14/05/2020 - 09:17

Chuyển biến tích cực trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp 

Nông dân trồng lúa trên địa bàn TP Cần Thơ đã không còn vất vả như xưa nhờ phần lớn các khâu trong quá trình sản xuất lúa được máy móc cơ giới làm thay cho sức người.  

Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH tại huyện Thới Lai trong vụ đông xuân 2019-2020.

Hiệu quả thiết thực

Ông Trần Thanh Long, ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, có 16 công ruộng, cho biết: “Trước đây, cứ chuẩn bị đến mùa gieo sạ và thu hoạch lúa, tôi lo vì tìm không đủ nhân công lao động có thể khiến mùa vụ bị chậm trễ. Hiện nay, việc gieo trồng lúa đã “khỏe” hơn trước rất nhiều và không lo thiếu nhân công nhờ có máy làm đất, máy bơm nước, máy phun hạt để gieo sạ và bón phân, máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch và lò sấy thay cho việc phơi lúa dựa vào nắng trời”.

Ông Phạm Đình Đương ngụ xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cũng cho biết: “Nhờ áp dụng các máy móc cơ giới vào sản xuất lúa nông dân đỡ vất vả, hiệu quả sản xuất cao hơn nhờ tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. Tôi đã  tìm hiểu, lựa chọn các máy móc cơ giới phù hợp để thực hiện tốt các khâu trong quá trình sản xuất lúa, từ làm đất, đến gieo cấy, thu hoạch và phơi sấy lúa. Tôi còn sử dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm, tận dụng nguồn phụ phẩm này nhằm gia tăng thêm thu nhập”. Việc đưa máy GĐLH vào thu hoạch lúa và làm khô lúa bằng lò sấy không chỉ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí nhân công mà còn nâng cao chất lượng và giảm tỷ lệ hao hụt lúa. Thu hoạch lúa bằng máy GĐLH, nông dân chỉ tốn khoảng 260.000-300.000 đồng/công lúa, trong khi thu hoạch thủ công bằng tay phải tốn chi phí gấp 2-3 lần. 

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đã có 789 máy GĐLH, đáp ứng cắt gặt trên 94% diện tích lúa vụ đông xuân, 98% diện tích lúa hè thu và 100% lúa vụ thu đông. Với sự liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL,vào các thời điểm thu hoạch lúa, thành phố đã thu hút nhiều máy gặt đập từ các tỉnh lân cận đến làm dịch vụ nên khâu cắt lúa hầu như được cơ giới hóa 100%. Gần đây, gieo cấy lúa và bón phân, phun thuốc bằng máy được nông dân áp dụng trên diện rộng, sạ bằng máy phun hạt chiếm hơn 80% diện tích xuống giống”. Các khâu làm đất, bơm tưới nước và gặp đập lúa được làm 100% bằng máy, các khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và phơi sấy  từng bước được đầu tư, bổ sung ngày càng hoàn thiện.

Nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh sử dụng máy để cấy lúa.

Nông dân sản xuất rau màu và cây ăn trái cũng đỡ vất vả hơn trước nhờ đưa máy móc vào phục vụ làm đất và áp dụng tưới nước cho cây trồng bằng các hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động. Nông dân trồng đã sử dụng các máy xới đất chuyên dụng để làm đất trồng rau màu, giúp tiết kiệm khoảng 50% chi phí so với thuê mướn nhân công cuốc đất thủ công. Tại nhiều quận, huyện của thành phố, đã có hàng trăm héc-ta trồng rau màu và cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới phun, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh, giúp tưới nước cho cây một cách tiện lợi, nhanh chóng, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả và giảm chi phí.

Tiếp tục phát huy

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững hiện nay, ngành Nông nghiệp rất quan tâm thúc đẩy phát triển “cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa và các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa cũng giúp đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm và lao động chuyển dịch sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, cũng như giúp quản lý, sử dụng tiết kiệm nước, phân bón và các loại vật tư nông nghiệp đầu vào…để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng khan hiếm nguồn nước ngọt trong tương lai. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, cần giãn cách xã hội, thì việc tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng góp phần phòng, tránh dịch bệnh.

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, tại thành phố đã có trên 210 hộ dân được vay vốn ưu đãi lãi suất với tổng số tiền hơn 84,5 tỉ đồng để mua khoảng 100 máy GĐLH, 40 máy kéo và máy làm đất các loại… Thông qua việc thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND Cần Thơ ngày 3-11-2016 về Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 và nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp do các tổ chức quốc tế tài trợ: Dự án VnSAT, CoRIGAP,…nông dân cũng được hỗ trợ kinh phí để mua nhiều loại thiết bị, máy móc cơ giới phục vụ sản xuất. Đồng thời, nông dân được tập huấn và hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa, cũng như thành lập các hợp tác xã và các tổ, nhóm làm dịch vụ kỹ thuật để phục vụ các dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện thành phố đã củng cố và xây dựng được hơn 24 tổ, nhóm làm dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt, cung cấp các dịch vụ chủ yếu: bơm tưới, làm đất và thu hoạch bằng cơ giới. Ngoài ra, còn có khoảng 110 tổ dịch vụ phun thuốc, bón phân, sạ lúa kết hợp với bơm nước.

Ngành Nông nghiệp thành phố đang tiếp tục quan tâm phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình hỗ trợ của thành phố và các tổ chức Quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều nông dân, doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn tài trợ và vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư máy GĐLH, lò sấy, máy kéo, máy làm đất, máy cuốn rơm… Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân lựa chọn, thực hiện các mô hình và ứng dụng các loại máy móc hiệu quả.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết