc hơn đến thế”. Sau đó, chủ đò đã đưa nhóm Ngọc Thảo đến một vườn cây và họ phải mất 20.000 đồng/người chỉ để đi một vòng nhìn trái cây, chứ không được có những trải nghiệm khác như giới thiệu. Ngọc Thảo nói: “Tôi cảm giác như bị lừa”.

Giống như nhóm Ngọc Thảo, nhóm của Thanh Tùng (Hà Nội) cũng có những trải nghiệm không vui vẻ gì trên chợ nổi. Thanh Tùng nói: “Đối với tôi, chợ nổi náo nhiệt và ấn tượng, nhưng giá cả ở đây khiến những du khách phải e ngại. Một tô bún, hủ tiếu có lúc giá 40.000-50.000 đồng,  trái cây cũng mắc hơn trên bờ từ 10.000- 20.000 đồng mỗi ký”. Ngoài việc giá cả trôi nổi thì chất lượng các sản phẩm trên chợ nổi cũng khiến không ít du khách e ngại. Bản thân tôi cũng đã từng dẫn vài người bạn Hàn Quốc đi chợ nổi và gặp phải tình cảnh "muối mặt". Những người bạn của tôi đã ngại ngần khi mua xoài cát trên chợ nổi với lời nhắn: phải lấy đúng loại mà chủ ghe đã cho thử. Kết quả khi lên bờ xem lại chỉ vài trái xoài cát, còn lại là xoài dạt, xoài non trộn lẫn. Khi đó một người bạn đã hỏi tôi rằng: “Sao lại thế?”.

Sản phẩm không giống như quảng bá, giới thiệu là điều vẫn còn tồn tại ở một số điểm vườn, hay các điểm phục vụ du lịch. “Mỗi người 40.000 đồng, đoàn chúng tôi 20 người đã mất 800.000 đồng để vào tham quan vườn chôm chôm, bẻ ăn bao bụng, như thực tế vườn cây thưa thớt trái, hoàn toàn không như tôi tưởng tượng. Tình trạng vườn như thế sao có thể để khách vào và lấy tiền?”, anh Thành Trung (Hà Nội) bày tỏ bức xúc sau một chuyến tham quan vườn cây ở Mỹ Khánh, Phong Điền. Trong khi đó, tôi cũng gặp phải vài trường hợp tương tự khi giới thiệu và dẫn những người bạn tham quan Cần Thơ. Nhân một chuyến các bạn Hàn Quốc của tôi trở lại Cần Thơ, tôi đã dẫn họ đến một quán ăn có tiếng với các món ăn từng làm nên thương hiệu cho ẩm thực Cần Thơ. Từ hình ảnh bánh xèo đa sắc mà các bạn nhìn thấy trên băng rôn để ở quán, họ đã gọi món đó với tâm trạng háo hức chờ mong. Nhưng khi mang ra, chúng tôi đã sốc vì món ăn không giống như thế. Một dĩa lưa thưa ba cái, dĩa còn lại 5 cái được trang trí vài cọng đinh lăng.

Một câu chuyện khác, tuy nhỏ, nhưng khiến nhiều du khách không hài lòng khi đến tham quan nhà cổ Bình Thủy. Đây là điểm tham quan nổi tiếng, du khách đến Cần Thơ đều mong muốn "check in" và có thu phí. Tuy nhiên, rất nhiều du khách không biết đến điều đó. Du khách Khánh Linh (Hà Nội) nói: “Mình đang tham quan thì có một chú đến khều mình và thu tiền phí. Nói thật, phí tham quan không đáng kể, nhiều du khách sẵn sàng trả nhưng làm vậy thấy không chuyên nghiệp, gây ngại ngùng. Chủ nhà có thể bán vé như Nhà công tử Bạc Liêu, cứ thu ở cổng hoặc có thể để bảng tham quan có thu phí. Khách cũng thoải mái mà chủ nhà cũng không phải lo bỏ sót”.

