Truyện ngắn: PHẠM KHÁNH DUY
Những tia nắng đầu ngày bắt đầu nghiêng trên sông. Gió nhè nhẹ, se lạnh và phảng phất mùi thơm của muôn ngàn hoa cỏ nở rộ hai bên bờ sông quyện lại, xộc vào cửa mấy ngôi nhà hai bên dòng sông Giang. Xóm này cũng tên là Giang.
Chợt có tiếng rao từ ghe hàng bông của người phụ nữ ngân dài, lạ lẫm với người xóm Giang. Trước giờ qua lại trên quãng sông này chỉ có ghe hàng bông của chị Hai với đôi mái dầm bóng nước, hoặc thi thoảng có ghe lớn hơn của ông Tư chạy bằng máy khẹt ra từng ngụm khói.
Chủ nhân của tiếng rao lạ đó là người phụ nữ trên chiếc xuồng nhỏ chạy bằng chiếc máy cũ đã rỉ sét phần vỏ, vọt ra mấy luồng khói trắng khói đen tan nhanh trong sương sớm. Trên chiếc xuồng nhỏ chất khéo léo mấy loại hàng bông. Chắc tại chị lạ nên người xóm Giang ngần ngại ngóng trên bến chứ chưa dám vẫy tay gọi chị, sợ bị chặt chém. Chị đã chạy từ đầu xóm Giang đến lưng lửng xóm mà chưa bán được gì. Chiếc nón lá che một nửa khuôn mặt của chị, chỉ còn để lộ nửa dưới khuôn mặt có đôi môi hơi tái vì cái lạnh của buổi sớm mùa xuân.
- Hàng bông! Hàng bông ơi!
Mấy người đàn ông chẻ củi trên bờ sông nghe Xuân hớt hơ hớt hải chạy xuống gọi hàng bông nên cũng í ới gọi giúp “Cô gì ơi, ghé lại, có người mua đồ kìa”. Chị tắt máy, lấy dầm bơi vào một cái bến nhỏ. Gọi là bến chứ thật chất đó là cây cầu gỗ bắt thò ra ngoài sông. Xuồng cập bến, chị ngước mặt lên, nở nụ cười tươi rói. Còn Xuân sáng nay mặc chiếc áo màu đỏ, tóc chải ép ra sau rồi cột hờ hững ở gáy. Xuân ngồi trên bến với tay lựa mấy bó cải dưa để trước mũi, rồi để luôn lên bờ.
- Chị mua hết mớ này hả, nhiều lắm đó - Chị nhắc người mua.
- Chồng tui thích ăn dưa cải muối chua lắm, mà phải muối vàng ruộm. Hồi mới về với anh ấy, tui phải học làm biết bao lâu mới rành. Giờ dưa cải tui làm chồng tui ăn bắt cơm dữ lắm! - Sự hạnh phúc trong câu trả lời của Xuân cứ hiển hiện.
- Chồng tui cũng y hệt vậy đó, phải chi tui còn có cơ hội làm cho ảnh... - Chị buột miệng nói với giọng buồn như bẹ cải xé làm đôi...
x x x
Nhà chị ở xóm Hoa Cúc, cách dòng sông Giang này xa lắm, có khi bằng cả ngày đường. Căn nhà nhỏ nằm cạnh bên sông, mái lá nhỏ nhưng đủ để che nắng che mưa cho đôi vợ chồng chèo chống từ xứ Ðồng Bưng về đây tìm kế mưu sinh. Chị lấy chồng trong sự ngăn cấm của gia đình, bởi thế nên đám cưới của chị chỉ đơn giản là một cuộc rời khỏi Ðồng Bưng để được sống cùng anh. Chị nhớ ngày chị với anh rời đi, chị ngồi trong mui ghe còn anh thì ở sau chèo mải miết. Chị hỏi đi đâu, anh cười bảo chỗ nào dung chứa vợ chồng mình thì đi, miễn là được sống cùng nhau. Ðồng Bưng xa dần sau lưng chị. Nơi ấy đọng lại trong chị những ký ức vui buồn xen lẫn. Nơi ấy giờ đây chỉ còn là những hình ảnh mờ nhòe, xô lệch trong tim chị mà thôi!
