05/12/2009 - 09:30

Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6/12/1989-6/12/2009)

Chung tay xây dựng quê hương

Phát huy bản chất của người lính cụ Hồ, thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Cần Thơ rất tích cực trong các phong trào hành động cách mạng tại địa phương- nhất là trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội... góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Những ngày cuối năm, đến khu vực Thới Trinh B (phường Thới An, quận Ô Môn) tôi nghe bà con nơi đây nhắc đến các cô chú Hội CCB phường với tình cảm quý mến và kính phục. Không chỉ vì những đóng góp của các cô chú trong công cuộc bảo vệ đất nước, mà cả những nỗ lực trong công cuộc xây dựng quê hương, nhất là trong phong trào xây dựng các cây cầu, tuyến đường mới trong phường thời gian gần đây.

Chú Phạm Quốc Hưng, hội viên Hội CCB xã Trường Long, huyện Phong Điền cho cá lóc ăn. Ảnh: P.L. 

Trước đây, cầu ông Năm ghe đáy, ở khu vực Thới Trinh B là cầu ván nhỏ hẹp, nhiều lần sửa chữa nhưng vẫn xuống cấp, bà con đi lại rất khó khăn. Trước nhu cầu bức xúc của nhân dân, Ban Chấp hành Hội CCB phường cùng Chi hội CCB khu vực Thới Trinh C đã vận động mạnh thường quân, bà con trong khu vực đóng góp 13,5 triệu đồng xây dựng thành cầu bê tông, ngang 2,5 mét, dài 11 mét kiên cố. Theo ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch Hội CCB phường, được sự đồng tình của bà con, Ban chấp hành Hội CCB phường, Chi hội CCB phối hợp với Ban Nhân dân khu vực tuyên truyền, vận động các hội viên CCB cùng nhân dân đóng góp ngày công xây dựng cầu. Các chú còn vận động gia đình bà Hinh tự nguyện di dời nhà để việc xây dựng cầu được đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài. Bà Thái Thị Hinh, 94 tuổi, nói: “Biết công trình xây dựng cầu có ảnh hưởng đến nhà của con tôi, tôi đã khuyên cháu chủ động dời nhà vào bên trong để công trình được thực hiện, sớm hoàn thành. Giờ cây cầu hoàn thành, xe cộ, người dân qua lại an toàn, không còn cảnh xe này qua xe kia phải đợi như trước đây, nên dẫu thiệt hại một ít nhưng gia đình cũng vui mà chấp nhận”.

Bà con ở đây kể lại, hôm bắc cầu, các cán bộ khu vực, hội viên CCB, nhiều bà con xúm lại người trộn hồ, người xây, người vác cát, đá... thật nhộn nhịp. Ông Trần Phước Đức, một người dân trong khu vực tích cực tham gia vận động, đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu, bộc bạch: “Cách làm của mấy anh CCB rất dân chủ, tất cả đều do dân quyết định như phương thức làm, cách đóng góp, bầu ban vận động... nên bà con rất đồng tình”. Không chỉ có bà con nhân dân, các hội viên CCB như ông Nguyễn Minh Công, Lê Đăng Quỳnh, Nguyễn Văn Thường cùng các cán bộ khu vực như ông Trần Công Danh, Nguyễn Thành Phương... luôn làm nòng cốt trong việc tham gia vận động, đóng góp tiền, ngày công lao động, nên đã tạo khí thế sôi nổi bà con hưởng ứng theo. Ông Nguyễn Minh Công, hội viên CCB khu vực Thới Trinh B, nói: “Nói phải đi đôi với làm, mình phải làm gương mới vận động được bà con làm theo. Đóng tiền thì phải đóng trước, khi xây dựng thì cũng phải xông vào trộn hồ, vác cát... cùng làm với bà con”.

