26/04/2022 - 08:25

Chuyển đổi số ở TP Cần Thơ:
Khi thách thức là cơ hội
Bài 3: Nhân lực - “Chìa khóa” chuyển đổi số 

* Q. THÁI -  M. THANH - M. HUYỀN

Thành phố xác định thực hiện chuyển đổi số (CÐS) phải gắn với thu hút và phát huy các nguồn lực. Trong đó, vai trò quan trọng, then chốt chính là nguồn lực con người. Việc phát triển nguồn nhân lực số được thành phố đặc biệt quan tâm nhằm xây dựng thành công môi trường số, từ đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông Trường Ðại học Cần Thơ được cập nhật các kiến thức, kỹ năng về CÐS trong các học phần đào tạo chuyên ngành. Ảnh: MINH HUYỀN

Chuẩn bị nguồn nhân lực số

Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học có đào tạo về công nghệ thông tin, viễn thông gồm: Ðại học Cần Thơ, Ðại học Tây Ðô, Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Ðại học Nam Cần Thơ và Ðại học FPT. Tổng số sinh viên đang theo học của ngành công nghệ thông tin, viễn thông  trên 7.000 sinh viên. Ðây là nguồn nhân lực dồi dào để đáp ứng yêu cầu CÐS của thành phố. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Năm 2021, Ðảng ủy Trường Ðại học Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-ÐU về “Ðẩy mạnh CÐS để phát triển Trường Ðại học Cần Thơ theo hướng đại học thông minh”. Trường đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác để thúc đẩy hoạt động CÐS trong trường, bao gồm: tổ công tác về CÐS trong quản trị và điều hành, CÐS trong hoạt động đào tạo, CÐS trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. Với 10 chuyên ngành đào tạo, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông là một trong những khoa tiên phong của trường về CÐS và đào tạo nguồn nhân lực CÐS. Khoa đã chủ động lồng ghép các học phần về CÐS vào khung chương trình đào tạo ở các bộ môn trực thuộc khoa và dự kiến sẽ mở thêm một số ngành học mới liên quan đến lĩnh vực CÐS.

Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, công nghệ thông tin là một trong những ngành đóng góp đáng kể nguồn nhân lực cho quá trình CÐS. Nhu cầu về nguồn nhân lực lớn, nhưng các chương trình đào tạo hiện nay chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Sinh viên sau khi ra trường vẫn cần được đào tạo bổ sung trước khi tiếp cận công việc. Người lao động trong doanh nghiệp (DN) cũng cần được cập nhật kỹ năng ứng dụng công nghệ để đáp ứng yêu cầu phân công lao động của xã hội…

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Cần Thơ, cho biết: Nhận diện các thách thức này, trong giải pháp phát triển nguồn nhân lực CÐS, thành phố cũng đề ra định hướng đề xuất các viện, trường điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo và dạy nghề gắn với công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VRAR), chuỗi khối (Blockchain), in ba chiều (3D Printing)… Ngành Giáo dục triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEM/STEAM), đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin tại các cấp học... “CÐS trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo phải được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, toàn diện để giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội. Ðồng thời, tạo môi trường làm việc điện tử nhằm thúc đẩy cải cách bộ máy tổ chức, tiến tới hình thành nền hành chính, giáo dục điện tử, tham gia hiệu quả vào đào tạo nhân lực số cho thành phố” - ông Trần Thanh Bình nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, CÐS là quá trình thay đổi cách sống và cách làm việc trên môi trường số. Do đó, các khóa đào tạo, tập huấn trang bị các kiến thức, kỹ năng về CÐS hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Ðặc biệt cần quan tâm đến nhóm đối tượng là học sinh từ ghế nhà trường. Bởi đây là độ tuổi nắm bắt thông tin nhanh nhạy, sẵn sàng thay đổi, tiếp nhận cái mới để phát triển tư duy số, tham gia tích cực vào quá trình CÐS. “Các DN công nghệ muốn đầu tư vào Cần Thơ sẽ quan tâm trước tiên đến nguồn nhân lực số. Vì thế, nếu chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực con người, thành phố sẽ có nhiều cơ hội thu hút các DN thuộc lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực số đầu tư vào thành phố trong tương lai”- Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hòa, nhấn mạnh.

