Nghiên cứu mới của Đại học Yale (Mỹ) gần đây cho biết, chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) não bộ có thể tầm soát bệnh đa xơ cứng (MS) ở trẻ em trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện.
Ảnh: Hans India
Bệnh MS là một chứng rối loạn não bộ và tủy sống làm suy giảm chức năng thần kinh. Phần lớn trường hợp chỉ được phát hiện sau thời gian dài mắc bệnh, vì vậy rất khó để bác sĩ ngăn ngừa tình trạng khuyết tật cũng như rủi ro bệnh tái phát. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho biết họ bất ngờ phát hiện dấu hiệu sớm bệnh MS khi xem xét ảnh chụp MRI của 38 trẻ em thuộc 16 khu vực của 6 quốc gia. Những em nói trên đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do chứng đau đầu.
Công bố trên tạp chí thần kinh Neuroimmunology & Neuroinflammation, các nhà khoa học cho biết những trẻ có một chỉ dấu đặc trưng trong dịch não tủy hoặc có sự thay đổi trong tủy sống được ghi nhận qua ảnh chụp MRI là đối tượng có nguy cơ phát triển bệnh MS cao nhất. Cụ thể là trong vòng 2 năm sau khi phát hiện bất thường qua ảnh chụp MRI, có khoảng 42% số trẻ đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng đầu tiên của bệnh MS.
Việc phân tích ảnh chụp MRI để chẩn đoán bệnh MS khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào vốn chỉ có ở người lớn, vì vậy, trưởng nhóm nghiên cứu Naila Makhani hy vọng kết quả này có thể giúp bác sĩ có thêm công cụ chẩn đoán sớm ở trẻ em, từ đó đề ra giải pháp ngăn chặn và điều trị thích hợp.
* Trong một phát hiện liên quan đến bệnh đa xơ cứng, các nhà khoa học Mỹ cho biết liệu pháp kích thích điện não không xâm lấn có thể giảm đáng kể triệu chứng mệt mỏi – một trong những biểu hiện phổ biến nhất ảnh hưởng đến 3/4 số bệnh nhân.
Liệu pháp kích thích dòng điện trực tiếp xuyên sọ (tDCS) được thực hiện bằng cách truyền xung điện tần số thấp đến các điện cực dán trên da đầu của bệnh nhân, qua đó kích thích vùng não trước trán được cho có liên quan tình trạng mệt mỏi và rối loạn nhận thức. Trong thử nghiệm, các chuyên gia Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York cho 15 bệnh nhân MS trị liệu với phương pháp tDCS kết hợp tham gia trò chơi rèn luyện khả năng ghi nhớ và tốc độ xử lý của não bộ. Mỗi phiên điều trị kéo dài 20 phút với tần suất 5 buổi/tuần và tiến hành liên tiếp trong 4 tuần. Sau khi so sánh với 12 bệnh nhân điều trị bằng giả dược, nhóm nghiên cứu phát hiện những người tiếp nhận liệu pháp tDCS giảm 5-6 điểm trên tổng số 32 điểm trên thang đo mức độ mệt mỏi. Trái lại, triệu chứng này tăng 0,9 điểm ở nhóm đối chứng.
Đáng chú ý là hiệu quả điều trị được ghi nhận tích cực nhất ở những người trải qua các cơn mệt mỏi nghiêm trọng. Trong đó, người tiếp nhận điều trị nhiều lần có kết quả cao hơn so với đối tượng tham gia ít hơn. Thậm chí, bệnh nhân cho biết họ nhận thấy tình trạng mệt mỏi gần như trở về mức bình thường. Người bệnh cũng ít bị phản ứng phụ, nếu có chỉ là tình trạng ngứa ran lúc điều trị hoặc thỉnh thoảng bị đau đầu, chóng mặt.
ĐƯỜNG THẤT (Theo Science Daily)