Cùng với việc bắc cầu ở khu vực Thới Trinh C, trong năm 2009, Hội CCB phường Thới An đã vận động nhân dân bắc mới 1 cây cầu bê tông ở khu vực Thới Trinh C trị giá 27 triệu đồng; tham gia và vận động nhân dân đổ đá bụi 2 tuyến đường dài 2.412 mét, nạo vét kinh thủy lợi nội đồng bằng thủ công để đê bao khép kín phục vụ sản suất với chiều dài 1.150 mét... Ông Nguyễn Văn Thường, Chủ tịch Hội CCB phường Thới An, nói: “Mấy năm qua, làm bất cứ công trình gì, các hội viên CCB đều gương mẫu tham gia làm trước và vận động bà con nhân dân cùng làm. Nhờ vậy, các công trình chúng tôi đều thực hiện đạt chất lượng cao. Chúng tôi đang vận động chuẩn bị sang năm 2010 sẽ xây dựng mới một cây cầu bê tông, nhằm hướng đến xóa cầu ván tạm bợ ở khu vực này”.

* * *

Như nhiều gia đình ở xã Trường Long, các hội viên CCB ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, thu nhập thấp, lại thường xuyên đau yếu, bệnh tật nên còn nhiều hội viên có hoàn cảnh rất khó khăn. Bằng nhiều hoạt động, như thành lập tổ hùn vốn vay vòng, bảo lãnh cho hội viên vay vốn... năm 2009, có 6 hội viên CCB xã Trường Long vươn lên thoát nghèo, chiếm 31% tổng số hội viên CCB nghèo của xã.

Nổi bật trong công tác chăm lo cho hội viên CCB nghèo của xã Trường Long là hoạt động bảo lãnh cho hội viên vay vốn, phát triển sản xuất. Năm qua, Hội CCB xã đã thành lập 12 tổ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng, phát vay cho hơn 300 hội viên phát triển sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội còn vận động anh em hội viên đóng góp vào tổ hùn vốn xoay vòng, để tương trợ những trường hợp gặp khó khăn đột xuất... Chú Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Hội CCB xã Trường Long, cho biết: “Thông thường, trong mỗi lần họp lệ, anh em tự nguyện đóng góp 30- 50 ngàn đồng, có chi hội còn linh hoạt góp theo vụ mùa ba tháng góp 300 ngàn đồng... Việc làm này tuy nhỏ, nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn, bởi giúp những hội viên giải quyết kịp thời những khó khăn”. Song song đó, Hội còn xây dựng nguồn quỹ, mỗi hội viên đóng góp 5 ngàn đồng/người/tháng, hàng năm xét thay lá lợp tôn cho một hội viên nghèo, trị giá 4,5 triệu đồng. Không dừng lại ở những hình thức đóng góp vật chất, những hội viên CCB ở đây còn đóng góp ngày công lao động, hỗ trợ vật liệu, cây con giống giúp những hội viên khó khăn hơn. Mỗi khi có hội viên nào được xét cất nhà tình nghĩa, tình thương... anh em đều tự nguyện đóng góp ngày công lao động. Chú Trần Văn Diễn, hội viên Hội CCB ấp Trường Thọ 2, bộc bạch: “Anh em sống với nhau cần nhất cái tình, mình không giúp đỡ được tiền bạc thì giúp một tay làm cái cột, cái kèo cũng quý. Từ đó tình đồng chí, đồng đội càng gắn chặt nhau hơn”.

Các hội viên Hội Cựu chiến binh và nhân dân ở khu vực Thới Trinh B (phường Thới An, quận Ô Môn) đóng góp tiền, ngày công xây dựng cầu bê tông trong khu vực. Ảnh: NGỌC QUYÊN. 

Hội CCB xã Trường Long xác định muốn giúp hội viên thoát nghèo bền vững thì không chỉ giúp về vật chất, công sức mà phải giúp cả về kỹ thuật, chỉ dẫn cho họ có đường đi nước bước để làm ăn sinh lợi. Cũng chính vì ý tưởng đó mà trong năm 2009, Hội CCB xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Nuôi cá lóc trong vèo ở ấp Trường Thọ 2 gồm 11 CCB và 9 hộ dân trong vùng, bước đầu mang lại kết quả khá. Chú Phạm Quốc Hưng, hội viên CCB và cũng là thành viên CLB Nuôi cá lóc trong vèo, chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng nuôi cá lóc nhiều năm, nhưng là tự phát, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, chưa biết nhiều về kỹ thuật. Đồng thời thiếu vốn đầu tư, gia đình phải vay mượn bên ngoài, lợi nhuận không nhiều. Nhờ Hội CCB bảo lãnh cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật nên những năm gần đây nuôi cá đạt hiệu quả, cuộc sống gia đình tạm ổn định”.

