01/08/2020 - 19:54

Chuẩn bị tâm thế để khai thác tốt thị trường EU 

Sau một thập kỷ nỗ lực không ngừng, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và hiệp định này chính thức có hiệu lực từ 1-8-2020. EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi phát triển thị trường xuất khẩu sang Liên minh châu Âu. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), xoay quanh sự kiện này.

* Thưa bà, EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ tác động tích cực như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

- EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu. Sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam - châu Âu sẽ tăng đáng kể, các ngành như: dệt may, chế biến thực phẩm có cơ hội để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu… Ðây là thị trường nhập khẩu lớn với 28 quốc gia (bao gồm cả Anh), 508 triệu dân, là nhà nhập khẩu lớn thứ hai thế giới về thủy sản, thứ nhất thế giới về rau quả, dệt may và là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Hoa Kỳ, Trung Quốc. Các DN Việt Nam sẽ tận dụng các ưu đãi về thuế (đối với các DN đang xuất khẩu vào thị trường châu Âu), rút ngắn con đường xuất khẩu (đối với các DN chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường này) vì hiện những quốc gia có điều kiện cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan chưa ký kết hiệp định với Liên minh châu Âu. Ðặc biệt, hiệp định có nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực, sẽ là động lực để đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, công khai, minh bạch nhiều thủ tục theo hướng văn minh và phát triển.

* Bà nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức mà EVFTA mang lại cho Việt Nam nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng?

- Hiệp định tạo nhiều điều kiện và cơ hội để đẩy mạnh phát triển các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu nông sản, thuỷ hải sản, rau quả và trái cây vào thị trường Liên minh châu Âu trong thời gian tới, mà đây là những ngành thế mạnh của vùng ÐBSCL. DN sẽ nhập khẩu các hàng hóa, nguyên vật liệu từ châu Âu với giá cả hợp lý hơn; thuận lợi hơn trong tiếp cận máy móc, thiết bị, công nghệ kỹ thuật cao từ các nước thành viên trong hiệp định. Mở ra cơ hội hợp tác và thúc đẩy sáng kiến kinh doanh trong các lĩnh vực công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo cho các DN Việt Nam và châu Âu. Ðặc biệt là cơ hội về hợp tác trao đổi nguồn gen được quy định trong Ðiều 13.7 của hiệp định, phù hợp với công ước về đa dạng sinh học, giúp nghiên cứu, phát triển hay bảo tồn đa dạng sinh học trong điều kiện đảm bảo cho phát triển môi trường bền vững. Ðiều này rất quan trọng cho vùng ÐBSCL khi mà chúng ta đang đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng.

VCCI Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA. Ảnh: N.H

Tuy nhiên, châu Âu là một thị trường khó tính, luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, những yêu cầu về bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn về lao động cũng là thách thức quan trọng với DN Việt khi thâm nhập vào thị trường này. Sức ép cạnh tranh trên sân nhà cũng là một thách thức không nhỏ với DN Việt Nam vì ngay khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam phải mở cửa thị trường cho các sản phẩm hàng hóa của châu Âu với ưu điểm về chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, vệ sinh và ứng dụng tốt các yếu tố công nghệ mới.

* Vậy theo bà, các DN ÐBSCL nói chung, DN TP Cần Thơ nói riêng có dành mức độ quan tâm, sự chuẩn bị hợp lý với EVFTA?

- Chúng tôi đánh giá mức độ quan tâm và sự chuẩn bị của các DN tại khu vực này về EVFTA đã có những thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực. Kết quả từ cuộc điều tra của VCCI Cần Thơ vào tháng 4-2016 cho thấy chỉ có 21% DN hiểu biết về EVFTA, đa số chỉ “nghe nói” về nội dung hiệp định. Ngoài ra, có 54-62% DN cho rằng sẽ khó và rất khó để đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa, môi trường, điều kiện lao động, đầu tư công nghệ mới và nhân lực. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát nhanh tháng 5-2020 của VCCI Cần Thơ về “Nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu những tác động từ CPTPP và EVFTA đối với DN ÐBSCL” tại gần 150 DN của vùng ÐBSCL đang có hoạt động xuất nhập khẩu có hơn 61% DN quan tâm đến EVFTA. Nội dung được DN mong muốn tìm hiểu nhiều nhất là cam kết thuế quan và nguyên tắc xuất xứ hàng hóa; tiếp đến là rào cản kỹ thuật,... DN có đề xuất các nội dung cụ thể mong muốn được đào tạo hoặc tổ chức hội thảo để tiếp nhận thông tin. Ngoài ra, qua quá trình phỏng vấn nhanh trong các kỳ hội thảo, hội nghị về các hiệp định thương mại tự do cho thấy, các DN lớn đã và đang xuất khẩu sang châu Âu thì có tìm hiểu sâu, có các bước thực hiện cụ thể, thậm chí còn chủ động tìm đến VCCI Cần Thơ để nhờ tư vấn và hỗ trợ, còn phần lớn các DN nhỏ và vừa thì chỉ dừng lại ở mức độ quan tâm.

* Bà vui lòng cho biết VCCI Cần Thơ đã có các hoạt động hỗ trợ nào để giúp các DN vùng ÐBSCL tận dụng tốt các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết?

- Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ hội nhập quốc tế đã được VCCI Cần Thơ thực hiện từ rất lâu thông qua hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, diễn đàn các nước nhằm cung cấp thông tin thị trường cho DN trong vùng. Từ năm 2019, ngay khi CPTPP (Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực ngày 14-1-2019, VCCI Cần Thơ đã tăng cường các hoạt động về cung cấp thông tin cần thiết cho DN bằng cách phối hợp với các địa phương tổ chức hội thảo chuyên sâu về các thị trường trọng điểm của DN ÐBSCL và các hội thảo, tọa đàm chuyên đề về lao động và môi trường… Ngoài ra, Câu lạc bộ DN xuất khẩu (do VCCI Cần Thơ thành lập và vận hành) cũng đã tổ chức hàng loạt các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên sâu với các chuyên gia về cách thức cập nhật và tra cứu thuế xuất nhập khẩu, đọc hiểu quy tắc cụ thể mặt hàng và cách áp dụng hiệu quả các điều kiện ưu đãi thuế quan trong CPTPP. Gần đây nhất, năm 2020, VCCI Cần Thơ đã thực hiện khảo sát về nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu các thông tin về tác động CPTPP và EVFTA đối với DN xuất nhập khẩu khu vực ÐBSCL và các đơn vị hỗ trợ xúc tiến trong khu vực ÐBSCL. Trên cơ sở đó, VCCI Cần Thơ sẽ phối hợp với các đơn vị xúc tiến trong vùng hỗ trợ DN hội nhập một cách hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn bà!

Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Liên minh châu Âu

(Đơn vị: Triệu USD)

 (Nguồn: Tổng Cục Hải  quan)

Các mặt hàng, thị trường xuất khẩu và nhập khẩu chính

 (Nguồn: Tổng Cục Hải  quan)

NAM HƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết