17/06/2017 - 15:54

Chuyện lạ nhặt bên sông Hoài

Hội An cổ mà không bao giờ cũ. Mặc dù đến đây nhiều lần nhưng đô thị cổ độc đáo này với tôi vẫn luôn cần khám phá, nhất là dòng sông Hoài với con phố Nhớ từng đi vào văn Nguyễn Tuân. Chuyện xưa đã đẹp đã hay, mà chuyện nay ở dòng sông nhỏ cũng rất kỳ lạ.

 Du khách tự nguyện vớt rác sông Hoài.

Nếu như thành phố Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn, Cần Thơ có sông Hậu hay Huế có sông Hương, Đà Nẵng có sông Hàn; thì Hội An có sông Hoài, một nhánh nhỏ của hạ lưu sông Thu Bồn về phía Bắc. Sông Hoài và kiến trúc phố cổ chính là hồn cốt của Hội An. Không có sông Hoài, cửa Đại, có lẽ không xuất hiện một đô thị cổ đa văn hóa với một thương cảng từng sầm uất bậc nhất châu Á hàng mấy trăm năm trước, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ngày 4-12-1999.

Nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 25km về phía Đông Nam và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50km về phía Đông Bắc, thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam nay không còn là thương cảng lớn nữa mà trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu của nước ta. Hội An cũng thường xuyên có mặt trong top đầu bình chọn điểm đến lý tưởng do các cơ quan truyền thông, du lịch có uy tín nước ngoài tổ chức. Hội An hợp cùng với Đà Nẵng và thánh địa Mỹ Sơn- cũng là Di sản Văn hóa thế giới, tạo thành tam giác du lịch, nghỉ dưỡng giàu bản sắc. Sông Hoài cũng chuyển mình theo và giữ vai trò hết sức quan trọng đối với thành phố Hội An.

Có thể nói, bên cạnh quần thể kiến trúc phố cổ thì thế mạnh đặc trưng về biển đảo và nhất là hệ thống sông ngòi của Hội An hiếm nơi nào có được. Đây là vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm- Hội An luôn thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học và du khách quốc tế. Đặc biệt, sông Hoài chảy êm đềm qua phố cổ là món quà quý giá mà tạo hóa ban tặng cho Hội An, chẳng những mang lại nguồn nước mát lành mà còn là huyết mạch giao thương, tạo nên cảnh quan thơ mộng trên bến dưới thuyền, phục vụ đắc lực cho du lịch bằng những tour sinh thái trên sông. Nếu như ban ngày sông Hoài hiện lên hình ảnh những mái chèo lướt nhẹ trên làn nước xanh in bóng phố cổ thì ban đêm lung linh ánh đèn lồng đa màu đa sắc, đặc biệt những đêm trăng phố cổ với lễ hội hoa đăng, không gian nơi đây càng lộng lẫy huyền ảo.

Khác với thành phố láng giềng Đà Nẵng khai thác quỹ đất để đổi lấy cơ sở hạ tầng làm bệ phóng cho phát triển kinh tế, Hội An lại quy hoạch, khai thác chính những giá trị văn hóa vốn có của mình để xây dựng và phát triển. Nhờ đó, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa truyền thống của Hội An chẳng những được giữ gìn, bảo lưu mà ngày càng phát huy giá trị. Sông Hoài là một trong những giá trị quý báu ấy của Hội An trong chiến lược xây dựng và phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Từng ngôi làng, con nước, ngõ phố, nhà cổ bên sông đều được cố gắng bảo tồn. Không chỉ được giữ gìn tương đối vẹn nguyên mà không gian sông Hoài luôn mới mẻ trên nền cổ kính. Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Sự, nhà lãnh đạo có công lớn trong việc phục hưng Hội An, rất tâm đắc khi trò chuyện với chúng tôi vào đầu tháng 6-2017 tại phố cổ.

Chùa Cầu- Hội An soi mình lòng sông Hoài về đêm.

Tuy nhiên, cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt. Dù đạt nhiều thành tựu vượt bậc, nhưng sự phát triển nhanh mạnh của thành phố du lịch Hội An đã gây áp lực không nhỏ lên môi trường thiên nhiên, nhất là sông Hoài, trước vấn nạn rác thải. Một người xứ Quảng rất yêu Hội An là cô Phương Trinh, sinh viên ngành Văn- Báo chí Đại học Duy Tân nói với chúng tôi rằng cô rất đau lòng mỗi khi nhìn thấy có hè phố bị lấn chiếm hoặc ai đó vô tình vứt bừa rác lên phố, lên sông. Không ít lần cô và bạn bè cố gắng nhắc nhẹ du khách bỏ rác vào đúng nơi quy định. Và trước khó khăn, giá trị văn hóa của Hội An thêm lần nữa được phát huy. Ấy chính là tình yêu của con người dành cho di sản, nhất là đối với dòng sông ngàn năm in bóng phố cổ, mà kết quả là một câu chuyện đẹp như cổ tích đã ra đời khi xuất hiện một tour du lịch vớt rác tự nguyện trên sông Hoài.

