01/11/2020 - 07:54

Chuyện kể dân gian về anh hùng Nguyễn Trung Trực 

Ảnh chân dung anh hùng Nguyễn Trung Trực tại đền thờ ở TP Rạch Giá.

Hơn 150 năm qua, ngày vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp xử chém tại chợ Rạch Giá (27-10-1868) vẫn được nhiều thế hệ nhân dân ghi nhớ. Nhiều sự kiện tưởng niệm ông đã được tổ chức trang trọng trong tháng 10 hằng năm ở nhiều đền thờ, ngôi đình khắp ĐBSCL, đặc biệt là tại Kiên Giang.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực còn có tên Nguyễn Văn Lịch, dân gian thường gọi tôn kính là cụ Nguyễn. Ông sinh năm 1838, tại làng Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (ngày nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Gia đình ông sống bằng nghề chài lưới trên sông Bến Lức. Gốc gác gia đình của ông là ngư dân ở huyện Phù Cát, Quy Nhơn, Bình Ðịnh, từ vài thế kỷ trước di cư vào Nam lập nghiệp.

Thời còn trẻ, ông giỏi cả văn, võ. Nhưng nổi bật nhất là võ nghệ, năm 16 tuổi đã tỉ thí võ đài ở địa phương. Tháng 2-1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Ðịnh, ông lập đội nghĩa dũng được nhiều người hưởng ứng, kéo lên ứng cứu. Năm 1861, ông tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, được giao chức Quản đạo. Ðạo quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An (Long An).

Chiến công hiển hách nhất của anh hùng Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân là khéo léo, mưu trí "hóa trang kỳ tập" một đám cưới để tiếp cận, đánh bất ngờ, đốt cháy tàu chiến của thực dân Pháp tại vàm sông Nhựt Tảo vào ngày 10-12-1861. Sau đó, ông còn lập nhiều chiến công khác khiến thực dân Pháp rất khiếp sợ. Năm 1867, ông được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Ðịnh, rồi Thành thủ úy Hà Tiên. Ngày 24-6-1867, Hà Tiên bị thực dân Pháp đánh chiếm, ông phải rút quân về Hòn Chông, tổ chức cho nghĩa quân hoạt động ở vùng Tà Niên, U Minh Thượng (Kiên Giang).

Ðêm 16-6-1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá và chiếm giữ cả tuần lễ. Thực dân Pháp phải điều động quân đội, vũ khí hạng nặng từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Nghĩa quân của ông quá chênh lệch so với quân Pháp, vũ khí lại thô sơ, nên phải rút về Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc. Thực dân Pháp tiến đánh Phú Quốc, nghĩa quân chống cự quyết liệt, cuối cùng chúng phải dùng thủ đoạn bắt mẹ của ông làm con tin. Ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt, chiêu hàng nhưng không thể lay chuyển được khí tiết của vị anh hùng, nên chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27-10-1868.

Dù ông mất, nhưng câu nói bất hủ "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây", cùng những câu chuyện về ông vẫn lưu truyền trong dân gian, sách sử.

Ðầu tiên là chuyện về bức ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nhiều tư liệu đều ghi nhận ông hy sinh năm mới 30 tuổi (1838-1868). Tuy nhiên tất cả di ảnh, tượng thờ ông ở Nam Bộ đều thể hiện một người đàn ông quắc thước, có râu dài, khoảng độ 50-60 tuổi. Lý giải việc này, trong dân gian cho rằng: cụ Nguyễn là một tướng lĩnh tài ba, trẻ tuổi, để tạo uy tín khi vận động các tầng lớp, nhất là các sĩ phu, cụ Nguyễn phải cải trang thành người lớn tuổi. Mặt khác, việc cải trang nói trên cũng nhằm qua mắt bọn tay sai, chỉ điểm. Trước đó, để dập tắt phong trào khởi nghĩa ở Nam Bộ, thực dân Pháp đã cho người vẽ chân dung các lãnh tụ khởi nghĩa: Trương Ðịnh, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực... dán thông báo truy nã, treo giải thưởng rất cao. Chính nhờ việc cải trang này mà cụ Nguyễn qua được mắt giặc, bí mật hoạt động ở nhiều nơi, khiến giặc ăn không ngon ngủ không yên.

Một chuyện khác khá huyền bí kể rằng một lần cụ Nguyễn và nghĩa quân đang giong buồm trên vùng biển Tây. Bỗng nhiên mây đen ùn ùn kéo đến, quân trên đoàn thuyền đều hoảng sợ, lo lắng trong phút chốc sẽ có sóng to, gió lớn làm tàu thuyền bị chìm đắm. Thế nhưng, cụ Nguyễn vẫn bình tĩnh, ung dung bước đến mũi thuyền rút kiếm ra, trợn mắt chỉ thẳng lên trời. Bỗng chốc trời yên, biển lặng. Từ đó đến nay, nhiều ngư dân trong vùng có tập tục đóng thuyền đi biển đều vẽ hai con mắt thuyền chỉ có màu trắng, không có tròng đen.

Chuyện chiếu Tà Niên có hình chữ Thọ cũng rất nổi tiếng. Người dân Tà Niên (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) có nghề dệt chiếu truyền thống. Từ xa xưa, chiếu Tà Niên đẹp, bền, nổi tiếng khắp Nam Bộ. Hay tin cụ Nguyễn sẽ bị thực dân Pháp hành hình, cảm kích khí khái kiên trung của cụ, người Tà Niên đã bàn với nhau ngày đêm dệt chiếu trải dưới chân người anh hùng. Khi tên đao phủ ra tay, máu từ cụ Nguyễn phun ra mặt chiếu, đọng thành hình chữ Thọ. Tiếc thương cụ, người dân Tà Niên đã mang chiếc chiếu này về phụng thờ rất trang trọng. Cũng từ đó, chiếu ở Tà Niên dệt ra đều phải in hoa văn chữ Thọ lưu truyền cho đến ngày nay.

Lễ hội truyền thống kỷ niệm 151 năm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2019).

 

Một câu chuyện khác về ngôi mộ linh thiêng của Bà lớn tướng Lê Kim Ðịnh, còn có tên bà Ðiều - phu nhân của cụ Nguyễn Trung Trực. Khi cụ Nguyễn lui quân về Phú Quốc, bà Ðiều cũng ra Phú Quốc cùng chồng kháng chiến chống Pháp. Lúc này bà vừa mới sinh được một người con trai. Do mới từ đất liền ra, căn cứ chưa kịp xây, quân Pháp đã tiến đánh, cụ Nguyễn phải chia nghĩa quân thành 2 cánh, lùi về Bắc đảo phục kích quân Pháp.

Bà Ðiều chỉ huy một cánh quân đóng tại sông Cửa Cạn, nhằm khiêu khích, nhử quân Pháp từ biển theo đường sông tiến sâu vào đảo. Cánh quân kia do cụ Nguyễn chỉ huy mai phục cặp sông, nhằm bất ngờ đánh úp. Ðể an toàn cho đứa con mới chào đời, bà Ðiều đã giao con cho cụ Nguyễn trông giữ. Thực dân Pháp tấn công đúng lúc thủy triều xuống, tàu nghi binh của bà Ðiều bị mắc cạn. Tuy vậy, bà Ðiều vẫn bình tĩnh, chỉ huy nghĩa quân vừa chiến đấu vừa cho người bươi cát để tàu rút vào nhánh sông. Khi hay tin đoàn thuyền của bà Ðiều mắc cạn, cụ Nguyễn vội vã giấu con trai vào một bọng cây cổ thụ rồi chỉ huy nghĩa quân giải cứu. Khi ra đến cửa sông thì bà Ðiều đã hy sinh, cụ Nguyễn phải tạm an táng bà ở gần đó.

Bị quân Pháp đánh ác liệt, cụ Nguyễn phải rút lui về Ghềnh Dầu. Tương truyền khi để con lại trong bọng cây, cụ đã đặt vào một nải chuối vàng làm dấu. Nghĩa quân của cụ Nguyễn sau đó giả dạng ngư dân vượt qua vòng vây của quân Pháp trở ra cửa sông để tìm con trai của cụ nhưng không còn dấu vết.

Ðến nay nhiều ngư dân ở Cửa Cạn vẫn thường đến thắp nhang cho một ngôi mộ cổ ở cửa sông trước khi đi biển dài ngày. Dân gian kể rằng, vào những đêm trăng sáng, nhiều người thường thấy một chiếc tàu cổ gần khu vực ngôi mộ. Trên con tàu đó có tiếng người phụ nữ ru con. Những ngư dân nhìn thấy con tàu khấn nguyện thành tâm sẽ có chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió và trúng nhiều mẻ lưới lớn.

Những chuyện kể nêu trên có cốt lõi là lòng kính trọng, tôn thờ vị anh hùng của đông đảo người dân. Hiện nay ở ÐBSCL có khoảng 20 đền thờ cụ Nguyễn Trung Trực. Ngoài đền thờ chính, nhiều nơi còn thờ chung trong đình làng, đền, chùa... Nhiều nhà dân còn thờ ảnh cụ Nguyễn trên như thờ tổ tiên, gia tộc của mình. Tất cả thể hiện cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn mãi mãi bất tử trong lòng dân.

Quan Tuần phủ, nhà thơ lỗi lạc dưới triều Nguyễn - Huỳnh Mẫn Ðạt (1807-1882) đã khái quát nhân cách và chiến công của cụ Nguyễn bằng hai câu thơ để đời:

"Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần". 

----------

Tài liệu tham khảo:

1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang: kiengiang.gov.vn

2. "Nguyễn Trung Trực người anh hùng bất tử đất Nam Bộ", 2009, Sở Văn hóa, Thể thao và Thể thao tỉnh Kiên Giang xuất bản. 

3. "Huyền thoại Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực", 2018, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang xuất bản. 

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Chia sẻ bài viết