12/06/2008 - 10:00

Chuyển giao công nghệ xây dựng cầu Cần Thơ cho các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam

* Xác định địa điểm xây dựng tuyến đường cao tốc qua một số tỉnh, thành ĐBSCL

(CT)- Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 3761/VPCP-KTN về việc thực hiện chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ cầu Cần Thơ. Xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải (Văn bản số 3201/BGTVT-KHĐT ngày 19 tháng 5 năm 2008) về việc thực hiện Chương trình đào tạo chuyển giao công nghệ xây dựng cầu Cần Thơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất giao cho Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện Chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ Dự án xây dựng cầu Cần Thơ. Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai theo đúng quy định hiện hành, bảo đảm hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, tham gia công trình xây dựng cầu Cần Thơ, các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam sẽ có điều kiện học tập kinh nghiệm, nắm vững công nghệ xây dựng cầu để tương lai sẽ tự xây dựng những chiếc cầu dây văng như thế ở Việt Nam. Công trình cầu dây văng đầu tiên dự kiến sẽ xây dựng theo công nghệ này có thể là cầu Cần Thơ 2, sau khi công trình cầu Cần Thơ hoàn thành...

* Vừa qua, lãnh đạo TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khảo sát địa điểm để xây dựng tuyến đường cao tốc đi qua một số tỉnh ĐBSCL, trong đó có việc xây dựng cầu Cần Thơ 2. Lãnh đạo 2 địa phương nhất trí xác định địa điểm xây dựng tuyến đường cao tốc dự mở sẽ tiếp giáp với đường cao tốc từ TPHCM xuống Cần Thơ, trong đó từ khu vực cầu Mỹ Thuận (phía Vĩnh Long) sẽ mở đường xuyên qua các huyện Châu Thành, thị xã Sa Đéc, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Sau đó, đường cao tốc sẽ vượt qua sông Hậu tại khu vực cù lao Tân Lộc thuộc huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), tại đây sẽ tiến hành xây dựng cầu Cần Thơ 2 bắc qua sông Hậu. Tuyến đường này sẽ nằm song song với quốc lộ 80, sau đó đi qua huyện U Minh (Cà Mau), nhằm giảm tải bớt áp lực lưu thông cho quốc lộ 1A, và tuyến đường N2 trong tương lai...

T.K

Chia sẻ bài viết