Chú Nguyễn Văn Lắm cho biết thêm, nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình, thời gian qua Hội CCB xã còn giới thiệu việc làm, học nghề cho khoảng 20 con em CCB vào các xí nghiệp, khu chế xuất... Tiêu biểu như trường hợp của chú Nguyễn Hữu Nghề, tuổi đã ngoài 50, sức khỏe yếu nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hội CCB xã giới thiệu cho vào làm bảo vệ tại Xí nghiệp May Phong Điền. Không chỉ giúp đỡ động viên anh em vượt khó, hội CCB xã luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng hội viên nhằm kịp thời giúp đỡ những trường hợp khó khăn, đau ốm cũng như phát huy ý chí tự lực, tự cường sẵn có trong mỗi người lính. Chú Lê Quang Trung, chú Lê Văn Tộ đều là thương binh 2/4, bị thương ở chiến trường Campuchia, đi lại khó khăn nhưng hàng đêm dùng xuồng bắt cá, chuột, đặt trúm bắt lươn... thu nhập hơn 60 ngàn đồng/ngày và dần đã ổn định cuộc sống. Ngoài những hoạt động tương trợ, giúp hội viên vượt khó, Hội CCB xã cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho những hội viên tuổi cao, bệnh tật ... Trong Hội, hiện có chú Phạm Tiến Lên, thương binh 4/4, đang bệnh xơ gan nặng, Hội đã hỗ trợ tiền giúp chú trị bệnh và động viên hội viên đóng góp giúp đỡ gia đình chú được 2,5 triệu đồng. Chú Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Hội CCB xã, cho biết: “Thời gian tới, Hội CCB xã sẽ đề xuất lãnh đạo địa phương xây cất nhà tình thương cho những hội viên chưa có nhà, lập dự án vay vốn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và quan trọng hơn hết là phát huy tinh thần tự cường, chất lính trong con người mỗi anh em CCB, để hội viên CCB ngày càng vươn lên làm giàu cho bản thân và đóng góp dựng xây đất nước”.

* * *

“Là chiến sĩ dân quân tự vệ, anh T. tích cực tham gia các hoạt động tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh trật tự. Không chỉ thế, anh còn nhiều lần tham gia lao động giúp dân” - nghe những lời nhận xét tốt đẹp của lãnh đạo phường An Cư, quận Ninh Kiều, về anh V.M.T, nhất là nhìn gương mặt rạng rỡ, tác phong nhanh nhẹn của anh, ít ai ngờ rằng cách đây không lâu, anh T. là một trong những đối tượng nghiện ma túy. Nhờ các đồng chí Chi hội CCB khu vực giáo dục, khuyên răn mà anh T. đã cai nghiện, làm lại cuộc đời. Trò chuyện với chúng tôi, anh T. không giấu được xúc động: “Các chú CCB là vị cứu tinh, là người “cha” sinh tôi ra lần thứ hai... Không có các chú ấy, tôi không thể hình dung được cuộc đời mình sẽ đi về đâu”...

Theo chú Phạm Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội CCB phường An Cư, quận Ninh Kiều, để thực hiện chương trình “6 không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không bạo lực gia đình, không khiếu kiện) của Hội CCB TP Cần Thơ đề ra, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân, Hội CCB phường phối hợp với công an tiến hành khảo sát số đối tượng trên địa bàn, tổ chức cho các đối tượng ký cam kết trở thành người tốt, phân công từng chi hội thực hiện việc giáo dục, cảm hóa đối tượng... Chú Phạm Xuân Thanh nhớ lại: “Ban đầu, việc cảm hóa, giáo dục các đối tượng của Hội CCB phường gặp không ít khó khăn, do các đối tượng khó tiếp cận. Từ thực tế đó, thường trực Hội đã họp bàn, đề ra mô hình “2+1”, tức là một CCB và 1 người đã tiến bộ đến giáo dục đối tượng chưa tiến bộ; và mô hình “3+1” tức là 1 CCB, 1 người đã tiến bộ và 1 thân nhân của người đã tiến bộ cùng giáo dục 1 đối tượng chưa tiến bộ”. Với sự tận tâm, nỗ lực và phương pháp giáo dục thích hợp của các hội viên CCB phường An Cư, nhiều đối tượng chậm tiến đã từng bước tiến bộ. Như chị N.T.H, ở khu vực 1, trước đây là gái mại dâm. Chi hội CCB Khu vực 1 đã phân công cô Bùi Thị Lan và một người bạn gái của chị N.T.H thường xuyên đến nhà khuyên nhủ chị H. Sau thời gian kiên trì vận động, thuyết phục, chị N.T.H đã từ bỏ con đường mại dâm. Gần đây, chị H. đã lập gia đình, tu chí làm ăn. Trường hợp anh V.M.T, đã cai nghiện ma túy, còn tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương...

