18/02/2024 - 12:35

Chuyện người chèo đò 

Truyện ngắn: Nhật Hồng

Bà ngồi lặng lẽ nhìn dòng kinh âm thầm trôi thăm thẳm, gió thổi lồng lộng suốt bốn mùa mưa nắng. Ðã tám mươi mốt tuổi, đôi mắt của bà có lúc mờ đục như sương khói, nhưng vẫn sáng quắc khi nhớ từng mái chèo in trên dòng kinh. Người ta gọi bà bằng nhiều tên, trải dài theo cuộc đời của bà: bà Bảy Nước Tương, bà Bảy Dọn, cuối cùng và gắn bó nhất là bà Bảy Ðò.

Bà thường nói với lối xóm rằng đời bà không giàu nhưng may mắn có sức khỏe tốt, sống qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, và nhất là thời hòa bình, đất nước thống nhất. Mắt đã từng chứng kiến cảnh bom đạn chết chóc, giờ cũng thấy được cảnh xóm làng yên vui phát triển, thật là hạnh phúc. Mỗi khi con cháu tựu về, bà kể chuyện thời chiến tranh khổ vô cùng. Quanh năm tay không rời xa đồng ruộng. Mỗi sáng, phải nấu cơm thiệt sớm ăn cho no bụng để nghe ngóng coi có lính đi càn quét hướng nào mà tránh né, hoặc cho anh em hay, đối phó. Chiều cũng vậy, ăn cơm sớm để chuẩn bị xuống hầm trốn bom đạn vì có những trận pháo tới nửa đêm. Ngày đêm không ngớt tiếng đại bác và máy bay, không biết mình sẽ chết lúc nào, nên lúc nào cũng chuẩn bị "ăn no bụng", có chết không làm ma đói.

Hòa bình rồi, bà Bảy đi bán nước tương, nước mắm để nuôi 7 đứa con, vì ông Bảy đã qua đời. Rồi cơ duyên, bà đến với nghề đưa đò. Bà kể hôm đó trời trưa nắng gắt dòng kinh Thị Ðội nước chảy xiết, khi ghe nước tương của bà vừa tấp vô bến thì chợt thấy có học trò năm bảy đứa ngồi buồn hiu, mắt mong ngóng qua trường học. Bà hỏi trống trường đánh vô học rồi mà bây sao còn ngồi đây? Có học trò nước mắt rưng rưng, nói không có xuồng qua kinh, trễ học hoài nên mất bài hoài bà ơi... Bà thấy vậy nên mới đưa tụi nhỏ qua sông...

Không hiểu sao ánh mắt học trò ngồi chờ quá giang qua dòng kinh cứ ray rứt lòng bà Bảy, nên bà có đi bán ở đâu cũng nhớ khoảng thời gian tụi nhỏ cần qua sông cho kịp giờ vô lớp, thì chèo về bến cho tụi nhỏ tới trường. Rồi học trò quen bà Bảy, cứ sáng trưa tụ tập ở nhà bà, bà tranh thủ đưa học trò qua dòng kinh, đến lớp tới trường không bị trễ giờ.

Con kinh không rộng lắm chỉ chừng năm mươi mét thôi, nhưng cũng làm cách biệt đôi bờ khi muốn qua lại. Bên kia con kinh, là trường học. Hồi đầu thế kỷ XX, Pháp đào kinh xáng Xà No, xáng Bà Ðầm, kinh Thị Ðội này. Kinh Thị Ðội dài hơn 20km không có cây cầu nào bắc ngang qua sông. Người dân ở miệt này chủ yếu đi xuồng, ghe, lội bộ. Xã của bà nằm ở cây số thứ 7 đến 20. Học trò vùng này quen đi bộ và rất giỏi bơi lội. Vào tháng Giêng nước ròng cạn, dưới kinh chỉ còn vài mét, bọn con trai cởi quần dài lội qua sông, con gái thì ngồi đợi xuồng ai qua lại hỏi quá giang. Có khi đợi hoài không thấy xuồng qua, trễ học, đành ôm tập về nhà. Còn mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, nước ngập tràn bờ, tràn đầy nhà cửa, học trò năm ba đứa tụ lại kiếm chiếc xuồng bơi đi học. Thầy cô cũng đi bằng xuống đến trường. Ở xứ này ai có được chiếc xuồng, hoặc chiếc ghe là sang lắm. Bà Bảy may mắn có được chiếc ghe tam bản nhỏ chở được 30 giạ lúa, tương đương sáu trăm ký, là nhứt xứ. Bà Bảy dùng chiếc ghe làm phương tiện đi bán nước tương, nước mắm, giờ thành chiếc đò chở học trò qua sông tới trường.

Bà con lối xóm đôi lúc nhìn dòng kinh dài bất chợt nhớ câu ca dao "Sông dài chim cá biệt tăm…", chợ búa xa xôi, mỗi lần đi chợ rất khó khăn, đi từ sớm đến xế trưa mới về tới nhà, phải tranh thủ chuyện đồng áng dữ lắm mới gom được thời gian đi chợ. Nghề bán nước tương, nước mắm của bà Bảy rất hiếm, làm ăn có đồng ra đồng vô, nên người ta thắc mắc hỏi bà Bảy rằng buôn bán được quá, sao đổi nghề chèo đò vậy?