Tư duy kiến tạo

Các cấp bộ Ðoàn đã và đang quan tâm xây dựng, phát triển hệ sinh thái số, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho đoàn viên, thanh niên. Anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, chia sẻ: “Hệ sinh thái số bao gồm các hoạt động tuyên truyền, các sân chơi học thuật, công cụ trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để tạo ra những trang thông tin điện tử, các hội thảo, diễn đàn trực tuyến nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng số cho bạn trẻ”. Thành đoàn phối hợp với một số DN triển khai ứng dụng số trong các cuộc thi, sân chơi học thuật, đồng thời kết nối DN triển khai các hoạt động giáo dục và đào tạo kỹ năng số cho thanh thiếu niên. Tuổi trẻ thành phố đang nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý hội viên, sinh viên, nhất là dữ liệu về sinh viên xuất sắc, tiêu biểu làm nền tảng mở, sẵn sàng giới thiệu thông tin nguồn lực tiềm năng cho các tổ chức, DN. “Tôi nghĩ thành phố cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng số, thiết bị số; tăng cường hợp tác với DN trong chuyển giao công nghệ; đề xuất chính sách về giáo dục, đào tạo năng lực số cho giới trẻ, có thể đưa môn kỹ năng số vào chương trình giáo dục phổ thông” - anh Tân kiến nghị.

Các gian hàng thực tế ảo của DN tham gia diễn đàn trực tuyến về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL - lần 2 do Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 12-2021. Ảnh: MINH HUYỀN

Thành phố cũng quan tâm đến việc ươm mầm thế hệ trẻ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ 4.0 để tạo nền tảng cho hành trình CÐS của thành phố. Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho rằng: Hoạt động khởi nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN khởi nghiệp tìm thấy cơ hội kinh doanh mới. Trong đó, phải kể tới các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe, tiêu dùng trực tuyến, công nghệ 4.0. Với vai trò tiếp sức, hỗ trợ cho startup, chúng tôi tiếp tục tập trung vào các khóa đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng, kiến thức chuyên môn nhằm định hướng các bạn trẻ tận dụng tốt cơ hội, bối cảnh mới để phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp về công nghệ số, công nghệ 4.0...

Nhân tố tham gia vào quá trình CÐS vừa là các nhà lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức, DN, vừa là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong DN, trong các thành phần kinh tế. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, con người là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình CÐS. Thực tế, ở cơ quan, đơn vị nào mà người thủ trưởng sâu sát quan tâm, hoạt động CÐS mới đi vào thực chất, thay vì chỉ là những chương trình kế hoạch được vạch ra trên giấy. Dựa trên yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố, Sở đã ban hành kế hoạch CÐS riêng cho ngành. Trong đó, có yêu cầu, thủ trưởng các đơn vị phải bám sát kế hoạch, vạch ra lộ trình thực hiện CÐS cho phòng ban, đơn vị mình. Phải xác định CÐS là làm thế nào phục vụ tốt hơn, để người dân, DN tiếp cận các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận lợi.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh: “Ðể thực hiện CÐS có hiệu quả, lãnh đạo các cấp, các ngành phải hiểu sâu sát lĩnh vực, ngành quản lý để nhanh chóng triển khai các kế hoạch CÐS của thành phố. Vì thế, thành phố sẽ triển khai các chương trình, các khóa huấn luyện đào tạo chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo, quản lý CÐS cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ðặc biệt, thành phố đang xây dựng nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, những trí thức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu thu hút, giai đoạn 2022 - 2026 và nghị quyết về chính sách khuyến khích đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ, giai đoạn 2022-2026. Các nghị quyết này tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên để thu hút hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có nguồn nhân lực trong lĩnh vực CÐS nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố”.

Ngày 28-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ðề án khẳng định việc phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình CÐS, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện. Ðồng thời, nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện CÐS hiệu quả và bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu trong chương trình CÐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài 4:

DOANH NGHIỆP NHẬP CUỘC

Chia sẻ bài viết