Chuyển đổi để làm giàu
Quyết tâm vươn lên làm giàu, một số nông dân tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang sinh sống ở những khu vực đất mới còn nhiễm phèn mặn, đã không ngại khó để tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi trồng để phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai nơi đây, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Cuộc sống ngày càng khấm khá, họ còn tích cực tham gia các phong trào do hội và địa phương phát động để cùng giúp nhau làm giàu.
Ông Danh Sóc Kha, theo dõi quá trình sinh trưởng của tôm nuôi.
Khấm khá từ mô hình lúa - cá
Gần 5 năm nay, chị Nguyễn Bích Loan, ngụ Tổ 7, ấp Kiên Sơn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương nhờ áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất lúa - cá với diện tích 3ha đất, gia đình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Những năm trước đây, chủ yếu trồng lúa 2 vụ lúa. Vào thời điểm này do đất mới, còn nhiễm phèn nên sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự vận động, hướng dẫn của Hội LHPN và các cấp, ngành địa phương, chị Loan tham gia vào Tổ liên kết sản xuất lúa - cá của Chi hội Phụ nữ ấp Kiên Sơn, huyện Kiên Lương và chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Khi tham gia Tổ liên kết, chị Loan được hỗ trợ vốn để đầu tư mua cá giống và được hướng dẫn chọn giống cá phù hợp để nuôi.
Với quyết tâm vươn lên, vừa sản xuất, vừa cải tạo đất; cùng thuận lợi từ những công trình kênh thủy lợi nội đồng được Nhà nước đầu tư nên đã có nguồn nước thuận lợi cho sản xuất. Nhờ siêng năng, chịu khó tìm tòi, học hỏi trong nuôi trồng và tùy vào nhu cầu của thị trường, hằng năm, sau khi gieo sạ xong 1 vụ lúa, gia đình chị Loan bơm nước vào ruộng để ngâm, tạo rong rêu và thả cá vào nuôi.
“Giống cá nuôi chủ yếu của gia đình sau khi trồng lúa là cá trắm cỏ và cá chép. Ðây là giống cá dễ nuôi, ít dịch bệnh, cũng không cần đầu tư nhiều thức ăn cho cá nên lợi nhuận cũng cao hơn. Việc chuyển đổi mô hình từ độc canh cây lúa sang sản xuất theo mô hình lúa - cá lúc đầu gia đình tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, nhất là làm thế nào để có thể bổ trợ giữa việc trồng lúa và nuôi cá để giảm chi phí cho vụ nuôi trồng tiếp theo. Mặc dù khó khăn nhưng nhận thấy mô hình này phù hợp với đất đai ở đây nên vợ chồng tôi vừa làm vừa mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ nuôi khác và các chị em trong Tổ liên kết. Vợ chồng tôi không bao giờ bỏ cuộc, sau mỗi lần thất bại lại tìm tòi, học hỏi để tìm ra nguyên nhân, sau đó lại đầu tư sản xuất tiếp…”, chị Loan chia sẻ.
Cũng chính từ quyết tâm, nhạy bén trong sản xuất, nuôi trồng nên mô hình sản xuất của gia đình chị Loan ngày càng đạt kết quả khá, thu nhập của gia đình cũng tăng dần. Chị Loan cho biết, trung bình mỗi vụ sản xuất lúa gia đình thu nhập từ 50-70 triệu đồng; riêng nuôi cá, thu nhập cũng trên 50 triệu đồng/năm. Như vậy, gia đình thu lời trên 100 triệu đồng/năm từ mô hình sản xuất lúa - cá. Nguồn thu nhập này đã giúp cuộc sống gia đình chị đỡ vất vả hơn, gia đình còn tích cóp, đầu năm 2024 đã xây được căn nhà khang trang trị giá gần 1 tỉ đồng. Từ thành công này, chị Loan thường xuyên trao đổi, hỗ trợ chị em trong Tổ liên kết những kinh nghiệm trong nuôi trồng để sản xuất đem lại hiệu quả cao.
Chị Lư Thị Hộp, Chủ tịch Hội LHPN xã Kiên Bình, cho biết, chị Nguyễn Bích Loan là một trong những hội viên phụ nữ sản xuất đạt hiệu quả cao trong Tổ liên kết sản xuất lúa - cá của ấp Kiên Sơn, xã Kiên Bình. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình chị ngày càng khấm khá hơn. Không chỉ vậy, chị Loan còn hỗ trợ cho các chị em trong Tổ liên kết để cùng làm giàu và tích cực tham gia các phong trào do Hội và địa phương phát động. Ðây là một trong những điển hình để các hội viên khác học tập, noi theo.