Bà Bảy lại kể rằng học trò thường rủ nhau tới bến nhà bà ngồi đợi vì nhà bà xéo trường học, lại có ghe. Thấy tụi nhỏ trễ giờ, cứ thắc thỏm sợ bỏ lỡ bài học, thử hỏi ai làm ngơ cho được! Ðời mình ngày xưa không được đi học, nên tiếc nuối, giờ thấy bọn nhỏ được đi học như thấy chính mình được đi học. Và tự thấy mình như có trách nhiệm không cho bọn nhỏ dốt, nên bà đi bán đâu cũng tranh thủ về đúng giờ đưa tụi nhỏ qua sông. Phụ huynh nghe chuyện bà tranh thủ mua bán đưa học trò qua sông, thì rủ nhau đến nhà động viên bà đưa đò. Cảm động vì sự hiếu học của mọi người và nhớ việc thất học của mình khi xưa, nên bà hứa.

Thế là, chiếc ghe tam bản trước đây đầy nước tương nước mắm được bà dọn sạch sẽ, lại đóng hai cái băng hai bên be ghe làm chỗ ngồi cho học trò. Thầy cô cũng đến nhờ bà đưa qua sông. Bà không lấy tiền học trò, không lấy tiền thầy cô, không lấy tiền cán bộ. Biết bà Bảy không lấy tiền nên có người tự nguyện lo chuyện trét chai cho chiếc ghe của bà Bảy mỗi khi rịn nước, hoặc giúp đỡ những phương tiện khác cho bà. Từ đó có tên là bà Bảy Ðò.

Lâu ngày chiếc ghe hư mục, bà Bảy mua xuồng chèo "năm quăng" là loại xuồng đóng miệt Chợ Mới - An Giang bằng loại cây tạp, nên gọi là "năm quăng" có nghĩa đi được chừng một năm rồi bỏ. Dù là cây tạp nhưng bà Bảy xài kỹ lưỡng chèo được vài năm. Khi có người hỏi bà Bảy đưa đò được bao nhiêu năm rồi, thì bà cũng không nhớ rõ lắm, nhưng đã qua một xác ghe bằng cây sao và 5 chiếc ghe "năm quăng", tính tròn có thể ngót
30 năm.

Chuyện mà bà nhớ được, là đưa học trò lúc mới đi học mà giờ làm tới hiệu trưởng, có địa vị, có gia đình vợ con. Rồi con của học trò nhỏ năm xưa cũng vào trường, bà lại đưa qua sông. Nơi bến sông này, bà đã chứng kiến rất nhiều đứa học trò từ lúc còn con nít nay đã thành người lớn.

Thấy bà Bảy tốt bụng đưa học trò qua năm tháng, các thầy cô chia sẻ niềm vui những ngày lễ Tết. Ngày 20 tháng 11, thầy cô không quên ghé nhà bà hỏi thăm và tặng quà. Những lúc đó bà vui rưng rưng nước mắt, hạnh phúc không nói được thành lời.

Quê hương xứ sở ngày một phát triển, xóm ấp ngày một giàu có, học trò và khách qua sông cũng ngày một đông hơn, thầy cô bàn cùng chính quyền góp tiền đóng cho bà chiếc trẹt chở được nhiều người, qua lại cho vững và an toàn, gắn máy đuôi tôm khỏi phải chèo. Một hôm trời mưa trơn trợt, bà bị trượt chân té cấn xương đùi phải nằm bệnh viện. Khi trở về, bà Bảy yếu sức, bước đi chậm chạp nên kêu con trai thay bà đưa đò. Vậy mà vẫn không an tâm, hằng ngày bà bắc ghế ngồi tại bến đò để nhắc nhở con không bỏ bê việc đưa học trò, thầy cô qua sông.

Có người nói bà lớn tuổi rồi, chắc có hơi lẫn, cứ ngồi bến sông trông ngóng từng chuyến đò qua lại. Bà đính chính rằng mỗi ngày mà không thấy được các cháu qua sông, không thấy con đò qua lại trên bến, lòng buồn rười rượi, nên bắc ghế ngồi để trông thấy con đò, thấy tụi nhỏ đi học cho lòng thanh thản! Và cũng sợ con trai bà ham chơi bỏ lỡ những chuyến qua sông, tội nghiệp học trò.

Tính ra, thời gian bà Bảy chèo đò dài bằng phần ba đời người trăm tuổi. Trên chặng hành trình qua lại của con đò, bà đã nối bước cho hàng ngàn hàng lượt học trò. Con đò giờ đã thay bằng chiếc trẹt, có gắn máy đuôi tôm, người lái đò là con trai của bà Bảy. Và bà vẫn bắc ghế ra ngồi ở bến trông coi việc đưa đón sự học thật vẹn tròn.

***

Kinh Thị Ðội dài ngót hai mươi cây số giờ đã có cầu, xa xa có đò ngang. Nắng gió suốt bốn mùa và lúc nào cũng có một bà lão luôn nặng tình đối với học trò chờ đò. Hình ảnh của bà Bảy trên dòng kinh Thị Ðội đã in sâu vào ký ức!

 

Chia sẻ bài viết