17/11/2022 - 10:11

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Thực hiện chuyển đổi số (CÐS) và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là rất cấp thiết nhằm hạ giá thành sản phẩm, tạo sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông sản ở nước ta vẫn còn hạn chế và chậm so với nhiều nước trên thế giới.

Sử dụng máy bay nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Yêu cầu cấp thiết

Những năm qua, việc thực hiện CÐS và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở nước ta đã được quan tâm thực hiện và đã có những chuyển biến rất tích cực. Nước ta đã có các khu nông nghiệp cao được quy hoạch xây dựng và đưa vào hoạt động tại nhiều địa phương trong nước. Ðồng thời, các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh CÐS trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn ít và việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế và cần phải kịp thời thay đổi mới có thể cạnh tranh với quốc tế. Ðặc biệt, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phổ biến các công nghệ số trong bán hàng và số hóa quản lý sản xuất kinh doanh nông sản, nhất là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, chúng ta cũng cần phải kịp thời số hóa việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản trên các nền tảng số để có sự đồng bộ với quốc tế nhằm ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Ðầu tư Bagico, cho biết: "Công ty là đơn vị liên kết thu mua và kết nối trực tiếp với khách hàng, đặc biệt là các đơn vị thu mua ở thị trường Trung Quốc. Ðể đáp ứng yêu cầu kinh doanh hàng hóa nông sản tại thị trường Trung Quốc, từ 2 năm nay Công ty đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một nền tảng phục vụ cho CÐS (nền tảng Auto Agri). Hiện ứng dụng công nghệ số tại Trung Quốc không còn là mới mà đã được chính phủ nước này bắt buộc thực hiện để quản lý nông sản trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ðặc biệt, về thương mại điện tử, Trung Quốc đã áp dụng chặt chẽ các vấn đề về khai báo thông tin, hồ sơ doanh nghiệp, người bán hàng, chất lượng hàng hóa… giống như quản lý bằng hồ sơ giấy...".

Theo ông Nguyễn Ðức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), doanh nghiệp, HTX và nông dân còn gặp các khó khăn và vướng mắc trong ứng dụng công nghệ số và công nghệ cao trong nông nghiệp. Ðáng chú ý là những “vướng mắc” do chính sách chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ chưa theo kịp nhu cầu, thiếu nền tảng bền vững để hình thành và hoàn thiện chuỗi cung ứng (với vai trò kép của doanh nghiệp, nông dân, Nhà nước và thị trường). Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông dân và tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính tự phát cao, thiếu vốn…

Hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp

CÐS số đã trở thành một chương trình mục tiêu quốc gia và được sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Theo nhiều đơn vị, doanh nghiệp, thời gian qua, không chỉ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PNT) mà các địa phương cũng tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động CÐS; nhiều địa phương đã thành lập các tổ CÐS đến cấp xã. Ðây là tín hiệu rất tích cực và một trong những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ CÐS là người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện mức độ nhận thức và việc quan tâm khai thác các lợi ích mang lại từ CÐS vẫn còn hạn chế đối với không ít người dân, doanh nghiệp.

Tại diễn đàn “Kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong nông nghiệp” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, nhiều đơn vị, doanh nghiệp và đại biểu kiến nghị, tới đây các cấp, các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao hơn nhận thức và hành động của tất cả các bên có liên quan. Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, dữ liệu nhằm phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm và số hóa các thông tin, dữ liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Kịp thời đào tạo, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về vốn, về khả năng tiếp cận tri thức số, công nghệ mới.

Ông Nguyễn Ðức Tùng, Tổng Thư ký VIDA, kiến nghị: “Cần có những chương trình đào tạo, hướng dẫn kỹ cho nông dân và doanh nghiệp. Ðồng thời, thị trường tài chính cho chuyển đổi số là rất cần thiết. Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có chương trình tài chính phù hợp và có các nguồn “vốn mồi” để giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng công nghệ số và công nghệ cao trong nông nghiệp”.

Theo TS Từ Minh Thiện, Nguyên Phó Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cần quan tâm hỗ trợ về vốn và đào tạo, chuyển giao công nghệ cho người dân… Ðặc biệt, cần hỗ trợ người dân trong liên kết, hình thành các chuỗi liên kết bền vững để giải quyết tốt vấn đề thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn. Bởi rủi ro thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp hiện còn lớn, tình trạng mất cân đối cung cầu và dự báo trong nông nghiệp còn yếu. Tầm nhìn người nông dân còn ngắn hạn, mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp tại nhiều nơi lỏng lẻo, sự phát triển chuỗi cung ứng nông sản chưa bền vững, còn thiếu dịch vụ tài chính và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Trình độ của nông dân còn hạn chế và khi tiếp cận công nghệ không biết công nghệ nào phù hợp điều kiện sản xuất của mình để giúp mang lại hiệu quả cao nhất...

Chia sẻ bài viết