Trong căn nhà ở xóm Hoa Cúc, vợ chồng chị đã sống những tháng năm hạnh phúc. Trước nhà có vuông sân, chị trồng rau, trồng hoa. Anh thường theo ghe qua xóm bên làm lò gạch, chiều nào cũng tranh thủ về sớm ăn cơm với chị. Cơm canh đạm bạc, rau muống chấm tương thấy vậy chứ ngọt lòng. Trong căn nhà ấy, đêm đêm chị nằm trong vòng tay ấm áp của anh. Anh hứa hẹn đủ điều. Anh kéo chị sát vào mình. Ðêm yên ả như ru. Khoảnh khắc bên anh luôn là lúc chị thấy mình hạnh phúc nhất.
- Cô biết không, người đàn ông nào cũng muốn có một đứa con. Nhưng mà tui không thể làm mẹ. Bởi vậy, vợ chồng tui mới chia lìa...
Chị tiếp tục kể cho Xuân nghe câu chuyện của mình. Chị bất chợt trải lòng với người xa lạ có lẽ vì niềm xúc động khi thấy một người phụ nữ cũng vì chiều chồng mà học muối dưa cải như chị hồi xưa. Còn Xuân nghe tiếp câu chuyện của chị bằng sự cảm thương...
Mặc cảm không thể cho chồng một gia đình trọn vẹn với tiếng nói cười của trẻ thơ khiến chị mỗi ngày một lạnh lùng hơn. Cơm chiều khét lẹt. Nồi canh có lúc mặn chát… Cho đến một chiều mùa xuân, chị đang thẫn thờ nhổ cỏ ngoài bờ mương, như linh tính điều gì, chị hoảng hốt chạy về nhà. Trong buồng, quần áo của chị ngổn ngang, xộc xệch. Còn của chồng chị đã không còn tăm hơi. Chị ngồi sụp xuống, khóc lặng. Chiều xuân năm đó, chồng chị đã lặng lẽ rời khỏi xóm Hoa Cúc, rời khỏi căn nhà từng có vuông sân xanh um màu rau và hoa chị trồng. Chiều xuân năm đó, trái tim chị như bị ai đó khoét đi một phần, để lại lỗ hổng nhói đau cực độ.
Nghe câu chuyện của chị, Xuân chợt nhớ ngày đến với anh cũng vào một chiều mùa xuân nhưng hanh hao và giá lạnh hơn năm nay. Chồng Xuân cũng yêu vợ, thương con hết lòng, nhưng mỗi chiều Xuân thường thấy anh ra bến sông mà thất thần nhìn về một phương nào xa xôi lắm. Mắt anh đọng một nỗi buồn. Xuân hỏi hoài mà anh không trả lời...
- Cám ơn chị đã mua mớ cải và nghe câu chuyện của tui. Hổng biết sao mà nay tui lại nhớ, lại kể với chị...
Chị nói vậy rồi từ biệt Xuân. Chị chống mái dầm đẩy chiếc xuồng ra xa. Sớm mùa xuân, hai bên bờ sông Giang có hoa trắng, hoa vàng nở rộ. Cái xóm và dòng sông này đẹp hơn bất kỳ dòng sông nào mà chị từng đi qua.
Khi chị nhìn lên bờ để tạm biệt Xuân, chị chợt thấy bóng hình một người đàn ông tiến đến bến sông cùng Xuân gom mớ cải mới mua về. Nhìn kỹ thì gương mặt người đàn ông vừa lạ vừa lại rất thân quen. Lạ vì thời gian đã làm cho khuôn mặt kia rắn rỏi và mái tóc nhiều sợi bạc hơn. Nhưng quen vì khuôn mặt ấy, dáng hình ấy… đã đi vào cuộc đời chị để rồi chị không bao giờ quên được...
Trong phút chốc, khi nhìn dáng hình hạnh phúc của người đàn ông và Xuân, chị chợt nhớ đến câu nói của chồng thuở mà cùng chị trên chiếc ghe tam bản rời Ðồng Bưng về xóm Hoa Cúc:
- Cái gì bỏ được thì bỏ cho nhẹ lòng, rồi mình làm lại từ đầu. Ðau buồn mà ôm mãi thì có được gì đâu? Phải không em!
Phải rồi! Chị giựt máy thật mạnh. Chiếc máy nổ vang rền và chân vịt xé nước đưa chiếc xuồng hàng bông của chị đi thật xa, khỏi sông Giang, xa những niềm đau…