09/10/2022 - 09:10

Chùa Ông Bắc ở Long Xuyên 

Huỳnh Hà

Chùa Ông Bắc (còn có tên gọi Bắc Ðế Miếu) là một trong những ngôi chùa còn bảo tồn khá nguyên vẹn các đường nét kiến trúc, hoa văn và cách bài trí mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc Hoa ở An Giang. Chùa tọa lạc tại số 15 đường Phạm Hồng Thái, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Chùa Ông Bắc.

Tính đến nay, chùa đã có niên đại trên 150 năm. “Theo những người lớn tuổi ở địa phương kể lại và căn cứ vào ba bia ký tại chùa thì chùa Ông Bắc lúc đầu được xây dựng đơn sơ, chưa có gì đặc sắc lắm. Trải qua mấy lần sửa chữa, đến năm Giáp Ngọ (1887), hai ông Quảng Thành Lợi và Hòa Mậu Dương - giàu có nhất trong vùng - chủ trương xây dựng mới lại ngôi chùa. Bốn năm sau (Mậu Tuất - 1891), chùa Ông Bắc được hoàn thành, khang trang cho đến ngày nay”(1). Chùa Ông Bắc có kết cấu hình chữ Quốc, được xây dựng trên diện tích khoảng 400m2, mặt hướng ra sông Long Xuyên. Ấn tượng đầu tiên của ngôi chùa đối với khách đến viếng thăm là sắc vàng của tường rào, sắc xanh xen lẫn đỏ thẫm của ngói ống, ngói lợp, của các hoa văn trang trí ngoại thất và gạch ốp tường.

Mái chùa lợp ngói âm dương, đầu mái có lợp ngói đại ống đã phủ màu rêu xanh. Trên đỉnh mái có tượng lưỡng long tranh châu, tượng cá, tôm - sản vật đặc trưng của vùng sông nước phương Nam. Hai bên mái nóc có tượng ông Nhật bà Nguyệt - thể hiện triết lý âm dương giao hòa. Cửa chùa chào đón khách thập phương bằng câu đối: “Tác khách tận đồng hương bạt thiệp châu nhai đôn nghĩa khí / Cư di hàm lạc nghiệp kinh dinh đồng trụ dụ tài nguyên” (tạm dịch: “Làm khách xứ người cùng một gốc quê hương lặn lội đến sườn núi đỏ bạt ngạt, càng hun đúc nghĩa khí / Ðến ở vùng đất này đều an cư lạc nghiệp, tài nguyên phong phú, làm ăn giàu có”(2)). Nội hàm câu đối trên thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng người Hoa nơi đây và cũng là sự mong muốn cho cuộc sống được ấm no đủ đầy, an cư lạc nghiệp.

Bước qua cổng chính Chùa Ông Bắc là đến lớp cửa bình phong. Ngày thường cửa này được đóng lại, chỉ có những ngày lễ Tết cửa này mới được mở ra. Sau lớp cửa này là sân Thiên Tỉnh - vừa là nơi lấy ánh sáng cho không gian bên trong ngôi chùa vừa là nơi thoát khí, nơi tỏa khói nhang, tạo nên sự thoáng đãng. Gian trong cùng là chính điện - nơi thờ vị thần chính của ngôi chùa. Không như một số ngôi chùa khác lấy Quan Công hay Thiên Hậu là vị thần thờ chính, mà Chùa Ông Bắc thờ Huyền Thiên Thượng Ðế, còn gian thờ Quan Công ở phía trái, Thiên Hậu được thờ bên phải (nhìn từ ngoài vào). Ðây có lẽ là nét đặc biệt của Chùa Ông Bắc so với các ngôi chùa đồng bào dân tộc Hoa khác ở vùng Tây Nam Bộ.

Tín ngưỡng Huyền Thiên Thượng Ðế kể rằng ngài vốn là hóa thân của Ngọc Hoàng giáng trần, tu theo Phật và đắc đạo. Ngọc Hoàng ra chiếu phong ngài làm Vạn pháp Giáo chủ, cai quản Tả ban Huyền cai đại tướng, Hữu ban Quan thánh đế quân cùng 36 viên thiên tướng tùy tùng giúp việc, lại còn được phong hiệu là Huyền Thiên Thượng Ðế Ðăng ma Thiên tôn Vô lượng thọ Phật. Ngọc Hoàng còn ban cho Kim ấn Vương hư sư tướng, một thanh Thần kiếm Tam thai Thất tinh, 500 viên Linh đan; ra sắc chỉ phái ngài xuống trần để thu trừ yêu quái các sơn thủy động(3). Như vậy, trong tâm thức dân gian, Huyền Thiên Thượng Ðế là vị thần trấn trạch - có chức năng bảo vệ nhà cửa, đền đài tránh được những tà khí, yêu ma. Ðặc biệt, tín ngưỡng thờ Huyền Thiên Thượng Ðế ở nước ta có từ xưa với tâm thức: “Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời An Dương Vương đến nay, các triều đại đều phong sắc cho Ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ...”(4).

Hiện nay Chùa Ông Bắc còn giữ được khá nhiều di vật trên 100 năm, như: chuông đồng, đỉnh sắt. Ðặc biệt, ba bia đá hoa cương khắc chữ, ghi lại đầy đủ lịch sử xây dựng chùa, rất có giá trị về bia ký và ngôn ngữ học(5). Chùa Ông Bắc tổ chức lễ cúng vào các ngày rằm trong tháng. Ðặc biệt, vào ngày mùng 3-3 âm lịch hằng năm là lễ cúng vía Ông Bắc Ðế, đây được coi là lễ lớn nhất trong năm. Ngoài ra, ngày 23-3 âm lịch là cúng vía bà Thiên Hậu Thánh Mẫu và ngày 24-6 âm lịch cúng Quan Thánh Ðế Quân. Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa, người dân địa phương, khách du lịch An Giang thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng an lành, bình an trong cuộc sống.

Với những giá trị vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, ngay từ năm 1987, Chùa Ông Bắc đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 112/VH-QÐ công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.l

-------------

(1) UBND tỉnh An Giang (2007), “Ðịa chí An Giang, tập 2”, tr.308.

(2) UBND tỉnh An Giang, Sđd, tr.308.

(3) Bùi Thế Quân (2010), “Một vài ẩn số trong các di tích và lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Long Biên, Hà Nội”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 01.

(4) Bùi Thế Quân, Tlđd.

(5) UBND tỉnh An Giang, Sđd, tr.308-309.

Chia sẻ bài viết