27/11/2024 - 08:42

Chuyển biến trong xây dựng chính quyền điện tử 

Việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn TP Cần Thơ bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực đối với nội bộ cơ quan nhà nước lẫn người dân. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, góp phần hiện đại hóa nền hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các thí sinh tham gia cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý năm 2024, do UBND thành phố tổ chức.

Trong năm 2024, thành phố tập trung triển khai các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Cụ thể, các hệ thống phần mềm dùng chung hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu phục vụ việc tra cứu, xác thực dữ liệu dân cư khi giải quyết TTHC. Qua đó, người dân không phải xuất trình hoặc nộp các bản sao có chứng thực của các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại...

Thành phố cũng đã cập nhật, tích hợp 1.174 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 204 dịch vụ công trực tuyến một phần và 970 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức doanh nghiệp và công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc thanh toán phí/lệ phí, thuế trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được đẩy mạnh. Từ đầu năm 2024 đến ngày 15-11-2024, có 151.480 giao dịch trực tuyến thành công, với giá trị thanh toán gần 60 tỉ đồng. Ông Lưu Bá Phúc ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, từng nhiều lần thực hiện TTHC qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, từ thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, sau đó mở rộng quy mô thành doanh nghiệp. Ông Phúc chia sẻ: “Lần đầu nộp hồ sơ trực tuyến, tuy khá bỡ ngỡ nhưng qua hướng dẫn của bạn bè có kinh nghiệm, tôi nhận thấy rất tiện lợi, không phải mất thời gian đi lại. Hơn nữa, tôi có thể thanh toán trực tuyến và tra cứu, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ qua mạng để sắp xếp công việc kinh doanh của mình. Đến nay,  tôi cũng thực hiện việc đóng thuế/phí qua nền tảng số, rất tiện ích”.  

Theo bà Lê Xuân Hoa, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, thành phố triển khai thực hiện đạt kết quả khả quan đối với các chỉ tiêu liên quan đến chuyển đổi số, cải cách TTHC, dịch vụ công trực tuyến được giao tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Nổi bật là tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 67,54% (chỉ tiêu được giao là 50%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 61,91% (chỉ tiêu được giao là 45%); tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 85,88% (năm 2023 chỉ đạt 56,36%); tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 73,82% (năm 2023 chỉ đạt 41,46%); tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 11,79% (năm 2023 chỉ đạt 0,81%). Các tỷ lệ trên càng cao đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp giảm số lần đi lại, đơn giản hóa thành phần hồ sơ; kiểm soát chặt chẽ quá trình giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp, từ đó phòng ngừa tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Theo đó, trong năm 2024, Văn phòng UBND thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đã tập huấn thực hiện khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trong tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cho lãnh đạo các phòng chuyên môn, công chức phụ trách công tác giải quyết TTHC của 6 sở: Tư pháp, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương. Sở Nội vụ phối hợp các địa phương tổ chức 3 buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác cải cách hành chính; thi khảo sát kiến thức cải cách hành chính, trong đó có nội dung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; đồng thời tham mưu UBND thành phố tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, với 379 thí sinh.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền điện tử vẫn còn một số hạn chế: nguồn nhân lực quản lý, triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị còn thiếu. Công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa các cấp chủ yếu kiêm nhiệm phải phụ trách nhiều công việc chuyên môn. Mặt khác, trình độ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC còn hạn chế. Hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chưa được đồng bộ, liên thông đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết hồ sơ TTHC của người dân… Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công thiết yếu, phát triển dữ liệu số tích hợp về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bài, ảnh: TÚ ANH 

Chia sẻ bài viết