Thu nhập cao từ nuôi tôm quảng canh
Gia đình ông Danh Sóc Kha, ngụ ấp Hòn Trẹm, xã Bình An, huyện Kiên Lương từ một nông dân không biết gì về kỹ thuật nuôi tôm nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, đến nay sau gần 10 năm bén duyên với nghề nuôi tôm đạt thu nhập cao.
Với 1ha diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến; năm 2 vụ, mỗi vụ gia đình ông Kha thả hơn 30.000 con giống, sản lượng khoảng 6 đến 7 tấn/vụ. Sau khi trừ chi phí đầu tư từ con giống, thức ăn, mỗi vụ gia đình ông thu nhập từ 150-200 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm thu nhập đạt từ 300-400 triệu đồng.
Ông Danh Sóc Kha cho biết, để có được thành quả như hôm nay, cũng giống như những hộ mới nuôi tôm khác, ông cũng đã trải qua những lần thất bại do tôm chết từ nhiều nguyên nhân. Nhưng cũng chính từ những lần thất bại như vậy đã tạo thêm cho ông Kha động lực và quyết tâm phải tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Theo đó, ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân thất bại, ông còn học hỏi thêm nhiều kiến thức từ những hộ nuôi khác cũng như tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Vừa học, vừa áp dụng, cùng với những kinh nghiệm sau mỗi vụ nuôi, nhờ đó việc nuôi tôm của gia đình ông ngày càng thuận lợi hơn. “Một trong những may mắn của gia đình tôi khi nuôi tôm đó là đã tìm được con giống thích hợp nên nuôi khá thành công, tôm lớn nhanh, ít bị hao hụt do dịch bệnh”, ông Danh Sóc Kha, nói.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi tôm của bàn thân, ông Danh Sóc Kha cho biết: Ðể nuôi thành công theo mô hình nuôi quảng canh, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đó là việc chọn được con giống. Con giống phải được mua ở các địa chỉ có uy tín và nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, con giống cũng có thể lựa chọn qua quá trình nuôi thử nghiệm, xem con giống nào thích hợp với môi trường nước ở địa phương thì lựa chọn để nuôi. Lưu ý, tôm giống sau khi mua về nên thả vào ao vèo để tôm thích nghi trước với nguồn nước, thả ương với mật độ khoảng 600-1.000 con/m2. Về mật độ thả nuôi khoảng 30-80 con/m2. Quá trình nuôi phải chạy quạt trước khi thả giống tầm 6 giờ để đảm bảo đủ lượng ôxy cho tôm. Sau khi tôm giống thích nghi với nguồn nước thì tiến hành thả vào ao nuôi, trong đó chú ý thả vào lúc sáng sớm hoặc thả vào chiều mát và theo hướng trên gió.
Nhờ thu nhập tốt từ việc sản xuất theo mô hình lúa - cá, chị Nguyễn Bích Loan (bên phải) đã cất được căn nhà khang trang gần 1 tỉ đồng vào đầu năm 2024.
Khi thả tôm vào ao nuôi, việc chăm sóc và quản lý quy trình nuôi tôm sú ban đầu phải cần chú ý kỹ càng. Khi tôm khoảng 15 ngày tuổi, thực hiện đặt sàn ăn và khi tôm 25 ngày tuổi thì thay đổi lượng thức ăn qua thời gian ăn hết thức ăn trong sàn kết hợp quy trình nuôi tôm sú bằng vi sinh để đạt hiệu quả cao nhất. Ðối với việc quản lý môi trường ao nuôi, thường xuyên kiểm tra độ pH trong ao 2 lần/ngày vào lúc sáng và chiều; đồng thời cần kiểm tra độ kiềm trong ao và những yếu tố khác cho phù hợp. Tôm từ khi thả nuôi đến khi 40 ngày tuổi, người nuôi cần chú ý quản lý sức khỏe tôm nuôi thông qua việc quan sát các hoạt động bắt mồi và xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc… để có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường. “Tôm nuôi vào thời điểm trên 40 ngày tuổi là người nuôi có thể tin tưởng vào thành công của vụ nuôi, vì thời điểm đó tôm đã có thể thu hoạch bán được cho thương lái”, ông Danh Sóc Kha, nói thêm.
Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình An, cho biết: Nhờ nắm bắt được kỹ thuật nuôi tôm nên gia đình ông Kha mấy năm gần đây nuôi trồng đều đem lại năng suất và thu nhập khá cao. Ông là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong nuôi tôm tại xã và được Hội đánh giá rất cao về kỹ thuật nuôi trồng của mình.
Bài, ảnh: HÀ LINH
Chia sẻ bài viết |
|