09/05/2021 - 11:41

Chùa Ông ở vàm Đầu Sấu 

Trần Kiều Quang

Tọa lạc tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chùa Ông ở vàm Ðầu Sấu có những đặc điểm thờ tự rất riêng.

Chùa Ông ở vàm Đầu Sấu.

Vài nét về ngôi chùa

Chùa Ông ở vàm Ðầu Sấu tọa lạc tại khu vực 1, phường An Bình. Ngoài các giá trị lịch sử, tín ngưỡng, ngôi chùa còn có sự tích hợp, giao lưu văn hóa hết sức độc đáo.

Những người trong Ban trị sự chùa cũng không biết chính xác ngôi chùa được xây dựng từ năm nào, chỉ biết cổ tự này tồn tại đã trên trăm năm và diện mạo của ngôi chùa hiện nay là kết quả của đợt trùng tu năm 2014. Ðặc biệt, trong chùa còn lưu lại tấm biển ghi tên những người đầu tiên chung tay góp sức xây dựng chùa trong những ngày đầu thành lập. Tiêu đề của tấm biển này được ghi là “Phương danh chư vị tiền bối khai sơn tạo tự”, bên dưới liệt kê danh sách 28 người có đóng góp, bao gồm các chức sắc địa phương như Hương Cả, Hương Nhứt, Hương Hào, Ông Cả, Ông Hội đồng... Ghi chép này mở ra một hướng nghiên cứu về lịch sử ngôi chùa, vì nếu biết được lai lịch của các vị này, sẽ có cơ sở xác định được năm xây dựng cũng như quá trình hình thành ngôi chùa.

Ấn tượng đầu tiên khi khách đến viếng là cổng chùa cổ kính và dãy tường phía trước được trang trí bằng nhiều bức tranh phong cảnh, chim muông... với màu sắc trang nhã, đẹp mắt. Phía trên cổng chùa là tấm biển có hình dạng cuốn thư, trên đó có ghi tên chùa và năm trùng tu. Phía trên cùng của tấm biển này có đắp nổi tượng lưỡng long tranh châu, cùng nhiều hoa văn họa tiết khác. Hai bên cột cổng có hai câu đối bằng chữ Quốc ngữ: “Quốc thái dân an - Mưa thuận gió hòa”.

Tiếp giáp với cổng là một khoảng sân rộng, nằm về bên phải có tôn trí tượng đức Quan Âm, để lộ thiên. Cách tượng Quan Âm vài mét về phía trong là nhà khách - nơi dùng để tiếp khách mỗi khi chùa tổ chức lễ hội. Trong cùng là khu vực thờ tự chính của ngôi chùa. Kiến trúc của khu vực này khá đơn giản, trên mái nóc không có trang trí nhiều họa tiết, hay quần thể tiểu tượng như nhiều ngôi chùa Ông khác. Bước vào bên trong khu vực này, điều nhận thấy đầu tiên là bàn thờ hai vị Phật A Di Ðà và Thích Ca được đặt ở hai bên của khu vực tiền điện. Gian chính điện được bố trí trong cùng, trên đó có đặt tượng thờ Quan Công trên một bục cao, dáng vẻ hùng dũng, uy nghiêm. Hai bên tượng Quan Công là tượng của Châu Xương và Quan Bình, được đặt thấp hơn một chút. Một người trên tay cầm Thanh Long đao, một người thì cầm hộp ấn Hán Thọ Ðình Hầu. Hai bên gian chính điện này là gian thờ của Thần Nông, Thần Hổ, Cậu Tài - Cậu Quí, chiến sĩ trận vong. Ngoài ra ở hai bên vách chùa còn có bàn thờ của Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Vãng...

Ngoài việc bài trí các bàn thờ, trong chính điện còn được tô điểm bởi những màu sắc rực rỡ của hình vẽ rồng quấn quanh cột chùa, hàng bát bửu được đặt trước gian chính điện, cùng với nhiều hoành phi, câu đối khác, khiến cho ngôi chùa càng tôn nghiêm. Hằng năm, chùa có ba kỳ lễ: ngày 12-13 tháng Giêng âm lịch là Lễ Cầu an và Hạ điền; ngày 12-13 tháng 5 âm lịch là Vía Ông; ngày 12-13 tháng Chạp là Lễ Thượng điền. Vào mỗi kỳ lễ, chùa thu hút đông đảo người dân ở địa phương cũng như du khách ở các địa phương khác đến dự.

Đối tượng thờ cúng trong chùa

Nhìn vào các đối tượng thờ cúng, cách bài trí bàn thờ, cũng như lịch lễ hội của chùa, chúng ta thấy có sự giao nhau trong tín ngưỡng và lễ hội của chùa với đình làng.

- Quan Công: Bản chất của việc thờ Quan Công trước hết là nhằm để tôn vinh những đức tính cao đẹp của con người trong cuộc sống. Ðó là trung, hiếu, tiết, nghĩa mà Quan Công là nhân vật điển hình. Quan Công “được hiểu như là một biểu tượng của tinh thần trọng nhân nghĩa, trung tín, hoạn nạn có nhau, bần cùng không biến tâm, giàu sang không đổi chí, trong mọi hoàn cảnh vẫn một dạ chẳng hai lòng… Những đức tính đó có tác dụng không nhỏ đối với những người nuôi chí lớn, muốn tụ nghĩa để trừ gian, diệt giặc, cứu khốn phò nguy, cứu vớt giang san giữa cơn ly loạn… Thờ Quan Thánh hiểu cho sâu xa không phải chỉ là sùng bái cá nhân Quan Vũ thời Tam Quốc, nét nổi bật là thờ Quan Công để nhắc nhở việc kết nghĩa, hoạn nạn giúp nhau”(1).

- Thần Nông: Thần Nông là vị thần gắn bó chặt chẽ với nền nông nghiệp nước ta. Ông có công dạy dân nghề làm ruộng, sáng tạo cày bừa, sử dụng trâu cày ruộng và là người đầu tiên đã làm ra Lễ Tịch điền (còn gọi là Lễ Hạ điền). Không chỉ dạy con người làm ruộng, Thần Nông còn hướng dẫn con người biết cách tìm cây thuốc để chữa bệnh. “Thần Nông là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân và 6 đời của Hùng Vương thứ nhất”(2). Ngay từ buổi đầu hình thành làng xã sơ khai, Thần Nông đã được đưa vào đình làng thờ chung với Thành Hoàng. Do đó, thờ cúng Thần Nông là thờ cúng ông tổ nghề nông, để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt. Thần Nông được hình tượng hóa là một mục đồng dắt một con trâu (con trâu tượng trưng cho nghề này).

Bên trong chùa.

- Thần Hổ: Cọp là con vật được thờ phổ biến trong đình, miếu ở Cần Thơ. Ðây chính là kết quả ứng xử của con người đối với tự nhiên trong buổi đầu đặt chân đến vùng đất mới. Bởi vì lúc Nam tiến khai khẩn đất hoang, các bậc tiền nhân đã phải đối mặt với không chỉ rừng rậm hoang vu, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mà còn đối mặt với đầy thú dữ. Trong các loài thú dữ ở đây thì cọp trên bờ và sấu dưới sông là hai con vật nguy hiểm nhất, đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của người dân nơi đây. Cọp phá hoại mùa màng, đe dọa mạng sống của con người nên con người phải tổ chức đánh đuổi nhưng xong lại sợ cọp trả thù nên người ta lập miếu thờ cọp và tôn cọp là thần: “Thần Hổ, Sơn quân chi thần”, với mong muốn vị thần này phù hộ cho họ có cuộc sống bình an nơi vùng đất mới.

- Cậu Tài - Cậu Quý: Hai cậu trong tín ngưỡng thờ Bà - Cậu của cư dân vùng sông nước. Bà ở đây hiểu là Mẹ, còn Cậu là Cậu Tài (có người nói là Trài) và Cậu Quý, hai con trai của Bà. “Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na trôi dạt trên biển, thân xác Bà biến thành cây trầm hương, do tính linh thiêng cứu độ người trên biển nên ngư dân và những người đi biển tôn thờ Bà là Nữ thần biển cùng với hai con trai của Bà là Cậu Trài - Cậu Quý. [...] Họ xem Bà - Cậu là tổ nghiệp của mình. Có thể nói Bà - Cậu là tín ngưỡng phổ biến nhất của dân chài và cư dân vùng biển Nam Bộ”(3).

- Chiến sĩ trận vong: Ðây là nét nhân văn trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Bàn thờ này là để thờ các vị anh hùng dân tộc - những người không tiếc máu xương mình để bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, nên trên bài vị thường ghi bốn chữ “Vị quốc vong thân”.

Sự giao thoa trong tính ngưỡng thờ cúng tại chùa Ông ở vàm Ðấu Sấu là cho thấy hiện tượng giao lưu văn hóa độc đáo của cư dân TP Cần Thơ ngày xưa còn lưu truyền đến nay.

------------------

(1) Lê Anh Dũng (1995), Quan Thánh xưa và nay, NXB Văn hóa Thông tin, tr.129-130.

(2) Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr.117.

(3) Phan Thị Yến Tuyết (2016), Hệ thống nữ thần biển trong tín ngưỡng thờ Mẫu và nữ thần ở vùng biển Nam Bộ, trong cuốn Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ bản sắc và giá trị, Võ Văn Sen - Ngô Đức Thịnh - Nguyễn Văn Lên (Đồng chủ biên), NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr.72-73.

Chia sẻ bài viết