Năm 2009, hội viên CCB đã đóng góp tiền và gần 3.700 ngày công, trị giá trên 3,55 tỉ đồng để xây dựng 36.238m đường giao thông nông thôn; xây dựng và sửa chữa 53 cây cầu; nâng cấp 14.798m đường hẻm bê tông; phát quang lộ giới 38.112m...

Huy động vốn nội bộ hơn 14,5 tỉ đồng giúp các CCB có hoàn cảnh khó khăn; bảo lãnh cho các CCB vay 5,89 tỉ đồng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng; hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 292 con em hội viên và CQN; xây dựng và sửa chữa 137 căn nhà đồng đội; vận động giúp đỡ hội viên nghèo trên 500 triệu đồng...

10.406 lượt hội viên CCB và cựu quân nhân (CQN) đã phối hợp với công an thực hiện 4.947 cuộc tuần tra canh gác; bắt trên 340 vụ cờ bạc, ma túy, giải tán 174 vụ vi phạm, làm mất an ninh trật tự; bắt 447 đối tượng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận ra rằng, không chỉ có phương pháp hay, mà sự nhiệt tình, tấm lòng và tình cảm chân tình của các cô chú CCB đã đưa nhiều đối tượng tưởng chừng “không thể cải tạo” ở phường An Cư về với đường ngay. Như trường hợp anh N.V.H ở khu vực 5, trước đây bị bạn bè xấu rủ rê nên nghiện ma túy, dù gia đình hết lời can ngăn, khuyên nhủ. Nhận nhiệm vụ giáo dục H., chú Phan Văn Nguyện, hội viên CCB của Chi hội khu vực 5, phải nhiều lần nhờ anh Đ., bạn thân của H. (cũng từng là đối tượng sử dụng ma túy đã được giáo dục tiến bộ) rủ H. đi uống cà phê để chú tiếp cận. Bên cạnh việc kiên trì khuyên nhủ, phân tích cho H. thấy tác hại của việc sử dụng ma túy, động viên H. học nghề, chú Nguyện còn dành thời gian đưa H. lên tận tỉnh Đắc Lắc để cách xa môi trường ma túy... Thấy chú Nguyện nhiệt tình, lời khuyên của chú là đúng đắn, nên H. đã quyết tâm từ bỏ con đường ma túy. Hiện nay, anh đã có vợ và làm nghề lái xe taxi. Chú Phan Văn Nguyện chia sẻ: “Để việc giáo dục, cảm hóa các đối tượng hiệu quả, ngoài việc gần gũi, khuyên nhủ chân thành và môi trường lành mạnh để đối tượng sửa đổi, cần tránh thái độ kỳ thị, xa lánh. Qua giáo dục, cảm hóa, thấy các cháu tiến bộ nhanh tôi rất mừng!”.

Từ đầu năm 2007 đến nay, nhờ thực hiện mô hình “2+1”, “3+1” và bằng sự nhiệt tình, tâm huyết của các cán bộ, hội viên, Hội CCB phường An Cư đã giáo dục và cảm hóa được 15 đối tượng chậm tiến trở thành người tiến bộ. Hội CCB phường An Cư cũng vinh dự được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen là đơn vị Hội cơ sở tiêu biểu nhất 13 tỉnh ĐBSCL về công tác giáo dục, cảm hóa các đối tượng tệ nạn xã hội và phạm tội.

AN-THY-LAM

Chia sẻ bài viết