Cần chấn chỉnh kịp thời 

Những vấn đề trên tồn tại do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức của người làm du lịch, các đơn vị khai thác và cả những du khách. Một chủ vườn ở Phong Điền chia sẻ rằng: “Chúng tôi mở cửa đón khách tham quan vườn nhưng vẫn có người của đơn vị khai thác dịch vụ đi theo, bẻ cho khách thưởng thức thoải mái. Có nhiều khách, họ bẻ tất tần tật, trái non cũng không bỏ. Vườn mình trồng mấy chục năm mới được như vậy...”. Chủ vườn này cũng cho biết có nhóm khách leo cây sầu riêng làm gãy cành mà cành này đang đậu 17 trái đã lớn. Hầu hết các nhà vườn đều mong rằng khách có ý thức cùng họ bảo vệ vườn cây hơn, như vậy thì mới cùng góp phần để hoạt động du lịch bền vững và phát triển. Anh Thành Trung (Hà Nội), cũng bày tỏ quan điểm rằng: “Tôi hiểu các điểm khó của các nhà vườn khi làm du lịch. Thực tế, du khách sẽ không ngại bỏ tiền cho các hoạt động trải nghiệm nhưng quan trọng là chất lượng dịch vụ đó có tương xứng với số tiền mà chúng tôi bỏ ra hay không. Tôi hy vọng các điểm du lịch Cần Thơ sẽ lưu ý điều này. Hình ảnh quảng bá và chất lượng sản phẩm phải đồng nhất, để du khách cảm nhận rằng họ đã bỏ tiền ra mua đúng sản phẩm”.

Đây cũng là điều trăn trở của nhiều đơn vị lữ hành khi khai thác các sản phẩm du lịch ở Cần Thơ. Bà Hồ Thị Diệu Hiền, Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, từng nhiều lần nhấn mạnh những băn khoăn này trong các kỳ hội thảo về du lịch Cần Thơ, “Cần Thơ có rất nhiều sản phẩm để chúng tôi có thể khai thác; tour, tuyến đa dạng. Chúng tôi chỉ hy vọng rằng các điểm du lịch cần chăm chút hơn, ví như cách phục vụ, hay trau chuốt hơn cho sản phẩm. Không nhất thiết quá nhiều sản phẩm, dịch vụ nhưng lại thiếu chủ điểm. Sản phẩm cần thiết phải giống về hình ảnh, chất lượng đã giới thiệu, quảng bá”.  

Sự trôi nổi giá cả ở chợ nổi không chỉ khiến ngành chức năng đau đầu mà cả chính những thương hồ trên chợ nổi cũng bày tỏ bất mãn. Cô T., chủ một ghe bán bún nổi tiếng ở chợ nổi Cái Răng, nói: “Không ai muốn vậy đâu. Để có khách đến ăn thì mấy người bán tụi tui phải chi cho các chủ phương tiện, nên giá mấy tô bún, hủ tiếu mới vậy. Tôi thì có khách hoài nên không có lo, giá đàng hoàng, còn mấy người khác thì họ cũng bất đắc dĩ...”. Trước vấn đề này, ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Cái Răng, cũng khẳng định: “Thực trạng này vẫn đang tồn tại ở chợ nổi và địa phương đã nắm tình hình, cũng nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở để các tiểu thương bán đúng giá. Ở trên các bè nổi thì giá có niêm yết rõ ràng, còn các ghe nhỏ thì khó. Khi mình kiểm tra thì lắng được vài ngày nhưng sau đó lại cứ diễn ra tình trạng này. Địa phương cũng đang tìm giải pháp để có thể quản lý được giá cả trên chợ nổi”.  

Cần Thơ đã làm rất tốt khi liên tục xây dựng ra những sản phẩm mới hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch ở Cần Thơ rõ ràng đang tồn tại những bất cập, nói ra thì có vẻ nhỏ, nhưng lại khiến nhiều du khách đánh giá thấp sự chuyên nghiệp và đồng bộ của cả ngành dịch vụ. Những vấn đề này cần được chấn chỉnh kịp thời, có những giải pháp phù hợp để du lịch Cần Thơ có thể phát triển theo đúng phương châm đã đề ra “An toàn - thân thiện - chất lượng”, tạo được môi trường du lịch lành mạnh, thoải mái cho người làm du lịch lẫn du khách.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết