25/08/2024 - 22:17

Chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em 

Thực hiện dự án “Tiếng nói cầu vồng - Tăng cường sự tham gia của trẻ và thanh thiếu niên với sự đa dạng về tính dục, giới tính trong quá trình phát triển chính sách Việt Nam giai đoạn 2022-2024” do tổ chức Save the Children (SCI) tài trợ, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ đã phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức phòng, chống bạo lực, xâm hại trên cơ sở giới đối với trẻ em (TE) tại gia đình và cộng đồng.

Học sinh Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền hào hứng tham gia chương trình truyền thông phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Trong không khí náo nức chuẩn bị vào năm học mới, được sự hỗ trợ của Trung tâm CTXH thành phố, Trường THCS Trường Long, huyện Phong Điền tổ chức chương trình sinh hoạt truyền thông phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, thu hút khoảng 100 học sinh tham dự. Xoay quanh chủ đề “Phòng ngừa xâm hại TE”, nhóm học sinh nòng cốt của trường truyền thông đến các học sinh kiến thức về phòng, chống bạo lực; các hình thức bạo lực, xâm hại trên cơ sở giới; nhận diện, xác định các cử chỉ, hành vi của kẻ xấu… Thông qua các trò chơi và trả lời câu hỏi trắc nghiệm, chương trình giúp các em củng cố và nâng cao kỹ năng, phương pháp tự vệ an toàn bản thân trước những tình huống, nguy cơ bị xâm hại… Thầy Phạm Đình Tùng, Tổng phụ trách Đội nhà trường, chia sẻ: “Tôi được tham gia khóa tập huấn giảng viên nguồn do dự án tổ chức, cập nhật rất nhiều kiến thức cần thiết trong chuyên môn, lĩnh vực công tác. Từ đó, tôi truyền đạt và phối hợp nhóm học sinh nòng cốt có sáng kiến tổ chức hoạt động truyền thông, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng sống bổ ích cho các em”. 

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, Trung tâm CTXH thành phố phối hợp Trường THCS Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh vừa tổ chức cuộc đối thoại học đường giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Các nhóm đối tượng tham gia trình bày tâm tư, nguyện vọng cũng như những kiến nghị để đảm bảo TE được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh. Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Thạnh Quới, đối thoại học đường là dịp để nhà trường, gia đình “lắng nghe” con em bày tỏ ý kiến và nguyện vọng chính đáng cần được quan tâm, tôn trọng. Đồng thời, nhà trường, gia đình đề ra giải pháp để chăm sóc và giáo dục các em chu đáo, hiệu quả hơn, đảm bảo thực hiện quyền TE.  

Trước đó, Trung tâm CTXH thành phố phối hợp các trường THCS trên địa bàn thành phố tổ chức các sáng kiến sinh hoạt truyền thông. Cụ thể, Trường THCS Nhơn Ái, huyện Phong Điền tổ chức chương trình “Rung chuông vàng”; Trường THCS Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh với chương trình hội thao hè, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Trường THCS-THPT Thới Thạnh, huyện Thới Lai với chương trình truyền thông diễn tiểu phẩm về phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống bạo lực học đường trên cơ sở giới… Qua đó, học sinh phát huy sáng kiến, tích cực tham gia các hoạt động tập thể; có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm, kỹ năng sống; đoàn kết, gắn bó trong môi trường học tập an toàn, lành mạnh. Ông Nguyễn Trung Hậu, điều phối viên dự án Tiếng nói cầu vồng, chia sẻ: “Sau khi tham gia khóa tập huấn giảng viên nguồn, nhóm giáo viên nòng cốt truyền đạt cho nhóm học sinh nòng cốt, cùng đóng góp sáng kiến tổ chức các chương trình truyền thông phù hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại, bắt nạt, tai nạn thương tích TE”.

Để hoạt động truyền thông hiệu quả, Ban quản lý dự án tổ chức tập huấn giảng viên nguồn cho giáo viên và học sinh nòng cốt về giáo dục sức khỏe sinh sản toàn diện, đa dạng giới và tính dục, quyền TE; hỗ trợ tổ chức hoạt động do TE phụ trách trong các câu lạc bộ ở trường học nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, giáo dục giới tính toàn diện; tập huấn, hướng dẫn giáo viên tại các trường học có mô hình câu lạc bộ Tuổi hồng về thực hiện sáng kiến của học sinh tại trường học... Ban quản lý dự án đã hỗ trợ tổ chức 6 cuộc đối thoại học đường tại các trường THCS: Thới An Đông, Trường Long, Tân Thới, Thạnh Quới và THCS - THPT Thới Thạnh, khoảng 470 người dự. Đồng thời, hỗ trợ chuyển giao các phương pháp, kỹ thuật, tạo điều kiện để nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động tương tự trong thời gian tới. Qua đó, thúc đẩy xây dựng trường học hòa nhập, không phân biệt đối xử và phòng, chống bạo lực giới đối với TE.

Theo Ban quản lý dự án, hầu hết hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ, chăm sóc TE của dự án phù hợp tình hình thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu thiết thực của giáo viên, học sinh. Qua đó, nổi bật một số mô hình hay, hiệu quả được nhân rộng tại các địa phương. Thời gian tới, Ban quản lý dự án tăng cường tập huấn, hướng dẫn giáo viên và học sinh nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng xây dựng và phát huy sáng kiến tổ chức các chương trình truyền thông liên quan bảo vệ, chăm sóc TE tại gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết