26/07/2014 - 08:45

Chung tay lo chuyện đền ơn đáp nghĩa

 ĐVTN quận Ninh Kiều và phường An Bình đến thăm và nghe Mẹ VNAH Phan Thị Nở kể về phong trào cách mạng địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.  Ảnh: HOÀI THU

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau, những vết thương chiến tranh để lại còn kéo dài nhiều năm. Bao người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mồ côi cha, mẹ. Bao người lính đã gửi một phần xương thịt lại chiến trường, mỗi khi trái gió trở trời lại nhức nhối thịt da, không ít trường hợp mất sức lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Tình yêu thương, sự san sẻ của cộng đồng, của những người đồng chí đồng đội là niềm động viên lớn lao để giúp họ có thêm nghị lực, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Bài 2: ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

* Đầm ấm nghĩa tình...

Khuôn viên nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Phan Thị Nở (phường An Bình, quận Ninh Kiều) một ngày trung tuần tháng bảy rộn rã hẳn lên bởi tiếng cười, nói của các đoàn viên thanh niên. Các bạn giúp Mẹ làm cỏ, quét sân, chăm sóc các chậu hoa xung quanh nhà, mé những cành cây khô trong vườn đề phòng đổ ngã trong mùa mưa bão. Công việc hoàn tất, các bạn lại ngồi xúm xít quanh Mẹ, đòi nghe chuyện thời kháng chiến. Từng vào tù ra khám, Mẹ chịu nhiều nhục hình tra tấn của địch. Chồng và con trai duy nhất của Mẹ đều đã hy sinh. Giọng mẹ xúc động: “Mẹ mất chồng, mất con nhưng giờ đây mẹ lại có hàng trăm đứa con. Mấy năm nay chính quyền địa phương đã chăm lo Mẹ rất chu đáo… Mẹ cảm thấy ấm lòng lắm”.

Thời gian qua, nhiều đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn như Mẹ Nở được địa phương, cộng đồng chăm sóc chu đáo. Trong dịp dự kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn Tây Đô, chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện đầy cảm động. Cùng với việc vận động tiền cất nhà đồng đội, nhiều năm qua, Ban Liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô đã mướn người chăm sóc cho những đồng đội già yếu không có vợ, con cho đến khi qua đời.

Cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh (CCB) phường Ba Láng, Cái Răng, chúng tôi ghé thăm chú Nguyễn Văn Tòng, vừa xuất viện sau cơn bạo bệnh. Hoàn cảnh chú Tòng rất khó khăn, không đất đai sản xuất. Để mưu sinh, chú Tòng đi làm phụ hồ. Những năm gần đây, chú đau bệnh triền miên, sức khỏe yếu, không còn sức lao động. Thêm vào đó, năm trước vợ chú qua đời, con thì ở xa, không thể chăm sóc chú lúc tuổi già. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, mỗi khi chú Tòng bị bệnh, Hội CCB quận, phường, chi hội CCB khu vực đều kêu gọi hội viên đóng góp tiền để hỗ trợ, chăm lo cho chú Tòng. Hoặc như Hội CCB phường Phú Thứ, Cái Răng, khi biết CCB Huỳnh Văn Hải gặp khó khăn, nhà nghèo, vợ vừa mất, 3 con còn nhỏ, Hội CCB phường đã bảo lãnh để anh Hải được vay vốn sản xuất; đồng thời thường xuyên tặng tập, sách... tạo điều kiện để các con anh Hải đến trường.

Là lực lượng xung kích, tình nguyện, thời gian qua, tuổi trẻ TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều công trình, phần việc, góp phần tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, các cơ sở Đoàn đã vận động tiền tặng gần 4.000 phần quà; tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 45.000 ngàn lượt bệnh nhân thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách. Điển hình như phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Với đặc điểm có nhiều công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn, hàng năm, trong các dịp lễ, Tết, ngoài các phần quà của các ngành, các cấp, địa phương đã vận động các doanh nghiệp tặng quà cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

* Cùng nhau vượt khó

Đã gần 11 giờ trưa, nhưng ông Ngô Hoàng Lợi, thương binh 4/4 (khu vực Phú Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) vẫn cặm cụi chăm sóc vườn cây ăn trái. 62 tuổi, mái tóc đã điểm sương, làn da sạm nắng, dáng đi hơi khập khiễng do bị thương trong chiến tranh nhưng ông vẫn nhanh nhẹn trong từng thao tác bón phân, xịt thuốc. Đi từng bước thong dong trong vườn cây xanh tốt, thế hệ trẻ như chúng tôi mấy ai biết mảnh đất này từng “oằn” mình bởi đạn cày bom xới. Sau ngày đất nước giải phóng, ông Lợi và gia đình đã cật lực cải tạo ruộng, vườn. Một mặt, ông làm đê bao để tăng vụ lúa, mặt khác phá bỏ vườn tạp, lên liếp trồng cây ăn trái đạt hiệu quả kinh tế. Ông bộc bạch: “Nói suông thì nghe nhẹ nhàng lắm, nhưng đó là cả quá trình nhọc nhằn. Từng tấc đất đã thấm đẫm mồ hôi của vợ chồng tôi”. Là thương binh, những vết thương còn hằn sâu trên đầu, vai, tay... khiến ông luôn đau nhức lúc trái gió trở trời. Dù vậy, ông không bỏ qua một lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật nào do địa phương tổ chức. Nghe ai có kinh nghiệm hay, nơi nào có mô hình sản xuất hiệu quả là ông tìm đến học tập. Ông kể: “Vừa cải tạo đất, vừa mua cây, con giống, tôi không biết xoay đâu ra tiền. Đang lúc thắt ngặt, tôi được Hội CCB bảo lãnh cho vay tiền, mừng thiệt mừng”. Cứ thế hàng chục năm qua, ông vay tiền rồi hoàn vốn, hoàn vốn lại tiếp tục vay. Đến nay, ông đã cải tạo toàn bộ 10 công đất thành vườn cây ăn trái đặc sản, kết hợp nuôi cá, nuôi heo. “Không chỉ giúp tôi vay vốn, Hội CCB còn phối hợp ngành nông nghiệp hỗ trợ cho tôi các giống cây: dừa xiêm lùn, nhãn, rồi cho cả giống cá để thả nuôi. Nhờ vậy kinh tế gia đình ngày một khấm khá”- Ông Lợi nói.

Cũng như ông Lợi, hai mươi mấy năm trước, xuất ngũ trở về quê, với 1,5 công đất ruộng, gia đình ông Nguyễn Thành Phương, CCB ở ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ông kể: “Đang lúc khổ, tôi được tổ chức Hội CCB quan tâm, khi thì hỗ trợ vốn, cây con giống, lúc thì kỹ thuật sản xuất... Nhờ vậy, tôi mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, trồng cây ăn trái đặc sản, đào ao nuôi cá; còn ruộng lúa thì tôi chú trọng trồng lúa chất lượng cao”. Từ sự hỗ trợ của tổ chức Hội cộng với nghị lực của người lính, sự cần cù hôm sớm, ông Phương dần tích lũy và sang thêm được 1,2 ha đất, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.

Theo báo cáo của Hội CCB thành phố Cần Thơ, những năm qua, các cấp Hội CCB đã đa dạng các hình thức tạo nguồn vốn, như vay ngân hàng chính sách xã hội, vay các tổ chức tín dụng, vay vốn nội bộ lãi suất thấp, vốn xoay vòng không tính lãi...với tổng số tiền khoảng 120 tỉ đồng. Từ các nguồn vốn trên đã góp phần giúp cán bộ, hội viên CCB làm kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Tính đến nay, Hội CCB thành phố chỉ còn 1,04% hộ hội viên nghèo và 2,33% hộ hội viên cận nghèo.

* Tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Công tác chăm lo gia đình chính sách của TP Cần Thơ còn được thể hiện trên các mặt: đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bên cạnh các hoạt động dạy nghề cho con em gia đình chính sách của ngành lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2013 đến nay, các cơ sở Đoàn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 bộ đội xuất ngũ; Hội CCB các cấp tập trung phát triển những mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Tại cơ sở bê tông đúc sẵn thuộc khu vực 2, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, không khí lao động rất khẩn trương. Nhiều năm qua, cơ sở này đã giúp nhiều CCB tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nói về công việc của mình, chú Nguyễn Văn Đang, 60 tuổi, bộc bạch: “Sau khi xuất ngũ, do mất sức, tôi không thể lao động nặng được, kinh tế gia đình rất khó khăn. May nhờ chú Thao hướng dẫn nghề rồi nhận tôi vào làm việc tại cơ sở, ưu tiên cho tôi làm những việc nhẹ phù hợp với sức khỏe, nên kinh tế cũng dần ổn định hơn”.

Năm 1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, chú Bùi Công Thao - người Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 92, lập nghiệp tại Bình Thủy. 5 năm sau đó, từ nguồn vốn và kỹ thuật tích lũy trong những tháng ngày làm hồ, chú Thao và một người bạn thuê mặt bằng, mở cơ sở bê tông đúc sẵn. Công việc làm ăn phát triển, gia đình chú Thao thoát nghèo. Thấy vậy, năm 2006, chú quyết định mở rộng qui mô sản xuất, tập hợp nhiều CCB để dạy nghề và nhận vào làm việc. Đông người lao động, số lượng hàng sản xuất nhiều nhưng lại chưa có thương hiệu, mức tiêu thụ chậm, vốn ít nên cơ sở gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn, một mặt, chú đến các cơ sở bán vật liệu xây dựng để giới thiệu hàng hóa, mặt khác, chú động viên anh em trong quá trình sản xuất phải thận trọng, sản phẩm làm ra phải đẹp, đảm bảo chất lượng. Những lúc thiếu vốn, chú lập dự án, rồi nhờ Hội CCB phường bảo lãnh để vay ngân hàng. Nhờ kiên trì bám nghề, lấy chữ tín làm đầu nên đến nay, mẫu mã, chất lượng sản phẩm của cơ sở đã được nhiều khách hàng chấp nhận. Hiện thu nhập của các CCB làm việc tại cơ sở trung bình khoảng 5 triệu đồng/1 tháng.

Cùng với cơ sở bê tông đúc sẵn, phong trào kinh tế hợp tác trong Hội CCB ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tính đến nay, toàn thành phố xây dựng được 8 hợp tác xã; 51 tổ hợp tác và CLB sản xuất, như: Trồng màu, đan bội ở Phong Điền; Ươm cá giống, nuôi bò ở Cờ Đỏ; Trồng hoa kiểng ở Ninh Kiều; Trồng lúa ở Vĩnh Thạnh... thu hút trên 1.000 lao động.

SỸ KHANG  

Bài 3: TRỌN NIỀM TRI ÂN

Chia sẻ bài viết