Không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài, thu hút cả chính người dân Hội An cùng tham gia vào tour du lịch độc đáo này. Đặc biệt, đối với du khách nước ngoài, đi vớt rác không được tiền mà mỗi người còn phải bỏ ra 10USD để mua túi đựng rác nhưng họ tham gia rất nhiệt tình. Hải trình từ đoạn gần chùa Cầu danh tiếng đến rừng dừa Cẩm Thanh nơi có di tích lịch sử thời chiến tranh, du khách vừa chèo thuyền vừa vớt rác nên đoạn sông Hoài chỉ dài gần 7km nhưng phải mất tới 4 tiếng đồng hồ. Một câu chuyện lạ có thật và có lẽ cũng là "độc nhất vô nhị" trên bản đồ du lịch.

Sáng kiến tổ chức thực hiện tour vớt rác tự nguyện trên sông Hoài là từ anh Nguyễn Văn Long, một người làm du lịch yêu phố cổ Hội An. Một lần du ngoạn xuôi dòng Thu Bồn, nhận thấy dòng nước sông Hoài chảy ra ngày càng bị ô nhiễm vì ngập rác, người đàn ông ở giữa tuổi "tam thập nhi lập" day dứt, nhất là khi chính quyền thành phố triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường nhưng vẫn chưa ngăn chặn được nạn rác thải lềnh bềnh trên sông. Khi nghe anh trình bày ý tưởng lạ lùng của mình, bạn bè ai cũng bảo rằng đây là suy nghĩ bất khả thi. Không ngờ lúc bắt tay vào thực hiện thì lại thành công ngoài mong đợi.

Khởi đầu từ tháng 2-2017, đến nay tour du lịch vớt rác sông Hoài được tổ chức thường xuyên vào ngày cuối tuần với 40 chiếc thuyền kayak sẵn sàng phục vụ du khách tại bến đò Thuận Tình thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Hàng tấn rác đã được vớt. Sông Hoài trở lại xanh, sạch, đẹp hơn. Tour du lịch độc đáo này cũng giúp du khách và người dân Hội An có ý thức hơn trong việc xử lý rác, bảo vệ môi trường.

Có một hình ảnh đẹp mà những nhân viên hướng dẫn tour du lịch vớt rác sông Hoài hay nhắc tới. Đó là chị Céline, 35 tuổi, người Pháp, kể từ khi hình thành tour này chị đều có mặt vào ngày cuối tuần để đăng ký tham gia. Céline cùng một người bạn của mình chèo thuyền chầm chậm dọc bờ sông, moi rác từng bụi cỏ hốc cây, rồi khi đụng một cồn đất nhỏ giữa sông chị neo thuyền mình lại để cùng các thuyền khác cùng gỡ hết túi ni lông, vỏ chai, ống hút, ly nhựa… bám lên cồn. Hội An bây giờ trở thành quê hương mới của chị. Hơn một năm nay Céline đã định cư ở thành phố này để phụ trách dự án trồng rau sạch ở làng rau Trà Quế. Ý thức bảo vệ môi trường đã trở thành thói quen của chị. Không chỉ sông Hoài mà trước đó Céline cùng nhóm bạn thân cũng đã tự nguyện đi nhặt rác bãi biển ở An Bàng, Cửa Đại...

Tất nhiên, Céline chỉ là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho tình yêu sông Hoài, tình yêu Hội An. Một người khác là ông Nguyễn Sự, am hiểu từng bãi biển, con sông, thửa ruộng, ngõ phố, ngôi nhà, sân vườn, đầu hồi, cây xanh… và hiển nhiên là với từng bụi cỏ, làn nước triều lên xuống của con sông Hoài. Ông quyết tâm gìn giữ. Không ít lần ông đấu tranh vì lợi ích chung lâu bền của Hội An. Hai mươi mốt năm trên cương vị Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy Hội An, ông đã đề ra nhiều chương trình quan trọng và cương quyết bảo vệ, thực thi để bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có để có được một Hội An điểm đến lý tưởng như hôm nay.

Tình yêu và công sức của nhiều người giúp thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá khi đến với đô thị cổ bên dòng sông Hoài quyến rũ và đa tình. Được nhiều người yêu quý và bảo vệ thì sông Hoài… đa tình quá chứ còn gì!

Bút ký: PHAN HUỲNH

Chia sẻ bài viết